Bỏ loa phường, ngân sách Hà Nội tiết kiệm được bao nhiêu?

Kinh tếThứ Hai, 16/01/2017 11:52:00 +07:00

Nếu bỏ loa phường, mỗi năm ngân sách Hà Nội tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.

Ngày 9/1, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, loa phường đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay.

“Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh và giao Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá lại hiệu quả của loa phường, báo cáo thành phố.

Hà Nội có tất cả 30 đơn vị hành chính cấp huyện: gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã và 584 đơn vị hành chính cấp xã – gồm 386 xã, 177 phường và 21 thị trấn. Các xã ngoại thành không có “loa phường” chỉ có đơn vị truyền thông tin cấp huyện.

loa-phuong

Nếu bỏ loa phường, mỗi năm ngân sách Hà Nội tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Tiểu Lâm

Như vậy, chỉ tính trong nội thành, Thành phố có tất cả 177 đơn vị hành chính cấp phường và có từng đấy đơn vị đảm nhiệm công việc truyền đạt thông tin qua những viêc loa phường.

Để vận hành và duy “loa phường”, mỗi địa phương cấp phường đều có 1 vị trưởng đài, một vị phó đài và kèm theo ít nhất 3, 4 nhân viên để hoạt động. Mỗi nhân viên kiêm rất nhiều việc: bảo trì, bảo dưỡng, phát thanh viên, phóng viên nội dung, lên kịch bản,....

Lương trung bình của nhân viên vận hành “loa phường” là khoảng 3 triệu đồng/tháng. Như vậy, chưa tính các khoản thưởng, hoặc các chương trình duy trì hoạt động, mỗi năm ngân sách Thành phố phải trả khoảng 2 tỷ đồng tiền lương cho cán bộ, công nhân viên chức “loa phường”.

Ngoài ra, các chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị,.. cũng “ngốn” ngân sách Thành phố cả chục tỷ đồng.

Được biết, tại quận Hoàn Kiếm, mỗi năm phường phải chi 50 triệu đồng để bảo dưỡng, duy trì hoạt động của hệ thống loa. Toàn quận Hoàn Kiếm có 18 phường, như vậy mỗi năm các phường phải chi cho “loa phường” khoảng 900 triệu đồng, chưa kể tiền lương, thưởng.

Một cán ở một phường thuộc Quận Đống Đa cho biết, công việc của nhân viên “loa phường” rất nhàn hạ, có 2 - 3 người luân phiên nhau. Hàng ngày chỉ cần đăng tin vào các khung giờ cố định vào sáng, trưa, chiều để thông báo cho người dân trong địa phương. Thậm chí, một bản tin phát đi, phát lại nhiều ngày trong tuần.

Chị này lấy dẫn chứng: “Vào mỗi dịp tuyển nghĩa vụ quân sự, bảo hiểm, hưu trí,... chúng tôi thường xuyên phát sóng để người dân nắm bắt. Hầu như ngày nào cũng thông báo để người dân nắm được. Hoặc nếu như có gì đặc biệt, chỉ cần lên mạng ‘copy’ rồi đọc thế là xong”.

Ngoài ra, nội dung thông tin của loa phường rất “nghèo nàn”, không có nhiều cải tiến mới, thông tin chậm chạp. Hiện tại, người dân có nhiều cách để tiếp nhận thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước,... qua báo chí, truyền hình và đặc biệt là Internet. Vì vậy, những chiếc loa phường chỉ gây “lãng phí” chứ không còn phát huy được lợi ích như thời điểm những năm bao cấp.

Ông Hoàng Hà (80 tuổi) chia sẻ: “Tôi là một cán bộ hưu trí đã về hưu. Ngày xưa, thời bao cấp, chúng tôi không còn cách nào khác để nhận thông tin nên những chiếc loa phường dường như rất thiết thực. Trong thời gian đó, ngoài các chính sách của Đảng, Nhà nước,... thi thoảng chúng tôi nghe được những câu chuyện hay, những câu chuyện về người tốt, việc tốt. Còn bây giờ, mọi nội dung trên loa phường rất nhàm chán, quanh đi quẩn lại đều nhạt nhẽo. Ngoài ra, hiện nay mọi vấn đề thông tư của Đảng, vấn đề chính trịxã hội, tôi đã đều được đọc trên báo chí và truyền hình”.

Một điều bất tiện khác tồn tại ở những chiếc loa phường là âm thanh lớn, chói tay, chất lượng âm vô cùng kém. Ông Hà nói: “Mỗi khi đến giờ phát là tôi phải đi ra ngoài cho đỡ đau đầu. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ oang oang, loạn xạ cả lên”.

Chiều ngày 14/1, trao đổi với phóng viên báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Minh Khánh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nêu quan điểm, hệ thống loa phường hoạt động rất có hiệu quả và Sở sẽ tham mưu không bỏ mà chỉ điều chỉnh hệ thống truyền thanh này.

"Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động qua loa phường, xã. Trong đó, việc lấy ý kiến người dân hệ thống loa phát thanh có phù hợp với nhu cầu hiện nay hay có ảnh hưởng sinh hoạt người dân không được chú trọng trong kế hoạch”, ông Khánh cho hay.

Bình luận
vtcnews.vn