Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam

Kinh tếThứ Bảy, 09/05/2015 07:23:00 +07:00

Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam

Đồ trang sức thô mộc của tổ tiên hàng nghìn năm trước, như bộ khuyên tai, vòng đeo, chuỗi hạt cườm,... được chế tác thủ công bằng đá, xương thú là cả một kho tàng vô giá với hậu thế.

Những cổ vật này được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ, có tuổi hàng nghìn năm. Đây có lẽ là ước nguyện cuối đời của người sắp về thế giới bên kia, chứng tỏ nhu cầu làm đẹp của ông bà tổ tiên người Việt.

Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam
Bộ sưu tập đồ trang sức cổ, khai quật dưới lòng đất Quảng Nam, được xác định là trang sức quý hiếm của người việt Cổ tại các thời kỳ văn hóa Đông Sơn (thế kỷ VII trước CN đến thế kỷ I sau CN), văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ X trước CN - thế kỷ II sau CN), và văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - cuối thế kỷ VII sau CN).

Thủy tinh được coi là nguyên liệu phổ biến trong kỹ thuật chế tác hạt chuỗi ở Quảng Nam. Các cuộc khai quật ở một số di tích quan trọng tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên,... đã minh chứng điều đó.

Loại hạt chuỗi kích thước lớn thường làm bằng đá mã não (agate), crystal, néphrite,... Mã não thường có màu đỏ tươi hoặc sẫm, đôi khi có vân trắng - nâu, crystal trong suốt,... Đây là những loại đá rất cứng, đòi hỏi được gia công với trình độ kỹ thuật điêu luyện, nhất là khoan lỗ.

Các nhà khoa học nhận định, có thể nguyên liệu để chế tác những bộ đồ trang sức còn được nhập từ nước ngoài. Xưa kia, Đài Loan là một trong những nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đá quý ở khu vực Đông Nam Á thời cổ. Ngoài ra, có thể rất nhiều hạt chuỗi bằng đá quý trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam cũng được du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa, Thái Lan,... qua con đường thương mại vào thời kỳ đầu công nguyên.

Một số đồ trang sức như khuyên tai và hạt chuỗi bằng vàng cũng được tìm thấy tại các mộ chum ở Gò Mùn (Đại Lộc), Lai Nghi (Điện Bàn),... dần hé lộ bí mật luyện kim nghìn năm trước của cha ông.

Trên thực tế, hàng chục năm nay, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật trên 50 địa điểm, phát hiện hàng trăm mộ chum của người Việt cổ. Qua đó, phát hiện hàng nghìn hiện vật là những đồ trang sức từ đá, thủy tinh, xương thú, mã não, vàng,... Nhờ vậy, đã tái hiện một phần đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Việt cách đây cả nghìn năm đã đạt đến trình độ cao về chế tác.

Quá trình khai quật đã phát hiện hơn 8.600 hạt cườm bằng thủy tinh màu xanh, vàng hoặc nâu có đường kính 1-3 mm tại Lai Nghi, huyện Điện Bàn. Ngoài bộ hạt chuỗi còn có 4 khuyên tai bằng vàng.

Trong số hạt chuỗi bằng đá mã não tìm thấy ở Lai Nghi có 3 chiếc rất đặc biệt: một chiếc có hình con chim nước, một chiếc có hình con hổ hoặc sư tử và chiếc còn lại là hạt chuỗi khắc. Cả 3 hạt chuỗi này được phát hiện trong 3 mộ chum khác nhau cùng với nhiều đồ tùy táng quý khác có niên đại vào thế kỷ I-II trước CN. Bộ trang sức gây ngạc nhiên và có giá trị nhất là 2 cái gương bằng đồng thời kỳ Tây Hán.

Nổi bật trong những vật trang sức của cha ông nghìn năm trước để lại là bộ khuyên tai ba mấu dành cho phụ nữ và khuyên tai hai đầu thú của nam giới. Nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện chất dũng mãnh, kiêu hãnh và cư¬ờng tráng. Tất cả đều được làm bằng các loại đá quý với sự gia công kỹ lưỡng, điêu luyện của những người thợ đá mỹ nghệ lành nghề.

Bộ đồ trang sức của cha ông người Việt cổ nghìn năm tuổi được tìm thấy trong các khu mộ cổ ở Quảng Nam:


Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam

Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam

Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam

Bộ trang sức đá ngàn năm có một ở Quảng Nam

Nguồn: VietnamNet
Bình luận
vtcnews.vn