Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT 2014

Giáo dụcThứ Năm, 02/01/2014 06:38:00 +07:00

(VTC News)- Bên cạnh việc đưa ra các phương án thi tốt nghiệp mới, Bộ GD-ĐT cũng công bố cách thức xét và xếp loại tốt nghiệp dự kiến thực hiện năm 2014.

(VTC News)- Bên cạnh việc đưa ra các phương án thi tốt nghiệp mới, Bộ GD-ĐT cũng công bố cách thức xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp dự kiến thực hiện năm 2014.

Chiều nay 2/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để công bố một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt. Những thay đổi này sẽ được sử dụng trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong đó, Bộ GD-ĐT nêu ra 2 phương án thi tốt nghiệp mới để xin ý kiến dư luận.

thi tốt nghiệp 2014
Có 2 phương án thi tốt nghiệp được đưa ra để lấy ý kiến dư luận 
Phương án 1:

Thi 4 môn bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán học và Ngữ văn); 2 môn thi tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến bài thi môn Ngoại ngữ được 9,0 điểm trở lên sẽ được cộng 2 điểm, đạt 7,0 điểm trở lên sẽ được cộng 1,5 điểm, đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1 điểm.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020.

Trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới cách thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết).

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này, dư luận có thể sẽ cho rằng Bộ GD-ĐT đang giảm nhẹ yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Phương án 2:

Thí sinh sẽ phải dự thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Bên cạnh đó, 2 môn do thí sinh lựa chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh GDTX và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án này có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu.

Do đó, phương án này không có tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.

thứ trưởng nguyễn vinh hiển
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo chí chiều 2/1 (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Tại dự thảo, hình thức thi cũng quy định rõ ràng. Trong đó, các môn Toán, Ngữ Văn, Địa lý, Lịch sử thi tự luận.

Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm. Môn Ngoại ngữ sẽ có hai phần thi trắc nghiệm và tự luận.


Thời gian làm bài đối với môn Toán và Ngữ văn là 150 phút, đối với môn Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ là 90 phút, đối với môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là 60 phút.

Xét tốt nghiệp thế nào?

Đặc biệt, việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ được thực hiện theo Quy chế thi.

Trong đó, điểm xét và công nhận tốt nghiệp được xác định cụ thể như sau.


Điểm xét tốt nghiệp = (Điểm trung bình các bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 + (Tổng điểm khuyến khích )/ Số bài thi.

Điểm xếp loại tốt nghiệp = (Điểm trung bình các bài thi+Điểm trung bình cả năm lớp 12)/2

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết mong muốn nhận được ý kiến đóng góp cho các nội dung của phương án đã nêu.

Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện quy chế thi tốt nghiệp trước thời gian thi 3 tháng. Dự kiến những thay đổi trong thi tốt nghiệp sẽ được thực hiện từ năm 2014.





Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn