Bỏ biên chế giáo viên: 'Nên bỏ biên chế toàn bộ hệ thống'

Giáo dụcThứ Bảy, 10/06/2017 11:46:00 +07:00

Đại biểu Lân Hiếu (An Giang) cho rằng nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục thì nên bỏ biên chế toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đưa tất cả các cán bộ, viên chức thành hợp đồng và chế độ an sinh xã hội rõ ràng.

Chiều 9/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã phát biểu ý kiến góp ý cho đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

nguyen lan hieu

 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Đại biểu Hiếu cho rằng việc biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như mô hình công ty, trao quyền lớn cho lãnh đạo đơn vị tạo ra mô hình rất  mới ở Việt Nam.

Vì vậy, vị đại biểu An Giang này cho rằng cần thận trọng khi quyết định triển khai chủ trương này bởi ở các xã vùng cao, những con đường xe ô tô không thể đến được, các cô giáo, y bác sỹ ngày đêm bám trụ thì có thể thấy họ không chỉ yêu nghề mà họ làm việc vì có niềm tin đã nằm trong biên chế nhà nước, đã nằm trong hệ thống công chức.

“Nếu bỏ công chức trong giáo dục và y tế thì cần xem xét hết sức cụ thể chính sách cho từng vùng miền theo các đặc thù về vị trí, tránh gây sụp đổ mạng lưới nhiều năm mới xây dựng được”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Vị đại biểu này cũng băn khoăn khi giao quyền cho hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng hoàn toàn có thể trở thành “giao trứng cho ác”.

Việc trao quyền chỉ có thể thực hiện theo một cơ chế rõ ràng, mạch lạc, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Song song với đó phải có các hoạt động để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị theo cơ chế mới, áp dụng công nghệ mới trong quản lý y tế, giáo dục.

“Ngoài ra, tôi nghĩ nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục thì nên bỏ biên chế toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đưa tất cả các cán bộ, viên chức thành hợp đồng và chế độ an sinh xã hội rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới vì nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm cho lĩnh vực y tế, giáo dục tốt hơn thì tại sao giữ biên chế cho các ngành quản lý hành chính, các tổ chức lại tốt cho xã hội, như vậy mới bỏ được tâm lý chạy được 1 suất biên chế cho người nhà để được yên ổn suốt đời”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, vị đại biểu An Giang này cho rằng câu chuyện đổi mới giáo dục như thế nào cho hợp lý mới là điều quan trọng lúc này.

Video: Bộ trưởng GD-ĐT nhận lỗi việc 191.000 cử nhân thất nghiệp

Ông Hiếu lưu ý đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ vì mọi đổi mới đều phải trả giá bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mọi quyết định của các nhà quản lý vĩ mô khi tiêu một lượng tiền thuế của nhân dân mà hiệu quả không phải ngày 1 ngày 2 mà phải nhiều năm sau mới thấy được.

"Hãy tạo ra một chương tình giáo dục mở, đừng áp những tiêu chí cứng nhắc, ép học sinh trở thành những nhà bác học, tài đức vẹn toàn mà cần chú ý đến cả những việc đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn