Bố em bé được cứu sống khi mẹ đột tử đã đến nhận con

Sức khỏeThứ Ba, 07/12/2010 06:42:00 +07:00

(VTC News)- Chiều 4/12, bác sỹ Đinh Quang Tuấn - Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Trung ương Huế cho biết anh Hà Văn Duy đã đến nhận con gái của mình tại bệnh viện.

(VTC News)- Chiều 4/12, bác sỹ chuyên khoa II Đinh Quang Tuấn - Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Trung ương Huế cho biết anh Hà Văn Duy (chồng sản phụ Nguyễn Thị Khiếu – người mẹ đã chết khi đang được chuyển vào phòng mổ khoa sản nhưng chỉ cứu được đứa con) đã đến làm thủ tục nhận con.

Trước đó, VTC News đã đưa tin về việc cháu bé sơ sinh được cứu sống kỳ diệu sau khi mẹ bị đột tử do tiền sử bệnh tim. Sau khi sản phụ Phạm Thị Khiếu bị tử vong các bác sỹ đã quyết định mổ lấy thai ra ngay tại hành lang bệnh viện để cứu sống thai nhi.

Cháu bé được cứu sống với cân nặng 1,6 kg. Sau đó người thân đã đưa chị Khiếu về quê an táng. Nhưng đến hôm 1/12 phía Phòng sơ sinh, Khoa nhi cho biết người nhà chị Khiếu vẫn chưa liên lạc với bệnh viện để nhận lại người thân.

Bé Cẩm Tú đã được ba đến đón nhận và chăm sóc

Đến sáng nay (4/12) liên hệ với Khoa nhi chúng tôi được biết, chồng chị Khiếu đã đến bệnh viên Trung ương Huế làm thủ tục nhận con. Anh Hà Văn Duy (33 tuổi) cho biết con gái mới sinh của mình tên là Cẩm Tú. Giải thích về sự cố "quên" con anh Duy cho biết do vợ chết, mẹ già yếu nên mọi sự đều nhờ ân đức của bác sỹ chăm sóc...

Hiện tại, cháu Cẩm Tú đang được tiếp tục chăm sóc trong điều kiện đặc biệt. Các bác sỹ, y tá vẫn cho uống sữa qua ống thông dạ dày. Khi nào cháu bé đủ điều kiện sức khỏe thì gia đình sẽ anh Duy đón con về chăm sóc.

Y tá đang chăm sóc cho bé Cẩm Tú được cứu sống hy hữu do mẹ đột tử

Được biết, bác sỹ Bạch Ngõ, khoa Sản, bệnh viện Trung ương Huế đã trực tiếp tham gia ca mổ hy hữu cứu thai nhi khi mẹ bị tử vong.

Cũng tại bệnh viện Trung ương Huế mấy chục năm trước, một bệnh nhân bị nhiễm độc thai nghén và tử vong, em bé cũng được cứu nhưng do lấy ra chậm nên lớn lên đã bị các biểu hiện của chứng thần kinh.

Thông thường những trường hợp sản phụ tử vong khoảng 10-15 phút thì khả năng cứu bé vẫn còn cơ hội. Nếu kéo dài thêm quá thời gian trên dù có đưa bé ra bên ngoài, bé cũng bại não do máu từ người mẹ đã mất không giúp tuần hoàn não cho bé.

Trần Viết Long

Bình luận