Bố đơn thân ôm con nhỏ mưu sinh: Người ta có nhà để về, bố con tôi có ai đâu

Đời sốngThứ Năm, 11/02/2021 19:00:00 +07:00
(VTC News) -

Càng gần Tết, anh Hùng - ông bố đơn thân dắt con gái 4 tuổi bán bọc chân chống xe máy tại ngã tư đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) - càng buồn tủi vì không có nhà để về.

Những ngày cuối năm, nhìn khắp các con phố được bày bán đào, quất, dòng người hối hả dưới cơn mưa phùn bay bay, anh Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, quê ở Bắc Giang) lại nén tiếng thở dài. Anh Hùng là ông bố đơn thân, địu con gái mưu sinh từ khi bé Huyền Trang mới được 3 tháng tuổi.

Đầu năm 2021, câu chuyện của anh Hùng - ông bố đơn thân ôm con thơ đi bán bọc chân chống xe máy được chia sẻ trên mạng xã hội, sau đó anh được nhiều người biết đến và giúp đỡ. Một số người ủng hộ quần áo, gạo bánh, có nhà hảo tâm tặng anh một chiếc xe máy cũ, một đơn vị lại hỗ trợ anh mổ mắt, thậm chí có người còn ngỏ ý đưa con gái anh đi học…

Bố đơn thân ôm con nhỏ mưu sinh: Người ta có nhà để về, bố con tôi có ai đâu - 1

Căn phòng chật hẹp được bố con anh Hùng thuê với giá 500.000 đồng/tháng

Nhắc đến việc đi học của con gái Huyền Trang (4 tuổi), giọng anh Hùng day dứt: “Có một trường mầm non trên địa bàn quận Ba Đình đồng ý cho con gái tôi đi học miễn phí, nhưng quãng đường di chuyển hơn 20km mà tôi lại vừa mổ mắt, không thể đưa con đi xa.

Có hai anh chị không phải giáo viên trong trường cũng ngỏ ý đến đưa cháu đi học mỗi ngày, nhưng tôi xin phép từ chối tại mình cũng không quen biết gì họ nên trong lòng cũng hơi lăn tăn. Đợi đến khi mắt tôi khỏi hẳn, tôi làm được giấy tờ cho cháu ở quê, có khi cố gắng xin cho con học ở trường công gần nhà”, anh Hùng nói.

Anh Hùng vừa dứt lời, bé Huyền Trang đột nhiên ngước lên gọi bố: “Bố ơi, mấy hôm nữa con đi học bố nhé. Đi học vui lắm”. Nói xong, cô bé lại quay vào bàn ngồi tô màu vào quyển vở tập tô được tặng.

Thấy con nói, người bố gượng cười đồng ý. Anh nói, đợi hai bên mắt vừa được mổ đục thuỷ tinh thể lành lại, anh sẽ đi xét nghiệm chứng minh huyết thống, sau đó trở về Bắc Giang làm giấy tờ đầy đủ, có như vậy con gái anh mới được đi học.

Bố đơn thân ôm con nhỏ mưu sinh: Người ta có nhà để về, bố con tôi có ai đâu - 2

Anh Hùng rất vui vì vừa qua, nhờ được các mạnh thường quân giúp đỡ nên anh có tiền mổ mắt.

Căn phòng rộng chừng 10m2 tại đường Xuân Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được bố con anh thuê được hơn 4 năm với mức giá 500.000 đồng/tháng. Bên trong, đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc giường tuềnh toàng, bên dưới chất bọc to, bọc nhỏ quần áo được cho; bếp ga mini cùng rổ bát nhỏ được đặt trên chiếc bàn xập xệ.

Ông bố đơn thân thở dài: “Tết nhất của bố con tôi chỉ có vậy thôi, bánh chưng thì được cho, tiền lo ăn từng bữa còn chẳng có, nói gì đến chuyện sắm cho con bộ quần áo mới, hay cây đào, cây quất về bày biện. Ở nhà thuê thì chỉ có vậy thôi, mà không ở đây thì ở đâu, làm gì có nhà mà về”.

Theo lời anh Hùng, từ ngày vợ mất vì bệnh, nhà ngoại ở Hải Phòng cũng còn nhiều khó khăn, anh cắn răng bế con gái được hơn 3 tháng lên Hà Nội kiếm sống. Chưa quen với việc chăm con, anh bắt đầu học cách dỗ con, thay bỉm, cho con uống sữa… Ngày ấy anh Hùng phải làm đủ nghề, từ rửa bát, đánh giày cho đến bơm vá xe chỉ để có tiền mua sữa, mua bỉm cho con.

Bố đơn thân ôm con nhỏ mưu sinh: Người ta có nhà để về, bố con tôi có ai đâu - 3

 Bé Huyền Trang 4 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học.

Thấm thoắt cũng được hơn 4 năm, thấy anh lủi thủi vất vả chăm con, có người cũng khuyên “hay cho con để người khác nuôi”, nhưng anh Hùng nhất quyết từ chối: “Con mình đẻ ra, mình không chăm con thì ai chăm, vất vả nữa cũng được”.

Từ đó, bố con cứ rau cháo nuôi nhau. Đợt tháng 3 năm ngoái, dịch bệnh COVID-19 khiến anh không có thu nhập, số tiền cố gắng tích góp anh lại dè sẻn lấy ra tiêu.

“Nhưng có đợt chẳng kiếm ra được một nghìn nào, cũng chẳng ai thuê. Đến hạn đóng tiền nhà, bố con tôi phải ra trung tâm thương mại ngủ tạm, đến hôm sau cố gắng xoay sở được tiền mới dám trở về phòng trọ. Cũng may ngày ấy còn có gạo, trứng, mắm được ủng hộ nên cũng không lo”, anh Hùng nhớ lại.

Dịch vừa hết thì bố con anh Hùng lại gặp tai nạn. Kẻ tông vào hai bố con nhanh chóng chạy mất, số tiền 8 triệu đồng anh tích góp định mua chiếc xe máy buộc phải đem đóng viện phí rồi mua thuốc thang cho con. Không biết chữ, chuyện ký giấy tờ nhập viện cho con cũng khó khăn đủ đường. Nhưng cũng may có các mạnh thường quân giúp đỡ, cuộc sống của hai bố con cũng được cải thiện đôi phần.

“Nhờ mọi người giúp, ra Tết khi mắt khỏi tôi có thể chạy xe ôm hoặc tìm công việc phù hợp. Lo xong thủ tục ở trên quê thì có thể cho con đi học. Mình đã không biết chữ rồi, giờ không thể để con cũng vậy”, anh Hùng nghẹn lời.

Bố đơn thân ôm con nhỏ mưu sinh: Người ta có nhà để về, bố con tôi có ai đâu - 4

 Bố con anh Hùng đã đón 4 cái Tết trong căn phòng trọ tuềnh toàng ở Hà Nội.

Khi được hỏi về dự định cho những ngày Tết sắp tới, ông bố đơn thân chỉ biết thở dài: “Người ta còn có nhà để về chứ bố con tôi còn có ai đâu. Mẹ tôi mất rồi, nhà ở quê cũng không có, đằng ngoại cũng khó khăn nên thôi, cứ quanh quẩn ở Hà Nội. Ấy thế mà tôi và con gái đã đón 4 cái Tết ở đây rồi. Nhưng bảo quen thì khó".

Cứ đến Tết, hai bố con anh Hùng lại đạp xe lên phố rồi đi khắp nơi để đánh giày, nhưng cũng chẳng được mấy vì vắng khách. Đến mùng 4, 5 Tết, anh Hùng lại mang bọc chân chống cao su cho xe máy ra bán để quên đi nỗi buồn, đến khi trời sẩm tối thì về. Mấy ngày Tết của hai bố con cũng chẳng khác mấy ngày thường, thậm chí còn buồn tủi hơn.

Nhìn cô con gái hồn nhiên, chỉ có mỗi bố làm bạn, anh Hùng lại chực trào nước mắt: “Nhìn con nhà người ta được đi học, được chăm bẵm trong điều kiện tốt hơn mà tôi thấy tội con quá. Nhiều khi cũng muốn con được như người ta mà chẳng được. Ngày bỏ ra được vài chục là vui lắm rồi”.

So với Tết vài năm trước, năm nay hai bố con anh Hùng có thêm nhiều niềm vui mới. Dù năm nay anh không sắm sửa được thêm đồ dùng mới, hay kiếm thêm được nhiều tiền, nhưng anh tin với đôi mắt vừa được phẫu thuật anh sẽ kiếm được công việc tốt hơn, con gái anh cũng có cơ hội được đi học như bao bạn bè cùng trang lứa.

Nhìn con gái đang chăm chú tô màu, anh Hùng tếu táo: “Năm nay có khi ăn Tết to cũng nên”. Nhưng nói là vậy, còn tương lại phía trước ra sao anh cũng không dám nói trước.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp