Bộ Tài chính: Đặt sai vị trí trạm BOT Biên Hòa để khuyến khích nhà đầu tư

Thời sựThứ Bảy, 07/10/2017 07:31:00 +07:00

Tuy khẳng định vị trí đặt trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên Quốc lộ 1 là sai nhưng Bộ Tài chính lại "thòng" câu để khuyến khích nhà đầu tư, đề nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (BOT Biên Hòa) trên Quốc lộ 1 trong ngày 6/10, các phòng vé đóng cửa im ỉm, nhân viên không làm việc. Xe cộ đi lại tự do không phải mua vé. Khung cảnh này đối lập hoàn toàn với những ngày qua, khi khu vực xung quanh rối loạn, tê liệt.

Phải dời trạm

Sau khi trạm BOT Biên Hòa tạm dừng thu phí, phóng viên đã liên hệ với nhiều tài xế, người dân trong khu vực và được họ bày tỏ việc trạm này dừng hoạt động là hợp lẽ.

Ông Trần Văn T. - ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom (khu vực đặt trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa) - cho rằng thời gian 3 năm đặt trạm trên Quốc lộ 1, lượng xe đi vào các đường dân sinh nườm nượp khiến đường sá hư hỏng, cuộc sống người dân biến động.

Sáng 6/10, khi BOT Biên Hòa xả trạm, lượng xe đi vào thôn xóm không còn. "Đường trong thôn xóm đã yên tĩnh, những người dân có ô tô cũng mừng mà làng xóm cũng vui, mong việc xử lý trạm sao cho thật hợp lý…" - ông T. nói.

Trạm BOT Biên Hòa đặt sai vị trí - Ảnh 1.

Quốc lộ 1 đoạn qua trạm BOT Biên Hòa đã thông thoáng khi trạm này không thu phí. (Ảnh: Xuân Hoàng)

Trong khi đó, các tài xế tại địa phương cho biết họ yêu cầu trạm phải di dời vì đặt không hợp lý chứ không đề nghị giảm mức thu phí như Tổng cục Đường bộ nói giảm 20%. "Chúng tôi không xin mà yêu cầu dời trạm vì đặt sai vị trí khiến chúng tôi mất tiền oan, không đi đường tránh cũng phải trả phí đường tránh, mỗi tháng hàng triệu đồng" - anh Thanh, một tài xế ngụ huyện Trảng Bom, nhấn mạnh.

Ông Minh Huy, chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Đồng Nai, băn khoăn: "Các vị có biết, sau trạm thu phí là các khu công nghiệp tập trung cũng như cảng container lớn của cả khu vực? Các vị đến giờ vẫn khẳng định vị trí đặt trạm là đúng, là nằm trong phạm vi dự án, như vậy có coi trọng quyền lợi người dân?".

Liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí BOT Biên Hòa, theo hồ sơ phóng viên có được thì thời điểm lập trạm, một văn bản từ Bộ Tài chính cho biết việc đặt trạm như hiện nay là sai nguyên tắc. Bộ này thừa nhận đặt trạm sai nguyên tắc chỉ vì để… khuyến khích nhà đầu tư.

Cụ thể, văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh ký ngày 17/11/2009 nêu rõ: "Trả lời Công văn số 7169/ BGTVT-KHĐT ngày 14/10/2009 của Bộ GTVT về việc thành lập trạm thu phí để tổ chức thu phí hoàn vốn Dự án BOT tuyến tránh TP Biên Hòa, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Về nguyên tắc, việc xây dựng trạm thu phí để tổ chức thu phí hoàn vốn dự án BOT tuyến tránh TP Biên Hòa, phải đặt trên tuyến tránh TP Biên Hòa. Tuy nhiên, để khuyến khích nhà đầu tư thực hiện dự án BOT, đề nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định vị trí đặt trạm cho phù hợp...".

Một lãnh đạo UBND xã Trung Hòa cho rằng nếu thực sự Bộ Tài chính biết sai rồi nhưng vẫn không "tuýt còi" là không ổn.

Đừng quanh co nữa!

Theo ông Minh Huy, lãnh đạo Bộ GTVT hình như càng lúc càng hiểu sai vấn đề. Bộ GTVT nên nhớ người dân phản đối sự vô lý đối với một dịch vụ có thu phí chứ không phản đối vì mức phí khi sử dụng dịch vụ. Gốc rễ vấn đề là ở chỗ người dân phải trả phí khi không sử dụng dịch vụ hơn 3 năm nay.

"Thay vì chi 200 tỉ đồng sửa chữa, nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1 bằng Quỹ Bảo trì đường bộ hoặc vốn ngân sách hằng năm Chính phủ cấp cho Bộ GTVT, các vị lại để một công ty tư nhân đứng ra sửa chữa, nâng cấp rồi đặt trạm thu phí án ngữ ngay Quốc lộ 1 - tuyến huyết mạch, cửa ngõ ra vào 3 TP lớn là Biên Hòa, Bình Dương và TP HCM. Như vậy là Bộ GTVT đã vì doanh nghiệp mà bỏ quên quyền lợi chính đáng của người dân" - ông Minh Huy nhìn nhận.

Tài xế Thanh còn "xin mời" lãnh đạo Tổng cục Đường bộ hoặc lãnh đạo Bộ GTVT thử một lần về khu vực trạm BOT Biên Hòa tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, của tài xế, chủ phương tiện.

"Các vị có về đây chắc cũng chỉ tiếp tục nói "không thể di dời trạm, di dời trạm là phá vỡ phương án tài chính của chủ đầu tư và ngân hàng, di dời trạm thì buộc nhà nước phải đứng ra mua lại toàn bộ dự án, mà bây giờ thì ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, không có đủ tiền để mua lại dự án này" như từng nói về trạm thu phí BOT Cai Lậy ở Tiền Giang" - tài xế Thanh băn khoăn.

Theo ông Minh Huy và tài xế Thanh, hơn 3 năm nay, chủ đầu tư có lẽ đã thu đủ khoản tiền ứng ra để sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 1. "Vậy thì hãy di dời ngay trạm thu phí BOT này về đúng tuyến tránh của nó. Đó là mong mỏi, yêu cầu chính đáng của người dân. Bộ GTVT hãy đối diện sự thật, đừng quanh co, tránh né nữa!" - ông Minh Huy bày tỏ.

Video: Hết dùng heo quay, tài xế lại dùng cá tra cúng trạm BOT Biên Hòa

Trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí từ tháng 10/2017? 

Tối 6/10, một thành viên HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy) cho biết công ty này đang làm việc lại với Bộ GTVT về hoạt động sắp tới của trạm thu phí BOT Cai Lậy. 

Theo đề xuất của chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, đơn vị này sẽ thu phí trở lại trong tháng 10/2017 và không dời trạm. Ngày 1/8, trạm này đã chính thức thu phí. Tuy nhiên, ngày 15/8, chủ đầu tư phải tạm dừng hoạt động cho đến nay vì bị phản đối vị trí đặt trạm. 

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa làm việc với Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư và thống nhất giảm giá cho một số loại phương tiện khi qua trạm thu phí Tasco tại Km604+800 trên Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, xe buýt nội đô được miễn giảm 100% giá vé, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh giảm 50% và giảm từ 10%-40% đối với các loại phương tiện khác. Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư dự án gửi báo cáo đề xuất phương án giảm giá kèm theo phương án tài chính trước ngày 10/10.

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn