Bộ lạc Ấn Độ Dương và lịch sử sợ hãi, xung đột với thế giới bên ngoài

Thế giớiThứ Bảy, 24/11/2018 16:40:00 +07:00

Cái chết của công dân Mỹ John Allen Chau một lần nữa khiến thế giới chú ý đến những thổ dân trên đảo Bắc Sentinel, bộ tộc từ lâu đã không mấy thiện cảm với người ngoài.

Vào cuối thế kỷ 19, một sĩ quan hải quân người Anh bước lên một hòn đảo hẻo lánh trên biển Andaman, đụng độ với một trong những bộ lạc săn bắn hái lượm nổi tiếng nhất thế giới. Ông mô tả những người bị cô lập với thế giới bên ngoài này “cực kỳ nhút nhát”. Họ cũng ăn rễ cây, rùa và lưu trữ một đống xương sọ của những con lợn hoang.

Bị thu hút bởi bộ lạc này, sĩ quan Maurice Vidal Portman quyết định bắt cóc một vài người thổ dân, mang họ tới một hòn đảo lớn hơn để quan sát. Sau khi những người lớn ốm dần và chết, sĩ quan Portman đem những đứa trẻ còn sống trở về hòn đảo cũ, chấm dứt hành trình khám phá của mình và cho rằng ông đã thất bại.

Trong cuốn sách xuất bản năm 1899, ông Portman kết luận: “Chúng tôi không làm được gì khác ngoài việc gia tăng sự sợ hãi và thù địch của họ với những người đến từ bên ngoài”.

Thêm một nỗ lực thất bại

Trong một thế kỷ tiếp theo, có rất ít người đặt chân lên hòn đảo. Hòn đảo này có tên gọi Bắc Sentinel, là một thế giới rậm rạp, nhiều núi non có kích thước bằng với quận Manhattan của New York. Bất cứ ai dám bước tới đây đều phải nhận những cơn mưa tên bắn về phía mình. Vào năm 1970, một đạo diễn của kênh National Geographic bị bắn trúng chân khi cố gắng thực hiện điều đó.

Có thể những thổ dân ở đây bị ám ảnh bởi vụ bắt cóc của sĩ quan Portman. Hoặc đơn giản họ sợ bị lây những căn bệnh từ thế giới bên ngoài. Không ai dám chắc tại sao những người thổ dân lại căm ghét người ngoài tới vậy, ngôn ngữ của họ vẫn là một bí ẩn với các nhà nghiên cứu.

Trải qua thời gian, đảo Bắc Sentinel chìm lại vào sự bí ẩn và lãng quên. Điều đó chấm dứt vào ngày 21/11 vừa rồi, khi chính phủ Ấn Độ thông báo cho thế giới biết một người Mỹ tiến tới hòn đảo bằng thuyền kayak và bị giết bởi những thổ dân trên đảo.

john-chau

 John Allen Chau sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ đốc giáo và là một người ưa thích khám phá. (Ảnh: Reuters)

John Allen Chau, một người đàn ông 26 tuổi đến từ bang Washington, trả 350 USD cho một nhóm ngư dân để được họ đưa đến đảo Bắc Sentinel khi trời tối. Các ngư dân cảnh báo John về sự nguy hiểm và khuyên anh ta đừng đi.

Mặc dù vậy, người đàn ông quyết định chèo thuyền kayak tới hòn đảo. Ông Dependra Pathak, người đứng đầu cảnh sát khu vực, cho biết khi đi John mang theo một cuốn kinh thánh.

Theo lời kể của các ngư dân, John cố gắng để nói chuyện với những người thổ dân bằng ngôn ngữ của họ, một số người tỏ ra thân thiện nhưng một số khác thì không. John cũng tuyên bố với các ngư dân chúa cho anh sức mạnh để đi đến những nơi bị ngăn cấm nhất trên trái đất.

Cha của nạn nhân, ông Patrick Chau cho biết niềm tin vào đạo Cơ đốc của ông cho ông sự an ủi sau khi nghe tin về cái chết của con trai mình.

Theo những ngư dân đã giúp đỡ John, họ sử dụng thuyền máy để di chuyển từ Port Blair đến đảo Bắc Sentinel trong vài giờ. John chờ tới tận sáng hôm, vào lúc mặt trời mọc, để chèo thuyền kayak vào bờ khi còn cách hòn đảo khoảng 800 mét.

Các ngư dân cho biết thổ dân trên đảo bắt đầu bắn tên về phía John ngay lúc đó khiến anh này phải quay trở lại. John cố gắng tiếp cận hòn đảo một vài lần nữa trong hai ngày tiếp theo, mang theo những món quà như một quả bóng đá, dây câu và kéo. Tuy nhiên, đến sáng 17/11, các ngư dân thấy xác John trên bờ biển cạnh những người thổ dân.

Nhóm 7 ngư dân giúp đỡ John Chau đến hòn đảo bị cảnh sát bắt với cáo buộc góp phần gây ra cái chết của anh này, bên cạnh việc vi phạm luật bảo vệ các bộ lạc bản xứ của chính phủ Ấn Độ. Gia đình John Chau kêu gọi cảnh sát thả những người này, cho rằng John đã “tự do đưa ra quyết định của mình”.

Ấn Độ quản lý rất nghiêm ngặt việc tiếp xúc với các bộ lạc thổ dân và luôn đặt họ trong tình trạng bảo vệ. Những nhóm người bản địa trên quần đảo Andaman và Nicobar được bảo vệ ở mức độ cẩn thận nhất.

"Hãy để họ yên"

Mặc dù quãng đường từ đất liền Ấn Độ ra đến quần đảo Andaman dài hơn 1.100 km, chính phủ nước này cho rằng bất cứ tiếp xúc nào với những người thổ dân trên đảo sẽ hủy hoại văn hóa thậm chí là sự tồn vong của những người này vì hàng thế kỷ qua lối sống của họ thay đổi rất ít. Thêm vào đó, hệ thống miễn dịch của họ sẽ không thể chống chọi lại vi khuẩn thời hiện đại.

Ông T.N Pandit, một nhà nhân chủng học Ấn Độ từng có thời gian nghiên cứu hòn đảo từ năm 1967 đến 1993 cho rằng chỉ đơn giản là những người này không muốn gì từ thế giới bên ngoài.

“Họ không muốn gì từ chúng ta. Nhưng chúng ta lại đến tìm họ. Vì vậy họ cho rằng chúng ta có ý đồ xấu, và họ sẽ tiếp tục chống cự”, ông Pandit nhận định.

Những nhà nhân chủng học cho rằng nhóm người trên đảo Bắc Sentinel có tổ tiên từ những người châu Phi xuất hiện ở quần đảo Andaman hàng nghìn năm trước. Nhóm người này là một trong số ít bộ lạc còn sót lại trên trái đất có rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

hon-dao-giet-nguoi-la-0

 Toàn cảnh đảo Bắc Sentinel từ trên máy bay. (Ảnh: AP)

Sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ tay thực dân Anh, rất nhiều các nhà khoa học cố gắng để nghiên cứu nhóm người này, nhưng chưa một ai thành công. Ông Pandit kể lại việc những thổ dân từng quay mông lại khi nhìn thấy các nhà nhân chủng học.

Vào năm 2006, hai ngư dân Ấn Độ tình cờ trôi dạt lên hòn đảo bị giết. Khi một máy bay trực thăng quân sự của nước này bay qua hòn đảo, những thổ dân bắn tên vào nó. Chính phủ quyết định cấm tất cả mọi hoạt động trong bán kính 5 km xung quanh đảo Bắc Sentinel. Cảnh sát cho rằng John Chau cố gắng thực hiện chuyến đi vào buổi đêm để tránh bị phát hiện.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận những người trên đảo sử dụng ngôn ngữ gì và giao tiếp với nhau ra sao. Khi một nhóm thám hiểm mang đến đây những người thổ dân của một hòn đảo lân cận vì cho rằng họ sử dụng cùng một loại ngôn ngữ, không ai hiểu người còn lại nói gì.

Tiếp xúc gần nhất giữa các nhà nhân chủng học và thổ dân trên đảo diễn ra vào năm 1991, khi những nhà nghiên cứu đứng ngoài biển ở khu vực nước ngập tới hông, và tặng cho thổ dân những trái dừa, theo ghi chép thì những thổ dân cười rất tươi và nhận những món quà này. Một vài năm sau thì truyền thống này chấm dứt.

A.K Singh, một cựu thống đốc ở khu vực quần đảo Andaman và Nicobar, cho biết những cuộc gặp gỡ thân thiện rất hiếm khi xảy ra. Ông cho biết đang có hai luồng ý kiến về cách quản lý những hòn đảo này, vì cuối cùng thì đây vẫn được coi là lãnh thổ Ấn Độ.

Một bên cho rằng “bất cứ liên lạc nào đều không có lợi cho những người thổ dân này, vì vậy hãy để họ yên”, ở chiều còn lại có những ý nghĩ cho rằng “chúng ta không có quyền ngăn cản họ tiếp cận những thành tựu của phát triển, tại sao con cái của họ không được đến trường, họ cần được trải nghiệm một lối sống hiện đại hơn”.

Ông Singh cho biết: “Luôn có những xung đột giữa hai luồng tư tưởng này”.

hon-dao-giet-nguoi-la-7 3

 Một cư dân trên đảo giương cung về phía máy bay trực thăng trong một bức ảnh được chụp vào năm 2004. (Ảnh: Reuters) 

Các quan chức Ấn Độ cho biết họ đang cân nhắc về việc đến hòn đảo để mang xác John Chau trở về, trong khi cảnh sát tin rằng nạn nhân được chôn trên bờ biển.

Tuy nhiên, một số nhân viên cảnh sát đang hết sức lo ngại về kế hoạch này, họ cho rằng nếu họ bước chân hòn đảo để tìm thi thể John Chau, họ cũng có thể phải nhận kết cục tương tự.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn