Bộ GD&ĐT chi bao nhiêu tiền để thẩm định sách giáo khoa lớp 1?

Diễn đànThứ Năm, 15/10/2020 07:10:00 +07:00

Tổng vốn của Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT thực hiện là 80 triệu USD, vậy kinh phí để thẩm định sách giáo khoa lớp 1 là bao nhiêu?

Theo tài liệu mà phóng viên có được riêng việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1 vừa qua, Bộ GD&ĐT dự toán chi 16,7 tỷ đồng.Năm 2016, liên Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21 hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, quy định cụ thể mức chi từng nội dung liên quan thẩm định sách giáo khoa.

Đối với nội dung dạy học thực nghiệm chương trình sách giáo khoa, thù lao 100.000đồng/tiết/giáo viên tiểu học; 120.000đồng/tiết/giáo viên THCS; 135.000đồng/tiết/giáo viên THPT. Những trường có dạy học thực nghiệm còn được hỗ trợ: Thù lao cho người phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu, quản lý học sinh, tổ chức lấy ý kiến góp ý; các khoản chi phí hành chính phát sinh…(chi phí này bằng 5% tổng kinh phí thù lao cho giáo viên dạy thực nghiệm tại trường).

Tuy nhiên, với hạng mục này, do Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa nên không chi như trong thông tư quy định.

Nội dung thứ hai là chi thù lao cho thành viên các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Mức chi cho chủ tịch hội đồng tối đa là 200.000đồng/buổi; chi cho phó chủ tịch, ủy viên, thư ký tối đa là 150.000đồng/buổi.

Đối với đọc thẩm định sách giáo khoa, chi 35.000đồng/tiết/người; đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình tối đa là 30.000đồng/tiết/người. 

Từ quy định của thông tư, chiếu vào môn tiếng Việt lớp 1 với thời lượng dạy 420 tiết, có thể thấy đối với lớp 1, năm 2019, lần thẩm định đầu tiên, Bộ GD&ĐT nhận được 6 bản thảo mẫu với 15 thành viên hội đồng thẩm định, tổng thù lao chi là 1,323 tỷ đồng. Còn nếu tính 1 bộ sách giáo khoa đầy đủ với 1 lượt người thẩm định thì số tiền cần chi là 35,525 triệu đồng.

Năm 2019 có 5 bộ sách giáo khoa trọn vẹn được Bộ GD&ĐT phê duyệt và 1 bộ sách giáo khoa của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại là 6 bộ sách giáo khoa được thẩm định, nên nếu chỉ tính 1 lượt người thẩm định thì kinh phí trả thù lao sẽ là 213,15 triệu đồng.

Nhưng do có 9 hội đồng thẩm định, mỗi hội đồng lại có số lượng thành viên khác nhau nên số tiền chi ra là hơn 9,8 tỷ đồng, chiếm hơn 58% kinh phí so với dự toán ban đầu.

Bộ GD&ĐT chi bao nhiêu tiền để thẩm định sách giáo khoa lớp 1? - 1

Sau thẩm định, sách giáo khoa lớp 1 vẫn còn “sạn”. (Ảnh: Tienphong)

Khó giám sát thực nghiệm SGK

Trong Thông tư 21, Dự án có kinh phí cho việc thực nghiệm sách giáo khoa trong thực tế. “Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt vừa qua không chỉ đặt ra vấn đề thẩm định mà còn đặt ra vấn đề thực nghiệm sách giáo khoa như thế nào.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào quy định mỗi môn học các nhà xuất bản phải thực nghiệm thực tế trong thời gian bao lâu mà chỉ quy định có nội dung thực nghiệm trong hồ sơ gửi hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia.

Điều đó có nghĩa việc thực nghiệm như thế nào, thực nghiệm trong bao lâu là do các nhà xuất bản tự quyết định. Do giao toàn quyền cho các nhà xuất bản nên bài toán kinh phí sẽ được các nhà xuất bản ưu tiên hơn là hiệu quả thực nghiệm.

Đại diện 1 đơn vị biên soạn, xuất bản trong 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói rằng, trước khi được đưa đi thẩm định, sách đã được thực nghiệm tại 10 tỉnh, thành phố trong một năm rưỡi.

Việc thực nghiệm gồm cả nội dung và phương pháp. Tất cả các môn, nhóm chủ biên đều phải xây dựng đề cương năng lực, đề cương chi tiết từng bài dạy sau đó viết thành 1 bài dạy để nhóm thảo luận rồi đưa vào dạy thử. Sau khi giáo viên góp ý sẽ rút kinh nghiệm viết lại rồi dạy thử nghiệm tiếp.

Trước đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt bộ Cánh Diều, nói rằng, sách của ông được thực nghiệm tại một trường tiểu học ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra đối với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 hiện nay, nhiều chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của việc để cho các nhà xuất bản tự tổ chức thực nghiệm sách trong thực tế.

Trong khi đó, chương trình giáo dục hiện hành, trước khi thay sách đại trà, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực nghiệm trong 2 năm, tiếp thu ý kiến, góp ý, chỉnh sửa.

GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, cho rằng, quá trình thực nghiệm sách giáo khoa  lớp 1 vừa qua quá vội vàng. Quá trình này nếu được Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ khách quan và tốt hơn.

“Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. Khi thẩm định, chúng tôi hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu”, GS Chừ nói. 

Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT chính thức triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục 2018) đối với lớp 1 có nhiều sách giáo khoa. Năm 2019, Bộ nhận được 49 bản mẫu của 9 môn học đối với lớp 1 để thẩm định.

Trong số này, có 45 bản đạt yêu cầu, tương đương 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đến từ 3 nhà xuất bản, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (4 bộ), Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM (phối hợp biên soạn 1 bộ). 

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn