Bộ Công Thương: Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch

Kinh tếThứ Bảy, 10/09/2016 12:44:00 +07:00

Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cho biết việc sản xuất thép tại Cà Ná vốn được phê duyệt từ trước và ngay cả khi Ninh Thuận không đề xuất Hoa Sen làm, dự án vẫn sẽ được đưa trở lại quy hoạch.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận sau khi được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai. Sau sự cố hồi tháng 5 tại một dự án quy mô tương tự là Formosa Hà Tĩnh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với Cà Ná xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án. 

PV đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này. 

bo-cong-thuong-hoa-sen-khong-lam-thep-ca-na-van-vao-quy-hoach

 Ông Trương Thanh Hoài khẳng định quy hoạch ngành là "mềm" nhưng không có chuyện chạy theo doanh nghiệp. Ảnh: H.T

- Theo các tài liệu được lưu lại, quyết định bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận vào quy hoạch ngành được Bộ Công Thương ký ban hành chỉ 2 ngày trước khi dự án này được công bố rộng rãi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận (ngày 27/8). Ông nói sao về điều này?

Thực tế dự án thép Hoa Sen Cà Ná được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin – Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm. Nghĩa là trước đây, dự án này đã có trong quy hoạch của ngành thép. Năm 2008, doanh nghiệp đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó không thể triển khai do Vinashin đổ vỡ, đối tác Lion cũng gặp khó khăn về tài chính… Vì thế, Bộ Công Thương khi đó quyết định tạm rút ra khỏi quy hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát tình hình thực hiện quy hoạch từ cuối năm 2014 đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu những địa điểm khả thi có thể đặt được nhà máy thép, trong đó đã tính tới việc đưa trở lại dự án thép ở Cà Ná. Quy hoạch bao giờ cũng được lập dựa trên tiềm năng của khu vực, cụ thể là khu vực Cà Ná và năng lực sơ bộ của chủ đầu tư.

Tôi khẳng định việc bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận không “đốt cháy giai đoạn”, không vội vàng. Chúng tôi cũng không vượt cấp hay không tuân thủ quy trình bổ sung quy hoạch. 

Theo quy định thì việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh. Chỉ khi phê duyệt quy hoạch tổng thể mới cần lấy ý kiến các bộ, ngành.

- Cụ thể việc xem xét bổ sung dự án này vào quy hoạch ngành đã được thực hiện như thế nào?

Sau khi rà soát từ cuối 2014, tới tháng 1/2016, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch cho toàn bộ ngành thép Việt Nam. Đến tháng 7 thì tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Bộ đề xuất và vị trí Cà Ná cũng phù hợp với nghiên cứu trước đó của chúng tôi, vì thế Bộ đã bổ sung vào quy hoạch.

Sau bước này, chủ đầu tư sẽ lập báo cáo tiền khả thi trình Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng quyết định chủ trương. Sau đó, chủ đầu tư mới lập báo cáo nghiên cứu khả thi, rồi thiết kế cơ sở…. Do đây là dự án thép quy mô lớn, dự kiến 16 triệu tấn một năm, nên sẽ xem xét phê duyệt theo từng giai đoạn, chứ không phải làm một lúc. Giai đoạn I triển khai thành công thì mới cấp phép giai đoạn II...

Để dự án triển khai, xây dựng thì còn phải trải qua rất nhiều bước nữa. Nhưng ngay cả khi tỉnh Ninh Thuận không đề xuất nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen làm thì Bộ cũng đưa dự án thép tại Cà Ná trở lại quy hoạch ngành và tìm nhà đầu tư sau, vì đây là thời điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép.

- Số liệu từ các nhà máy cho thấy sản xuất thép trong nước đang dư thừa công suất. Việc cấp phép thêm cho một dự án lớn trong bối cảnh như vậy có thể được hiểu như thế nào?

Việt Nam đang sở hữu nguồn nguyên liệu quặng sắt lớn. Chỉ riêng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) sau đánh giá cho thấy mỗi năm có thể khai thác 10 triệu tấn quặng. Còn trữ lượng mỏ quặng sắt tại Tây Nguyên chưa được đánh giá, song ước tính khoảng 2,2 tỷ tấn.

Nguồn quặng cho sản xuất trong nước có nhưng doanh nghiệp vẫn nhập khẩu lượng thép lớn, nhập siêu thép mỗi năm khoảng 6-7 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập 14 triệu tấn thép và dự kiến cả năm là 22 triệu tấn thép thô quy đổi. Nếu thừa thép thì làm sao lại nhập nhiều như thế?  

Việc nhập khẩu như vậy đã tác động rất lớn đến cán cân thương mại, giảm sức cạnh tranh của ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Dự báo 4 năm nữa, nhu cầu thép cả nước sẽ ở mức 27 triệu tấn thì ngay cả khi giai đoạn I của Formosa đi vào hoạt động cả nước vẫn thiếu 15 triệu tấn thép và sẽ tăng lên hơn 22 triệu tấn vào 2025.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án thép dù đã được cấp phép nhưng đến nay triển khai chậm hoặc không thể đi vào hoạt động… Do đó, nếu không sớm bổ sung dự án mới thì 4 năm nữa, ngành thép ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, nhập siêu ngày càng trầm trọng.

- Rõ ràng đã có nhiều dự án được cấp phép nhưng đắp chiếu. Vậy ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng quy hoạch ngành đang chạy theo doanh nghiệp, hơn là nhu cầu thực của thị trường?

Theo quy định tại Nghị định 92/2016 thì quy hoạch sản phẩm ngành là "mềm", có tính chất định hướng gắn với yếu tố thị trường. Thị trường thì liên tục biến đổi, doanh nghiệp đầu tư có thể năm này làm ăn tốt, năm sau gặp khó khăn, đổ vỡ... nên không thể triển khai tiếp dự án. Những công trình nào bị dừng triển khai có nguyên nhân từ phía nhà đầu tư sẽ bị rút khỏi quy hoạch, và ngược lại.

Quy hoạch ngành cũng có phân định chu kỳ 5-10 năm, trong quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nếu bộ chủ quản nhận thấy doanh nghiệp không còn tiềm lực để đảm bảo cung – cầu thị trường thì sẽ tìm nhà đầu tư khác thay thế, bù đắp lượng cung, thiếu hụt cho các dự án chưa được đầu tư.

Còn trên thương trường, sản xuất cái gì, cho ai thì doanh nghiệp tự quyết định. Chỗ nào lợi nhuận thu được nhiều nhất thì doanh nghiệp sẽ tính toán đầu tư vào. Đó là bài toán kinh doanh của họ.

- Ngoài chuyện quy hoạch thì mối quan ngại lớn nhất với dự án là đảm bảo môi trường. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm gì trong việc này?

Hiện pháp luật về môi trường, về đầu tư xây dựng tương đối chặt chẽ. Từ bài học Formosa, rõ ràng chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm, kể cả trong quá trình đánh giá tác động môi trường, vận hành thử nghiệm các dự án thép và vận hành sau này. Bản thân chủ đầu tư cũng sẽ rút ra cho mình kinh nghiệm khi triển khai dự án này.

Mô phỏng siêu dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận).

Mô phỏng siêu dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận).

Theo luật, Bộ Tài nguyên & Môi trường là cơ quan chủ trì giám sát, nhưng Bộ Công Thương cũng sẽ tham gia để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch. Cụ thể, ngay ở giai đoạn lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư của dự án này cũng khác với giai đoạn mà Formosa thực hiện đầu tư.

Thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, bộ chủ quản sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.

Về phía người dân cũng có thể tham gia giám sát, tất nhiên không phải giám sát về kỹ thuật, nghiệp vụ… mà là giám sát “lời hứa” của chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, nếu thấy có vấn đề phát sinh từ dự án có thể báo cơ quan có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết.

Thực ra quan trọng nhất khi triển khai dự án là dòng tiền, khả năng tài chính, quản lý có tốt hay không. Với dự án này, chúng tôi cũng đã xem xét tới dòng tiền, báo cáo tài chính qua các năm của doanh nghiệp... thấy khả thi thì mới đưa vào quy hoạch.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản cam kết cung cấp nước cho dự án này. Giai đoạn I của dự án dự kiến công suất là 4,5 triệu tấn thép một năm, với mức tiêu thụ nước bình quân khoảng 7m3 nước trên một tấn thép, nghĩa là mỗi ngày cần khoảng 8.500 m3 nước. Theo cam kết của tỉnh, ngay năm 2017 có thể cung ứng 30.000 m3 nước một ngày đêm, đủ cho nhu cầu sản xuất của dự án.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn