Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines giải trình vụ tiêu cực trong đào tạo phi công

Kinh tếThứ Hai, 30/07/2018 16:00:00 +07:00

Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Vietnam Airlines (VNA) giải trình các vấn đề đang gây tranh cãi trong công tác đào tạo tuyển dụng phi công như: Chất lượng đầu vào, các buổi kiểm tra, huấn luyện, phỏng vấn phi công, thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công.

Nội dung công văn cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhận được ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội về một số nội dung liên quan đến hoạt động của Vietnam Airlines như: Chất lượng đầu vào của ứng viên phi công; tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công, thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công.

Hàng loạt chuyến bay bị hủy, chậm chuyến do bão số 3

Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Vietnam Airlines giải trình những lùm xùm trong công tác đào tạo tuyển dụng phi công đang gây xôn xao dư luận.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines khẩn trương rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu (lưu ý bám sát câu hỏi và trả lời thẳng thắn vào nội dung vấn đề, làm rõ việc có hay không có tình trạng như ý kiến của đại biểu nêu, giải pháp chấn chỉnh).

Nội dung giải trình, phục vụ trả lời đại biểu Quốc hội yêu cầu gửi về Bộ GTVT trước ngày 31/7/2018.

Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa có ý kiến gửi tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về những tiêu cực trong đào tạo phi công lái máy bay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong đó, ông Cương nhấn mạnh tới nhiều bất cập trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công,...

Ông Cương nhấn mạnh tới vấn đề ra giá 20.000 - 25.000 USD cho 1 lần phỏng vấn ngày càng trắng trợn (phỏng vấn học viên từ Mỹ về để chuyển loại máy bay A321; phỏng vấn để chuyển loại từ lái phụ A321 sang lái phụ loại máy bay khác như A350, hoặc B787, phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành Cơ trưởng....

Ngoài ra, đa số các trường dạy bay là các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp nên chất lượng giảng dạy cũng thấp theo. Có một số trường học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn yêu cầu thực hiện bồi hoàn 2 nội dung: Chi phí đào tạo và chi phí phá vỡ hợp đồng. Mức bồi hoàn tuỳ thuộc vào các trường hợp cụ thể. Như vậy, phi công phải chịu 120 ngày báo trước và chi phí phá vỡ hợp đồng là chưa hợp lý.

“Thiết nghĩ, nghề phi công là một nghề đặc biệt nên cần có quy định sao cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc đặt ra các quy định trái với Bộ luật Lao động cần được xem xét lại. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho ý kiến giải quyết”, ông Cương kiến nghị.

Video: Bộ trưởng Bộ GTVT dành một ngày để tiếp dân 

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn