Bổ sung việc kiểm tra formaldehyde trên hoa quả

Sức khỏeChủ Nhật, 15/07/2012 08:49:00 +07:00

(VTC News) - Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã trao đổi về rau an toàn.

(VTC News) - Thông tin về chất cấm formaldehyde, thuốc trừ sâu endosulfan được tìm thấy trong một số mẫu rau quả nhập khẩu đã làm xôn xao dư luận thời gian qua. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã trao đổi về rau an toàn.

Ông Hồng cho biết: Trên thế giới có khoảng hơn 1.000 hoạt chất bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng, tuy nhiên có khoảng 25  hoạt chất có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế việc kiểm nghiệm cũng mới chỉ tập trung vào các hoạt chất nói trên.

Ngoài ra số hoạt chất này được bổ sung khi có những cảnh báo mới, như trường hợp chất formaldehyde có trong rau cải thảo của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là nếu thuốc BVTV được sử dụng đúng cách thì vẫn an toàn. Và người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm sử dụng. Thực tế cũng có ý kiến thắc mắc với tôi rằng, kể cả dưới ngưỡng an toàn nhưng thường xuyên sử dụng vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Tôi cho rằng, hóa chất BVTV chỉ nguy hại cho sức khỏe con người nếu lạm dụng hoặc sử dụng quá mức cho phép, còn sử dụng dưới ngưỡng quy định thì cơ thể sẽ có chức năng tự đào thải.

 
Có ý kiến nói rằng rau trên diện rộng đều là rau không sạch và không an toàn, ông nghĩ sao về điều này?

Tại Việt Nam, qua kiểm tra, giám sát các mẫu rau quả kết quả cho thấy tỉ lệ trái cây chứa dư lượng bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép chiếm 7%-8%. Đây là số mẫu được xếp vào loại nguy hiểm cho sức khỏe người, tỉ lệ còn lại là an toàn.

Từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4, qua lấy mẫu, phân tích, phát hiện 71/315 mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm (BVTV), nhưng đều trong ngưỡng cho phép. Điều này cho thấy phần lớn rau quả mà người dân đang sử dụng là an toàn. Nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới đây vẫn được coi là mức trung bình.

Ở các nước phát triển mức này từ 2- 3%, còn tại một số nước dư lượng trên mức 10% số mẫu thậm chí còn cao hơn nữa. Điều này cũng được chứng minh trong thực tế là quá trình xuất khẩu nông sản với số lượng lớn đi thế giới từ gạo, thanh long, xoài, bưởi... đi khắp các quốc gia trên thế giới nhưng rất ít trường hợp trả về hoặc nhận được cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm.

Vậy tại sao lại có thông tin nói rằng từ 15/5/2012, đến 1/2/2013 Việt Nam sẽ tạm dừng làm thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu 5 mặt hàng (rau húng, ớt ngọt, mùi tàu, cần tây, và mướp đắng) sang EU? Có phải đây là những sản phẩm không đạt yêu cầu, thưa ông?

Chúng ta phải chủ động dừng vì đây là những mặt hàng có nguy cơ cao nhiễm các chất mà phía EU cảnh báo. Nếu chỉ thêm 2 lô hàng nữa vi phạm, EU sẽ đóng cửa thị trường đối với Việt Nam đối với 5 loại rau này.

Hiện cơ quan chức năng đang tăng cường xây dựng hàng rào kiểm dịch để quản lý thật chặt hoạt động kiểm dịch. Theo đó, tất cả các lô hàng rau quả sau khi kiểm tra xong, trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xuất khẩu sang EU sẽ phải có ý kiến của lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật. Nếu phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật mà EU đã thông báo, dứt khoát không cấp giấy chứng thư và như vậy doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu được.

Hiện nay Việt Nam đã kiểm soát được các chất BVTV trong nông sản có nguồn gốc từ thực vật chưa thưa ông?

Hiện nay chúng ta có đầy đủ phương tiện để có thể kiểm tra được tất cả các hóa chất. Chúng ta đã có những phòng thí nghiệm đạt các tiêu chuẩn ISO và có thể kiểm tra được rất nhiều các loại hóa chất hiện nay trên thế giới và trong nước đang sử dụng. Tuy nhiên việc kiểm tra rau an toàn không chỉ thông qua việc kiểm tra lấy mẫu phân tích mà còn cần sự vào cuộc kiểm tra giám sát của chính người tiêu dùng.

Thời gian qua dư luận rất lo lắng trước việc trái cây nhập khẩu tẩm hóa chất bảo quản, gần đây nhất là một mẫu lê Trung Quốc được phát hiện có thuốc trừ sâu, ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là đợt kiểm tra mới đây đã phát hiện một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng endosulfan. Đây là hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam vì là thuốc trừ sâu có độc tính cao, ảnh hưởng đến các sinh vật có ích trong môi trường và sức khỏe con người.

Liên Hợp quốc đã đưa thuốc trừ sâu endosulfan vào danh sách các loại hóa chất hữu cơ độc hại gây ô nhiễm lâu dài và phải loại khỏi thị trường toàn cầu vào năm 2012. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn chưa cấm sử dụng loại thuốc sâu này.

Trên thế giới một số nước vẫn còn sử dụng trên các cây công nghiệp, nhưng không sử dụng trên cây làm thực phẩm. Thời gian qua các đoàn kiểm tra đã liên tục lấy mẫu với tần suất lớn để kiểm tra loại quả này. Nếu vẫn tiếp tục vi phạm chúng ta sẽ áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu.

Vậy tại sao thời gian qua nhiều loại rau củ quả có hóa chất độc chỉ được kiểm tra khi báo chí lên tiếng, thưa ông?

Cái này là do phát sinh đột xuất nên chúng ta phải bổ sung. Năm 2012, chúng tôi đặt trọng tâm vào thuốc bảo quản trên hoa quả. Dự kiến sẽ có kết quả kiểm tra tổng thể về thị trường hoa quả tại Việt Nam vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Cục BVTV vẫn theo sát việc kiểm tra sản phẩm hoa quả trên thị trường và kết quả ban đầu cho thấy không phải chất bảo quản nào cũng độc hại.

Ông có nói chất formaldehyde sẽ được bổ sung vào danh mục những hoạt chất cần kiểm soát để các đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các loại rau quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam?

Đúng vậy. Hiện nay có 25 hoạt chất trong danh mục này. Ngay sau khi có thông tin về tình trạng lạm dụng formaldehyde (một dung dịch được cho là chuyên để ướp xác và tẩy uế, khử trùng bệnh viện...) để phun lên rau cải thảo tại Trung Quốc, Cục BVTV đã bổ sung formaldehyde vào danh mục chỉ tiêu cần kiểm tra đối với thực phẩm, nông sản có nguồn gốc thực vật.

Đồng thời, đã giao trách nhiệm cho các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm, nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra rau quả nhập khẩu. Tại Việt Nam qua kiểm tra hiện chưa phát hiện thấy việc lạm dụng formaldehyde trong sản xuất, kinh doanh rau. Các loại rau lưu thông trên thị trường vẫn đảm bảo an toàn đối với chỉ tiêu formaldehyde.

Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng rau sạch. Vậy tiêu chí nào để đánh giá sản phẩm rau sạch?

Bộ NN&PTNT đưa ra thông tư quy định điều kiện sản xuất kinh doanh rau quả an toàn. Bộ có giao cho các Sở xem xét đánh giá những cơ sở sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì được cấp giấy chứng nhận, các cửa hàng rau cũng phải có các tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận khi nhập rau từ những cơ sở sản xuất rau được chứng nhận là an toàn

Vậy bằng mắt thường có thể phát hiện được rau sạch hay bẩn không thưa ông. Liệu có cách nào cảnh báo để người tiêu dùng tự bảo vệ mình?

Rất khó phân biệt nhưng vẫn có thể  bằng phương pháp loại trừ, người tiêu dùng có thể chọn cho mình những sản phẩm có độ an toàn cao hơn. Thứ nhất không nên chọn các loại rau quả mà hình thức bên ngoài có hình dáng bất bình thường.

Chẳng hạn lá rau quá to, quá xanh non thì như vậy sẽ được bón phân muộn hoặc phun những chất kích thích tăng trưởng. Hoặc có những đốm trắng trên lá đó là tàn tích của việc phun thuốc mà nó chưa phân hủy, chưa bay hết mà vẫn còn đọng lại trên lá.

Thứ 2 phải chọn cho bữa ăn nhưng chủng loại rau an toàn. Ở Mỹ người ta đưa ra 12 loại rau quả an toàn nhất và 15 loại rau quả bẩn nhất để người tiêu dùng lựa chọn, định hướng. Đưa ra những tiêu chí này cũng dựa trên các đặc điểm của từng loại rau quả trong khi trồng, nghĩa là có loại rau rất nhiều sâu, có loại ít sâu hơn.

Loại nào ít sâu hơn thì ít phải dùng thuốc hơn. Thứ 3 là trong quá trình sơ chế  người ta cũng khuyến cáo là rửa sạch, gọt sạch, bỏ những lá ngoài (cải bắp, cải thảo...); trần qua nước sôi từ 30 giây đến 1 phút có thể giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật tới 60% và nếu như còn đọng lại bên ngoài. Cuối cùng để đảm bảo an toàn người ta vẫn khuyến cáo ăn chín uống sôi bởi lẽ an toàn thực phẩm không chỉ có hóa chất mà còn có cả vi sinh vật có thể gây bệnh cho người sử dụng.

Hải Anh

Bình luận
vtcnews.vn