Bộ GD&ĐT không bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 06/01/2020 10:17:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên dạy giỏi,  giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.

Thông tư quy định rõ nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi phải dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi. Hội thi phải đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất.

Các giáo viên khi tham gia hội thi phải thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. Tiết dạy này được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng trẻ/học sinh của lớp đó.  

Đặc biệt, giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi trước thời gian diễn ra hội thi.  Giáo viên chỉ được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 2 ngày trước thời điểm thi.

Ngoài ra, giáo viên trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi đang làm việc (với giáo viên mầm mon là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ).

Bộ GD&ĐT không bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi  - 1

Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định mới về việc tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi ở các địa phương (Ảnh minh họa).

 

Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian ban giám khảo trao đổi. Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.

Kết quả hội thi là minh chứng để tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành. Giáo viên được công nhận dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy, hoạt động giáo dục và báo cáo biện pháp đã tham gia hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn.

Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi phải trách nhiệm chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng hiệu quả trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và trong công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp.

Như vậy, bằng việc ban hành thông tư này, Bộ GD&ĐT vẫn giữ kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng nhiều lần hứa giảm áp lực cho giáo viên, trong đó có việc thay đổi cách thức công nhận giáo viên dạy giỏi từ thi sang xét danh hiệu.

Cũng chính những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhiều địa phương nhiều lần phàn nàn là cuộc thi nặng về “bệnh thành tích” và “trình diễn” kéo dài suốt hàng chục năm qua. Thông tư được ban hành nêu cao tính tự nguyện của bản thân mỗi giáo viên và thành tích cũng không thuộc về nhà trường, chỉ nằm ở phạm vi mỗi cá nhân.

Với kỳ vọng sẽ giảm gánh áp lực thành tích cho giáo viên, nhưng liệu mục tiêu đó có thành công khi cuộc chạy đua thành tích, danh hiệu vẫn đang hiện hữu trong rất nhiều đơn vị hiện nay?.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn