Bộ Tài chính ba lần yêu cầu xem lại cách tính giá nước sông Đuống

Kinh tếThứ Hai, 18/11/2019 12:21:00 +07:00

Liên tục trong năm 2019, Bộ Tài chính nhiều lần gửi công văn phản hồi với Hà Nội về giá nước tạm tính tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Bộ Tài chính mới đây xác nhận có công văn trả lời UBND thành phố Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống ở mức tạm tính 10.246 đồng/m3.

song-duong-hn

 Nhà máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao.

Về việc định giá nước, theo Bộ Tài chính, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, Bộ Tài chính yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.

Theo tài liệu VTC News có được, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính yêu cầu TP.Hà Nội thực hiện việc này. Ngày 18/4/2019, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi UBND TP.Hà Nội phản hồi về những vướng mắc của thành phố khi thực hiện cấp bù giá nước cho Nhà máy nước sông Đuống.

Tại công văn này, Bộ Tài chính viện dẫn cụ thể điều khoản chi tiết tại Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện và chi phí lãi vay. Bộ Tài chính đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, do dự án chưa được quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định các mức chi phí cụ thể, vì vậy, Bộ Tài chính nhất trí với nguyên tắc xác định mức giá tạm tính của UBN TP.Hà Nội đề xuất. Riêng đối với chi phí lãi vay, cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định”, công văn của Bộ Tài chính nêu.

nuoc-song-duong

 Giá nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Tiếp đó, đến ngày 11/9/2019, Bộ Tài chính cũng có công văn số 10613 gửi UBND. TP Hà Nội phản hồi việc cấp bù giá nước cho dự án này.

Ngoài việc yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định, Bộ Tài chính còn viện dẫn một số quy định về chi phí lãi vay để hướng dẫn UBND TP Hà Nội thực hiện việc cấp bù. Cụ thể, Bộ trích luật về chi phí lãi vay: Chuẩn mực kế toán số 16 “chi phí đi vay” quy định tại Thông tư số 61 ngày 31/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện 16 chuẩn mực kế toán.

Từ viện dẫn này, Bộ kết luận, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí đi vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hóa vào giá trị tài sản, thì đã được tính trong nguyên giá để tính khấu hao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí vay lãi cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hóa, tránh trùng chi phí.

Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, trường hợp phát sinh cấp bù từ ngân sách địa phương, đề nghị UBND TP.Hà Nội tính toán toán cấp bù đúng nguyên tắc của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP Nước mặt sông Đuống.

Như vậy, có ít nhất ba văn bản của Bộ Tài chính gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị loại bỏ chi phí lãi vay khi tính vào giá thành nước sông Đuống. Dù vậy, đến ngày 12/11, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy TP.Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội vẫn khẳng định, khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, báo cáo của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho thấy, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn