Bộ Tài chính: Grab phải trả thay số tiền nợ thuế của Uber

Kinh tếThứ Ba, 03/04/2018 16:37:00 +07:00

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, khi Grab mua lại Uber thì phải chịu trách nhiệm trả khoản tiền thuế đang nợ tại Chi cục Thuế TP.HCM, là 53,3 tỷ đồng.

Trao đổi với PV bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, hiện Uber vẫn còn nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM. Cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế nhiều lần có văn bản “đòi nợ”, thậm chí có biện pháp mạnh mà Uber vẫn không trả.

Trước đó, tổng cộng số tiền mà Uber nợ là 67,6 tỷ đồng, gồm truy thu và phạt. Uber "hứa" với Cục thuế TP.HCM sẽ hoàn tất theo quy định, nhưng đến tháng 12/2017 chỉ trả 13,3 tỷ đồng.

Grab phải gánh khoản nợ thuế của Uber

Nhiều người băn khoăn sau khi Grab mua lại Uber, trách nhiệm trả khoản thuế đó thuộc về ai. Trả lời PV, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói ngắn gọn: “Các nghĩa vụ của các doanh nghiệp mà sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó”.

Bo Tai chinh: Grab phai tra thay so tien no thue cua Uber hinh anh 1

Các khoản nợ thuế của Uber tại TP.HCM.  

Điều này có nghĩa, Grab phải có trách nhiệm trả khoản nợ đó thay Uber tại Cục Thuế TP.HCM.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện nay các doanh nghiệp mới có thông báo trên mạng, thông báo cho các lái xe của Grab, Uber việc sáp nhập sẽ áp dụng từ ngày 8/4. Các cơ quan quản lý chưa được thông báo.

Ngày 3/4 là hạn chót Grab báo cáo vụ mua lại Uber

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện Bộ chưa nhận được báo cáo nào của Grab về việc mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông Hải nhấn mạnh theo quy định, nếu mua bán doanh nghiệp có thị phần 30-50% phải có báo cáo tới Bộ Công Thương.

Nếu thị phần 2 doanh nghiệp sáp nhập trên 50% thì theo luật chắc chắn là không được phép.

Bo Tai chinh: Grab phai tra thay so tien no thue cua Uber hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định nợ thuế của Uber nếu Grab tiếp quản doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm với phần nợ này. (Ảnh: VGP) 

Khi nhận được báo cáo, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở đánh giá ở mức độ nào đó việc sáp nhập có được phép hay không. Trong việc này, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh quyền lợi làm việc của lái xe cho 2 hãng cũng phải lưu ý.

“Hiện nay, Grab, Uber đang hoạt động ở 8 quốc gia Đông Nam Á. Ngày 3/4 là hạn cuối cùng Grab, Uber phải có báo cáo việc mua bán doanh nghiệp. Khi nhận được báo cáo, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có ý kiến chính thức, dựa vào tài liệu căn cứ”, ông Hải nói.

Thứ trưởng Hải cũng nhấn mạnh trong trường hợp Bộ Công Thương không nhận được báo cáo, sẽ có áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật.

Singapore, Indonesia, Philippines cùng đe dọa ngăn chặn sáp nhập

Cùng diễn biến vụ việc này, Singapore, Indonesia, Philippines vừa đe dọa ngăn chặn việc sáp nhập nếu Uber, Grab làm giảm cạnh tranh.

“Thỏa thuận giữa Grab và Uber có thể tác động lớn lên ngành dịch vụ vận tải. Vì thế, Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) sẽ theo dõi sát việc này”, PCC cho biết trong thông báo hôm qua.

Cơ quan này cho rằng thỏa thuận sẽ giúp Grab gần như độc quyền trên thị trường đi chung xe tại nước này. Họ sẽ đánh giá liệu việc này có làm giảm cạnh tranh đáng kể hay không.

Video: Tài xế Uber - Grab thu chiết khấu 28,6% thì còn gì nữa đâu?

Đại diện PCC nói sẽ gặp cả Grab và Uber. Nếu phát hiện có rủi ro giảm cạnh tranh, Uber và Grab có thể đề xuất giải pháp. Còn nếu hai công ty không tình nguyện đưa ra biện pháp, PCC có thể chặn hoạt động sáp nhập.

Malaysia cũng đã cho biết sẽ giám sát Grab để xem có hành vi phản cạnh tranh nào hay không.

“Chúng tôi không coi nhẹ việc này. Chúng tôi sẽ giám sát, vì mọi việc mới trong giai đoạn đầu và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Nancy Shukri - quan chức chính phủ Malaysia về quản lý giao thông công cộng cho biết.

Vị này cũng nhấn mạnh nếu có bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào, Luật Cạnh tranh sẽ được thực thi. Hôm qua, đại diện cơ quan này cũng đã có cuộc gặp với Grab.

Ngoài những lùm xùm cạnh tranh với taxi truyền thống, lách thuế, không thể phủ nhận Uber đã để lại những điều tích cực, thổi luồng gió mới với thị trường Việt Nam.

(Nguồn: Zing News)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn