Bộ GTVT và Hà Nội không 'chống' nhau việc đổi giờ làm

Thời sựThứ Tư, 09/11/2011 07:06:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng cho rằng không có bất đồng trong phương án đổi giờ làm việc, giờ học tập giữa Bộ Giao thông vận tải và Hà Nội.

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho rằng, không có bất đồng trong phương án đổi giờ làm việc, giờ học tập giữa Bộ GTVT và Hà Nội, việc đưa ra các phương án khác nhau là bình thường.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, đề xuất đổi giờ làm, giờ học của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trình lên UBND Thành phố Hà Nội là dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ để đưa ra. Khi nhận được quan điểm của Hà Nội thì Bộ cũng đồng ý với phương án trình đó, quan điểm là làm sao đi tới sự thông thông thoáng, thuận lợi cho người dân.

“Giữa Hà Nội và Bộ hoàn toàn thống nhất, nếu nói phương án nào hiệu quả hơn thì chưa khách quan. Còn quan điểm của Bộ là việc giãn cách giờ giữa cơ quan Trung ương và các cơ quan Hà Nội phải trên 1 tiếng thì tốt và phát huy được hiệu quả.

Việc đưa ra các biện pháp khác nhau là để lấy ý kiến, để các bên có thể trao trao đổi, cho ý kiến đầy đủ, sau đấy Thủ tướng sẽ chọn phương án tối ưu nhất”, Thứ trưởng Hùng khẳng định.

Thứ trưởng Hùng cho rằng, đề xuất của Bộ và Hà Nội khác nhau là để Chính phủ có thêm phương án lựa chọn. 
Thứ trưởng Hùng cũng đồng thời cho rằng, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, trong khi chưa có xe buýt khối lượng lớn, tàu điện, hệ thống cầu vượt… thì biện pháp điều chỉnh giờ làm là cần thiết và có thể làm ngay, ít tốn tiền, chỉ là điều chỉnh chút thời gian làm sớm - muộn đã có thể giảm tải cho giao thông.

Đánh giá về sự cần thiết phải thực hiện thay đổi giờ làm việc, giờ học tập trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Hùng nói, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học đã được bàn nhiều lần, nhưng chưa thực hiện.

Ngoài ra, Hà Nội và TP. HCM đã đề cập tới một số biện pháp khác như hạn chế 1 người chỉ được đăng ký sở hữu 1 xe máy, đi xe theo ngày chẵn lẻ… Tuy nhiên, các biện pháp này đều xảy ra nhiều tranh cãi, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân cũng có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa làm được.

“Giờ mỗi năm các phương tiện gia tăng đến 10%, trong khi tình trạng cơ sở hạ tầng đã đến ngưỡng, nếu không tiếp tục hạn chế, không đầu tư cho vận tải công cộng với khối lượng lớn, thì trong vài năm tới nước ta sẽ mắc lại tình trạng của Thái Lan 3, 5 năm trước đã từng bị. Cái này các tổ chức tư vấn đã cảnh báo chúng ta 10 năm trước”, Thứ trưởng Hùng cảnh báo.

Để tìm giải pháp giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông đô thị, theo Thứ trưởng Hùng, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm ùn tắc, nhưng không được như mong muốn, như Nghị quyết 22, Nghị quyết 16, Nghị quyết 88…
 
Vì vậy, Bộ và Hà Nội đều thống nhất là điều chỉnh giờ làm công chức, và sinh viên, học sinh…

Trước đó, chỉ ít ngày sau khi Bộ GTVT trình phương án đổi giờ làm việc, giờ học tập của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội, Hà Nội đã trình một phương án đổi giờ làm, giờ học khác lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo phương án đổi giờ làm, giờ học của Hà Nội, nhóm cán bộ công chức, viên chức các cơ quan Trung ương làm việc từ 7h30 tới 16h30 hết giờ làm; cán bộ của Hà Nội làm việc từ 8h đến 17h.

Thời gian học tập của học sinh Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở học từ 8h, chiều tan học lúc 17h; nhà trường bố trí giáo viên nhận học sinh từ 7h và trả học sinh đến 18h.

Nhóm học sinh Trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề sẽ vào học sáng trước 7h; kết thúc sau 18h.

Các trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị thời gian mở cửa từ 9h; đóng cửa sau 19h.

Phương án này áp dụng trong phạm vi 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì.

Hà Nội dự kiến thời điểm thực hiện từ ngày 1/12/2011 hoặc từ ngày 1/1/2012.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn