Bộ GD-ĐT chỉ rõ hạn chế xét tuyển đại học, cao đẳng 2015

Giáo dụcThứ Ba, 20/10/2015 06:38:00 +07:00

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hạn chế trong việc xét tuyển đại học, cao đẳng 2015.

(VTC News) – Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hạn chế trong việc xét tuyển đại học, cao đẳng 2015.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 04/7/2015 tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi do sở giáo dục và đào tạo chủ trì) .
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 

Kỳ thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương; các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy và chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt; các tổ chức đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo, các đơn vị công an, quân đội, doanh nghiệp và đông đảo người dân đã tham gia hỗ trợ cho thí sinh dự thi với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả.

Công tác ra đề thi được đổi mới; công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp được thực hiện đúng quy chế, diễn ra an toàn, nghiêm túc; đặc biệt, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương, các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học và cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện.

Trong hai phiên họp vào tháng 8 và tháng 9 năm 2015 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Chính phủ đã thống nhất với nội dung tổng kết, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

“Tác động tích cực của kỳ thi được thể hiện ở một số phương diện như: giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội ; góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề ; hạn chế dạy thêm, học thêm, tạo điều kiện cho việc tổ chức thi nghiêm túc ”, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Kỳ thi cũng tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ; tạo cơ hội bình đẳng cho các vùng miền, đặc biệt là các vùng khó khăn, nâng cao tính cạnh tranh giữa các trường đại học, cao đẳng để góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạn chế tiêu cực phát sinh…

“Tuy nhiên, còn tồn tại trong công tác tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng đó là: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt dẫn đến một số thí sinh, gia đình, nhà trường nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn còn chưa hiểu hết các quy định mới về tuyển sinh, nên việc đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển còn có sai sót; thời gian xét tuyển đợt 1 quy định 20 ngày là quá dài, về thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển  đợt 1 chưa hợp lý; vấn đề kỹ thuật còn bất cập ..”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Trước những hạn chế, bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động có phương án xử lý kịp thời các tình huống xảy ra .

Tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng cho những năm tới trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn