Bộ GTVT yêu cầu 'thay máu' toàn bộ lãnh đạo đường sắt

Thời sựThứ Hai, 30/06/2014 12:18:00 +07:00

(VTC News) - Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam thay toàn bộ lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường sắt do vô trách nhiệm, để công việc tồn đọng.

(VTC News) - Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam thay toàn bộ lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường sắt do vô trách nhiệm, để công việc tồn đọng.

Theo nguồn tin từ Bộ GTVT, trong quá trình điều hành tại BQL các dự án đường sắt, lãnh đạo Ban này đã đùn đẩy nhau và không ai chịu quyết định xử lý các vấn đề công việc liên quan.

Thậm chí, khi báo cáo tình hình công việc bị tồn đọng, lãnh đạo Bộ GTVT đặt câu hỏi tại sao làm Giám đốc mà không đưa ra các quyết định để sớm giải quyết công việc. Người đứng đầu BQL Dự án đường sắt - ông Đoàn Tăng Ong - đáp: Ông không muốn làm giám đốc nhưng bị đưa lên thì phải làm thôi.

đường sắt việt nam

Với sự vô trách nhiệm với công việc và chức vụ của lãnh đạo BQL này, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam thay Giám đốc và toàn bộ lãnh đạo BQL các dự án đường sắt theo thẩm quyền, đồng thời bổ nhiệm những người có năng lực và trách nhiệm lên thay thế tại các vị trí chủ chốt của BQL.

Ông Đoàn Tăng Ong tạm thời điều hành BQL dự án đường sắt từ ngày 5/5, sau khi Cục Đường Sắt triển khai quyết định đình chỉ chức vụ đối với ông Trần Văn Lục – Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt do có liên quan đến nghi án hối lộ của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) trong thời gian từ khoảng năm 2000 đến khoảng năm 2009.

Như vậy, có thể nói, từ đầu năm đến nay, ngành đường sắt Việt Nam đã tiến hành hàng loạt biện pháp cải tiến. Còn nhớ, đầu năm, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nói: “Tôi sẽ từ chức nếu đường sắt không thực sự đổi mới trong năm 2014”.

Có thể thấy câu nói của vị này lãnh đạo này không phải là lời nói suông. Một trong những biện pháp đầu tiên cải tiến, bớt gây phiền hà cho người dân là chủ trương bắt đầu từ ngày 15/5 vừa qua, ngành đường sắt đã bãi bỏ quy định bán vé đón, tiễn tại các ga, nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu và người thân đi đón, tiễn.

Để nâng cao hiệu quả cạnh tranh, ngày 19/6, ngành này đã đưa ra hàng loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả việc bán vé, đáp ứng nhu cầu của hành khách. Trong đó, đáng kể nhất là quy định giảm giá vé tập thể và việc khấu trừ đối với vé trả lại, đổi vé tất cả các đoàn tàu khách Thống Nhất cũng như địa phương.

Một chuyện khiến ai cũng phải bức xúc chính là mùi hôi trên tàu. Để giải quyết bức xúc này, ngày 5/6, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ra mắt đoàn tàu thí điểm với mục tiêu “khử mùi tàu”, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh môi trường và chất lượng phục vụ hành khách.

Mới đây, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, hệ thống bán vé điện tử đang được xây dựng, dự kiến khoảng tháng 11, 12 năm nay ngành đường sắt sẽ triển khai bán vé điện tử.

Thay đổi chưa nhiều, nhưng mong rằng đây sẽ là tiền đề để ngành đường sắt dần dỡ bỏ thế độc quyền của bản thân; chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh giành khách với các loại hình vận tải khác.

» Tàu hỏa tông xe tải nát bét, dùng xà beng giải cứu tài xế
» Chính thức bác đề xuất xây dựng đường sắt khổ 1 mét
» Bộ trưởng Thăng: Rất cần phát triển đường sắt cao tốc

PV (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn