Bộ GD&ĐT: Chậm trễ là do quy trình không thể nhanh hơn!

Giáo dụcThứ Sáu, 10/06/2011 06:42:00 +07:00

(VTC News)- Tấm bằng mới của sinh viên ĐH Y sẽ được ghi “Bằng bác sĩ", hoặc "Bằng dược sĩ" đối với sinh viên học Dược chứ không chỉ là Bằng tốt nghiệp ĐH.

(VTC News) - Tấm bằng mới của sinh viên ĐH Y sẽ được ghi “Bằng bác sĩ", hoặc "Bằng dược sĩ" đối với sinh viên học Dược chứ không chỉ đơn thuần là Bằng tốt nghiệp ĐH như các năm trước.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi được hỏi về trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra tình trạng chậm trễ này, bà Bùi Thị Huyền Ngân, Phó trưởng phòng Công tác HSSV  cho biết, các cán bộ của ĐH Y Hà Nội thường xuyên liên lạc với bộ phận cấp phát phôi bằng của Bộ GD&ĐT để hỏi về tình hình nhưng sau 1 năm, họ vẫn nhận được câu trả lời là chưa có.

Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này, theo các cán bộ của phòng công tác HSSV (ĐH Y) là do sự thay đổi mẫu phôi bằng của Bộ GD&ĐT, nhưng cụ thể tại sao việc thay mẫu phôi bằng lại diễn ra chậm chạp như vậy thì nhà trường cũng không có câu trả lời.
Mẫu phôi bằng của Bộ GD&ĐT chỉ có dòng chữ “The degree of bachelor” tương đương  bậc cử nhân. Hệ bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư phải đào tạo từ 5-7 năm nên không thể sử dụng cùng một mẫu bằng với hệ cử nhân chỉ được đào tạo trong 4 năm.

Bà Ngân cũng cho biết, việc bất hợp lý trong phôi bằng dự kiến cấp cho hệ bác sĩ đã dẫn tới việc phải thay mới hệ thống phôi bằng. Trước đó, trong mẫu phôi bằng của Bộ GD&ĐT chỉ có dòng chữ “The degree of bachelor” tương đương và chỉ phù hợp với bậc cử nhân. Hệ bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư… phải đào tạo từ 5-7 năm nên không thể sử dụng cùng một mẫu bằng với hệ cử nhân chỉ được đào tạo trong 4 năm.

Chiều ngày 7/6, trao đổi với VTC News về vấn đề này PGS.TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Khi đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật, Bộ còn phải cân nhắc, lấy ý kiến của các cơ sở trực tiếp liên quan, thực hiện đúng các quy trình, đưa lên các cấp để phê duyệt rồi mới đưa ra văn bản quy định việc thay đổi khuôn bằng. Quy trình này đã được luật pháp nhà nước quy định không thể nhanh hơn được mà phải theo đúng trình tự và quy trình”.
PGS.TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD&ĐT)
( Ảnh: Nguyễn Anh)

Trước câu hỏi của PV VTC News về sự chậm trễ của việc sau hơn 1 năm vẫn chưa thể thay được mẫu phôi bằng mới, ông Thanh lý giải: “Để ra được một văn bản quy phạm pháp luật phải thông qua một quy trình nhất định được quy định trong luật và nghị định 24 của chính phủ. Trong đó còn cần phải thành lập 2 hội đồng thẩm định bao gồm cả chuyên gia trong và ngoài nước tham gia. Việc chậm trễ cũng do nhiều lý do”.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, hiện nay các trường đã nhận được mẫu văn bằng mới phải nhanh chóng cấp phát cho sinh viên để đảm bảo quyền lợi của người học. Đây là trách nhiệm thuộc về các trường vì khuôn bằng mới mà Bộ quy định đã được đưa xuống các trường và các trường có trách nhiệm in và phát cho sinh viên. Nếu chậm trễ đó là do các trường chứ không thuộc trách nhiệm của Bộ. Thậm chí Bộ cũng đã yêu cầu các trường cấp phát bằng nhanh cho sinh viên.

Tận mắt xem mẫu bằng bác sĩ

Ngày 3/6/2011 vừa qua, khi nhận được thông tin từ Bộ GD&ĐT đã có mẫu phôi bằng mới cho hệ bác sĩ, cô Đặng Thị Thơ (cán bộ phòng Công tác HSSV) đã trực tiếp sang Bộ GD&ĐT để lấy các mẫu phôi bằng mới.

Cô Thơ cũng vui mừng chia sẻ: “May mắn là cũng đã có mẫu phôi bằng mới để có thể cấp phát bằng cho các em. Ngay khi có thông tin từ Bộ, tôi đã trực tiếp sang lấy mẫu phôi bằng mới về cho các em. Trường ĐH Y Hà Nội cũng là trường đầu tiên của cả nước trong khối Y, Dược nhận được mẫu phôi bằng mới”.

Mẫu bằng mới dành cho sinh viên trường Y sau khi tốt nghiệp ( Ảnh: Phạm Thịnh)

Bà Bùi Thị Huyền Ngân, Phó trưởng phòng Công tác HSSV trường ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện nay ban giám hiệu nhà trường đã phê duyệt các nội dung trong mẫu bằng mới, dự kiến công việc in các thông tin về kết quả học tập của sinh viên sẽ mất 2, 3 ngày. Sau khi in xong các bằng này sẽ được chuyển sang để hiệu trưởng nhà trường ký và đóng dấu. Phòng Công tác HSSV sẽ phô tô công chứng trước khi chuyển bản gốc cho các sinh viên.Tổng số sinh viên ĐH Y Hà Nội tốt nghiệp năm 2010 sẽ được nhận bằng trong dịp này là 403 sinh viên.

Bà Ngân cũng cho biết thêm, mọi công việc dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này và dự kiến sang đầu tuần sau, các cựu sinh viên có thể đến trường để nhận bằng tốt nghiệp của mình.

Phòng Công tác HSSV sẽ đăng các thông tin về thời gian nhận bằng trên trang web của trường và thông qua các lớp trưởng sẽ liên lạc tới từng cựu sinh viên để các em biết để có thể đến lấy bằng.

Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tư ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2011.

Theo đó, bằng tốt nghiệp ĐH đối với ngành kỹ thuật ghi “BẰNG KỸ SƯ”; đối với ngành kiến trúc ghi “BẰNG KIẾN TRÚC SƯ”; đối với ngành Y ghi “BẰNG BÁC SĨ” hoặc “BẰNG CỬ NHÂN”; đối với ngành dược ghi “BẰNG DƯỢC SĨ” hoặc “BẰNG CỬ NHÂN”; đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế ghi “BẰNG CỬ NHÂN”; các ngành còn lại ghi “BẰNG TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC”.

Bằng tốt nghiệp ĐH gồm 4 trang, mỗi trang có kích thước 21cm x 14,5cm.

Trang 1 và trang 4 có nền màu đỏ; trang 1 có hình Quốc huy, các chữ in trên trang 1 có màu vàng; trang 2 và trang 3 có nền màu vàng, hoa văn viền màu vàng đậm, tên bằng có màu đỏ, các chữ khác có màu đen; hình trống đồng in chìm chính giữa trang 2, hình Quốc huy in chìm chính giữa trang 3.

Các phôi bằng tốt nghiệp ĐH đã in, cấp phát theo mẫu quy định tại Thông tư số 22/2009/TT-BGDĐT trước ngày Thông tư này có hiệu lực, có giá trị sử dụng đến hết năm học 2011-2012. 

Phạm Thịnh

Bạn có đồng ý với lời giải thích này của Bộ GD&ĐT? Việc chậm trễ này là do quy trình cấp các văn bản quy phạm pháp luật hay do cách làm quan liêu của những người có trách nhiệm?

Bình luận
vtcnews.vn