Bộ GTVT lý giải nguyên nhân đường sắt Cát Linh - Hà Đông biết lỗ vẫn làm

Kinh tếThứ Bảy, 28/09/2019 07:00:00 +07:00

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xác định phải bù lỗ ngay từ khi lập dự án đầu tư.

Trả lời về kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "biết lỗ vẫn làm", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thực tế công trình đã được xác định bù lỗ ngay từ khi thành lập dự án đầu tư. Lý giải thêm về điều này, ông Đông nhấn mạnh, đầu tư dự án đường sắt không thể thu hồi vốn. Chức năng của đường sắt đô thị là để phục vụ cho địa phương phát triển vận tải công cộng. Vì thế mục tiêu thu hồi vốn không phải là ưu tiên hàng đầu khi triển khai dự án.

Theo ông Đông, thu hồi vốn chỉ có những dự án có tính chất thương mại nhiều, dự án vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị không đặt ra mục tiêu thu hồi vốn. Đường sắt đô thị đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của quốc gia. Khi lập dự án đã tính toán tới hiệu quả phát triển kinh tế như thế nào và đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

cat-linh

 Dự án Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã được xác định phải bù lỗ.

Nhấn mạnh đến các dự án công và mục đích sử dụng hướng tới cộng đồng, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, không chỉ đường sắt đô thị mà dự án đường sắt nói chung cũng không thể thu hồi được vốn. Bởi đây không phải là dự án có tính thương mại cao. "Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới". 

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, hiện nay, đối với các dự án và phương tiện vận tải hành khách công cộng, Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ. Theo đó, nếu không bù lỗ, không trợ giá xe buýt thì không đơn vị nào có thể duy trì khai thác được với loại hình vận tải công cộng này.

Trả lời về việc chậm trễ đối với dự án, đại diện Bộ GTVT cho hay, khi thực hiện có một số vấn đề tác động như giải phóng mặt bằng, động thổ vào tháng 4/2010 và đến tháng 4/2015 mới có mặt bằng sạch, quy trình thủ tục có sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc nên thời gian thực hiện dự án bị kéo dài.

gtvt2 3

 Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại họp báo thường kỳ quý III Bộ Giao thông Vận tải.

Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại chính chưa được hoàn thiện. Trong đó, có việc chưa hoàn thiện công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu.

Các thiết bị lắp đặt Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.

Chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tín hiệu, hệ thống bán vé), để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.

Chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.

Theo đại diện Bộ GTVT, phía Tổng thầu từng đưa ra có dự kiến tiến độ hoàn thành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi. Bộ đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Sau khi chốt được mốc hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cũng như thông tin kịp thời đến cơ quan báo chí.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn