Bộ GTVT muốn mua lại ACV: Vì sao cần phải sớm 'Nhà nước hóa'?

Kinh tếThứ Sáu, 06/09/2019 15:24:00 +07:00

Các chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT mua lại ACV là việc cần làm để “gỡ rối” cho những bất cập trong công tác bảo trì, sửa chữa hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý. Trong dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để ACV là doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia hàng không và kinh tế đã có những phân tích, chia sẻ.

ACV

 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, đây là việc cần làm và phải làm sớm để ACV trở thành doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Tống phân tích, trước khi ACV được cổ phần hóa, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Doanh nghiệp này cũng được Bộ GTVT chấp thuận cho đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Ngoài ra, ACV cũng chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định bằng nguồn vốn của ACV.

Từ sau khi được cổ phần hóa vào năm 2016 đến nay, ACV vẫn được tạm giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý để đảm bảo hoạt động hàng không được liên tục. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn do chưa được bố trí vốn.

Một bất cập đã được chỉ ra từ giới chuyên gia cho thấy, dù đang sở hữu khoảng 20.000 tỷ đồng nhưng ACV không được đầu tư nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất vì đã là doanh nghiệp cổ phần.

Đó là lý do vì sao nhiều năm nay, trong khi các đường băng, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài tuy xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được bảo trì, sửa chữa.

ACV2

 Bộ GTVT cần có khoảng 8.000 tỷ đồng để mua lại toàn bộ ACV.

Theo chuyên gia, để trở thành chủ đầu tư các dự án mở rộng các sân bay, nâng cấp đường băng mà không vướng gì về mặt pháp luật, ACV phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và kết cấu hạ tầng hàng không được ACV quản lý.

Cũng bàn về vấn đề này, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng chủ trương cổ phần hóa đối với ACV là “sai lầm” ngay từ khi mới bắt đầu. “ACV không phải là đối tượng doanh nghiệp được cổ phần hóa. Ngành Hàng không rất đặc thù, vì thế, đối với đơn vị này, Nhà nước phải làm chủ 100%”, ông Thành nói.

Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, hiện nay, Bộ GTVT cần có 8.000 tỷ đồng để mua lại 4,6% cổ phần ACV đã bị bán trước đó để biến ACV trở thành doanh nghiệp Nhà nước: “Điều này không dễ, nhất là trong bối cảnh phần lớn các cổ đông sở hữu 4,6% cổ phần này chủ yếu là nhóm mua gói nhỏ lẻ gom trên thị trường chứ không có cổ đông chiến lược”.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn