Bố mãi là cây cao bóng cả của đời con!

Góc của nàngThứ Sáu, 07/08/2015 05:57:00 +07:00

Đêm nào cũng vậy, nửa đêm tỉnh giấc, tôi luôn thấy có bóng dáng rất lớn đang ngồi trên bàn cạnh đó. Là bố - cái bóng che chắn cho tôi suốt những đêm mộng mị, khiến tôi luôn có cảm giác an toàn.

Đêm nào cũng vậy, nửa đêm tỉnh giấc, tôi luôn thấy có bóng dáng rất lớn đang ngồi trên bàn cạnh đó. Là bố - cái bóng che chắn cho tôi suốt những đêm mộng mị, khiến tôi luôn có cảm giác an toàn.

Tôi thường nghe bà nội kể về tuổi thơ nhọc nhằn của bố. Nhà nghèo, bố phải lao động từ năm lên 6 tuổi để giúp gia đình. Sau khi học xong chương trình phổ thông hệ 7 năm, bố gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Campuchia. Xuất ngũ, ông về địa phương, công tác tại UBND xã. Rồi bố lấy mẹ, hai vợ chồng ở riêng. Hoàn cảnh còn khó khăn, vất vả là thế nhưng bố mẹ rất yêu thương nhau. Tôi chưa bao giờ thấy hai người cãi vã hay to tiếng với nhau. Mọi câu nói, quyết định của bố, mẹ đều nghe răm rắp. Không phải vì ông gia trưởng, khắt khe, mà chính cách sống, ứng xử của ông khiến cho vợ con tin tưởng, khâm phục mà tin theo.

Bố mẹ chỉ sinh mỗi mình tôi là con gái. Mẹ rất yếu nên ngày mang thai tôi, bố không cho mẹ làm bất cứ việc gì. Ngày ngày, ngoài công việc ở xã, bố làm V.A.C để có thêm thu nhập. 

yêu thương bố mẹ

Tôi là đứa con gái mạnh mẽ, nên ngày đầu tiên chập chững vào lớp 1, tôi không khóc như các bạn khác. Bố đưa tôi đến lớp, đọc tên tôi để cô giáo viết vào sổ học sinh. Xong xuôi, ông ngồi xổm trước mặt tôi, nói: "Nhiệm vụ của con mỗi sáng dậy sớm, đến trường học và mỗi tối, con thuật lại câu chuyện ở trường cho bố mẹ nghe. Bố con mình cam kết sẽ nói đúng sự thật nhé !". Tôi móc tay bố, yên tâm ngồi học trước rất nhiều người bạn đồng lứa xa lạ.

Ở vùng quê đất cằn cỗi sỏi đá, người dân sống chân chất như quê tôi, đôi lúc, người ta mải tìm kế sinh nhai mà bỏ quên việc quan tâm đến con cái. Những đứa trẻ tự chơi, tự lớn, tự học, tự trau dồi kinh nghiệm qua những vấp ngã đầu đời. Bố mẹ tôi thì khác, luôn để ý đến tôi, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi hay bị ốm vặt. Mỗi lần như thế, ông lại thức suốt đêm trông tôi. Bố không cho mẹ thức cùng vì sợ mẹ mệt. Có khi, tôi ốm liên tục nửa tháng, tỷ lệ thuận với ngần ấy ngày bố không ngủ để trông chừng tôi. Đêm nào cũng vậy, nửa đêm tỉnh giấc, tôi luôn thấy có bóng dáng rất lớn đang ngồi trên bàn cạnh đó. Là bố - cái bóng che chắn cho tôi suốt những đêm mộng mị, khiến tôi luôn có cảm giác an toàn.

Trên lớp tôi hay nghịch ngợm, những lần như thế, cô giáo chủ nhiệm lại gọi bố tôi lên nói chuyện. Bố âm thầm làm những việc để tôi nhận ra: Con gái cần sự nữ tính, dịu dàng, nết na trong ứng xử. Bố mua một số cuốn sách mà "những cô gái cần biết", để lẫn vào giá sách của tôi. Hồi ấy, hiệu sách ở quê tôi rất ít, chỉ có vài quán sách cũ lẻ tẻ ở dọc quốc lộ A. Bố tôi phải lặn lội vào tận Vinh để tìm sách. Tôi mải mê đọc, rồi cũng tập dần những thói quen tốt ở đó.

Trong đời ông chưa bao giờ quát mắng tôi, chỉ duy nhất một lần ông đánh tôi. Hôm đó lớp 4, tôi bỏ học cùng đám bạn đi bắt chim cò giữa cánh đồng. Biết tin, ông không nói không rằng, bắt tôi nằm xuống phản, quất 3 lằn roi. Tôi lì lợm nín đau, không khóc một tiếng nào. Rồi ông bỏ đi. Tối đến, ông gọi tôi lại, hỏi tôi có trách bố không. Tôi lắc đầu, im lặng vì biết mình sai. Ông nói: "Bố mẹ không có gì cho con, ngoài tình yêu với con chữ. Có rất nhiều bạn trẻ khao khát học nhưng không có điều kiện đến trường. Con đừng bỏ phí bất cứ buổi học nào. Học phí là mồ hôi nước mắt của bố mẹ, còn kiến thức, nếu con bỏ một buổi nào, nghĩa là con chậm hơn một bước so với các bạn. Tương lai của con phụ thuộc vào hành vi của con bây giờ đấy". Thấm nhuần điều bố dạy, tôi chăm chỉ học tập và luôn là học sinh xuất sắc của trường, lớp. 

nói lời yêu thương khi còn có thể

Năm tôi thi chuyển cấp, tôi nhờ bố tư vấn về việc có nên thi trường chuyên hay không? Ông mỉm cười bảo: "Nếu con đủ tự tin với lực học và thích thú với môi trường học tập ở đó thì hãy thi. Học ở đâu cũng cần sự cố gắng và nỗ lực tối đa. Bố muốn con độc lập suy nghĩ và quyết định, bố chỉ định hướng cho con cách giải quyết". Tối hôm đó, tôi thấy bố bàn việc này với mẹ và hỏi thêm một số giáo viên khác nhờ sự tư vấn. Năm tôi thi đại học, tôi cũng hỏi ý kiến của ông. Ông định hướng cho tôi rất nhiều, nhưng luôn tôn trọng quyết định của tôi. Rồi tôi nhập học ở Hà Nội, bố là người đi tìm phòng trọ cho tôi. Tôi ở cùng một người bạn khác trong căn phòng trọ gần trường, chỉ rộng mười mấy mét. Bố dặn dò rất nhiều điều trước khi lên xe khách về quê. Tôi thấy trong lời dặn của ông có tiếng nấc. Mẹ kể lại, rời khỏi căn trọ của tôi, ông đã khóc vì thương con một mình nơi đất khách, lại ở trong căn phòng chật chội, tù túng.

Tôi ra trường, đi làm và có thu nhập khá. Trong tâm thức tôi, một đứa con gái đã gần 30 tuổi đầu, bố vẫn mãi là thần tượng cao lớn, vĩ đại. Mỗi tháng tôi đề nghị trích lương để gửi về một khoản cho bố mẹ chi tiêu. Bố tôi đồng ý. Sau này, tôi mới biết, tất cả số tiền đó, ông đều gửi tiết kiệm cho tôi. Ông bảo: "Để con gái có của hồi môn khi đi lấy chồng". Tôi bật khóc, từ trước đến nay, ông luôn lo lắng, dành mọi sự quan tâm cho tôi. Nhưng chưa bao giờ, tôi nói với ông lời yêu thương. Câu "Con yêu bố" vẫn nằm trong nhật ký mỗi lần tôi nhắc về bố. Chúng ta có thể dễ dàng nói lời yêu thương với người yêu, với chồng hay thậm chí với bạn bè, nhưng đôi lúc, ta lại cảm thấy thật khó để nói lời yêu với cha mẹ mình. Đã bao lần, ta mải miết theo đuổi những phù du của cuộc sống, đến khi giật mình nhìn lại, cha mẹ ta vẫn luôn đứng đó dõi theo từng bước ta đi. Dù đi đâu, về đâu thì khi quay về nhà, ta vẫn là đứa con bé bỏng luôn cần bố mẹ che chở và yêu thương. Vậy sao phải chần chừ, xấu hổ, ngượng ngùng khi nói "Con yêu bố mẹ?". Nếu một ngày bố mẹ mất đi, ta còn cơ hội để nói lời yêu đó nữa?

Sáng mai, khi bình minh ló dạng, tôi sẽ gọi điện về để nói với bố rằng: "Con yêu bố mẹ rất nhiều"...

Lam Dung

Bình luận
vtcnews.vn