Bố bắt con chinh phục người cao để "cải tạo nòi giống"

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 03/01/2012 06:14:00 +07:00

Mục tiêu mà ông Quơn giao phó cho các con, bằng mọi cách phải "chinh phục" những người cao hơn mình ít nhất cái... đầu.

Ông Lưu Quơn, với 8 thành viên nhưng người nào cũng bị chứng lùn, thấp lè tè đến lạ kỳ. Từ lâu đại gia đình này đã nổi tiếng bởi nghèo đói và lùn nhất Việt Nam. Mục tiêu mà ông Quơn giao phó cho các con, bằng mọi cách phải "chinh phục" những người cao hơn mình ít nhất cái... đầu.

Cái nghèo đeo cái khổ

Trong con hẻm nhỏ nằm cách chợ Bà Rén, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam rộng chưa đầy 200m là căn nhà của đại gia đình Ông Lưu Quơn (83 tuổi) với 8 thành viên nhưng người nào cũng bị chứng lùn, thấp lè tè đến lạ kỳ. Ông Quơn là người thấp nhất trong gia đình với chiều cao chỉ được 1,08m và bị tật bẩm sinh ở cả hai chân.

Người cao nhất là bà Phạm Thị Điển (83 tuổi, vợ ông Lưu Quơn) cũng chỉ cao được 1,33m. Kế đến là các con trai Lưu Quạng (55 tuổi) cao 1,3m; Lưu Trịn (45 tuổi) cao 1,29m; Lưu Tám (37 tuổi) cao 1,27m; Lưu Mười (35 tuổi) cao 1,25m; Lưu Hai (34 tuổi) cao 1,1m; Cô con gái út là Lưu Thị Hoa (32 tuổi) cao 1,1m.

 

Ông Lưu Quơn kể, trước kia người thân sinh ra ông là cụ Lưu Liếng (đã mất) cũng chỉ cao được 1,15m. Ông Quơn sinh được cả thảy 12 người con, trong đó cũng có người khá cao ráo nhưng lại không sống được lâu và chết vì không rõ nguyên nhân, còn lại bảy người con, đứa nào cũng mang gen lùn.

Cái lùn đeo bám bốn đời nhà ông Quơn, di truyền đến cả đời cháu ông. Với đôi chân cong vênh, thân hình nhỏ thó, cao chừng 1,1 m. Người bình thường bước vào nhà ông Quơn thì phải khom lưng, cúi đầu chứ đi đứng thẳng người là va trúng... xà nhà.

Chị Mai, một người hàng xóm của ông Quơn kể: "Gia đình ông Quơn là một trong 2 hộ nghèo nhất thôn Bà Rén. Nghèo nhưng gia đình ông sống rất tình nghĩa. Chính ông đã khai sinh ra nghề ôm vác heo. Nay, nhờ nghề bồng heo, khối người trong xóm nuôi được con em học đại học".

Nhờ những đóng góp của mình, gia đình ông Quơn được chính quyền địa phương quan tâm, mỗi tháng trợ cấp 120.000 đồng. Tuy vậy, trong thời "bão giá" này đời sống của "đại gia đình lùn" gặp không ít khó khăn...

Bao năm qua, vì nghèo đói lại bị cái lùn đeo đẳng nên để mưu sinh tồn tại đối với gia đình ông Lưu Quơn là điều đặc biệt khó khăn. Trước đây, để có bữa ăn đủ no, bà Phạm Thị Điển phải dậy từ mờ sáng ra chợ Bà Rén kiếm tiền bằng nghề bồng heo thuê, còn ông Lưu Quơn cùng các con phải còng lưng khuân vác hoặc kéo xe vận chuyển các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng, phân bón cho người dân trong xã.

Cùng với đó, gia đình ông còn phụ trách luôn việc quét rác, dọn vệ sinh ở khu chợ Bà Rén. Sau mỗi ngày làm việc cật lực, tổng số tiền mà các thành viên trong gia đình nhỏ cộng lại cũng được gần… 30 ngàn đồng, đủ để mua gạo, mua mắm muối. Nhưng bây giờ thì dịch bệnh và bão lũ thiên tai đã đẩy gia đình lùn này vào ngõ cụt.

Việc tìm kiếm cái ăn đối với gia đình lùn vốn đã khó lại càng khó khăn hơn kể từ ngày ông Lưu Quơn và người con trai thứ tư là anh Lưu Mười bị chứng đau gan hành hạ.

Thêm vào đó, từ ngày dịch heo tai xanh tràn về càng đẩy gia đình lùn vào tận cùng nghèo đói bởi không còn ai thuê bồng heo hay kéo xe, bốc vác nữa. Tiền thuốc của 2 người bệnh cộng với bữa ăn gia đình đặt cả lên đôi vai của người đàn bà tóc bạc, sức yếu là người vợ đã ngoài 80 tuổi của ông Quơn.

Hàng ngày bà Điển phải dậy từ rất sớm để đi đổ nước cá dư thừa ở khu chợ Bà Rén về bán lại cho những người nuôi heo lấy tiền mua gạo. Tuy nghèo vậy, nhưng gia đình ông Quơn ăn ở rất tốt, không bao giờ làm mất lòng một ai, lại hay sốt sắng giúp đỡ mọi người, họ cố vượt khó vươn lên trong lao động và trong tình người.

Ông Nguyễn Khẳng, Trưởng thôn Bà Rén cho biết: "Hộ ông Quơn và hộ ông Ngoạn là hai hộ nghèo trong tiêu chí của thôn, do có hạn chế về vóc dáng, ảnh hưởng đến công ăn việc làm nên còn nghèo khó, chính quyền cũng thường xuyên động viên thăm hỏi, mỗi lần có đợt cứu trợ hay các nhà hảo tâm đến tặng quà, chúng tôi đều ưu tiên cho hai gia đình này".

Nỗi niềm không cao và mơ ước nhỏ nhoi cháy bỏng

Mọi thứ trong nhà đều nho nhỏ, xinh xinh như chuyện cổ tích. Nhưng khát vọng "cải tạo" nòi giống luôn bỏng cháy trong họ. Ông Lưu Quơn nghẹo ngào: "Ước mơ lớn nhất trong đời của tui là cải tạo giống nòi. Nhà tui bốn đời đều mang tiếng lùn, đau khổ lắm, dằn vặt với tổ tiên lắm!".

Rồi ông nói tiếp: "Tổ tiên nhà tui không lùn. Chỉ đến đời cha tui mới bắt đầu lùn, đến bây giờ thì lùn bốn đời rồi. Khi còn sống, cha tui dặn phải bằng mọi cách lai tạo giống nòi. Thế nhưng lùn vẫn cứ lùn, buồn lắm".

Nhìn vào hai đứa cháu Phương, Biểu (con gái anh Lưu Ngoạn), ông Quơn đau đáu: "Hai đứa nó nhỏ bé thế chứ có một đống tuổi rồi. Không biết ông trời bắt tội, bắt vạ chi mà đến đời cháu chắt rồi vẫn lùn!". Con cháu càng đông, nỗi buồn của ông già lùn Quơn ngày càng thêm quặn lòng. Bà Điểm, vợ ông Quơn thật thà mà chua chát: "Nhà tui chừ có thứ chi cao là xài không được mô!".

Mục tiêu mà ông Quơn giao phó cho các con, bằng mọi cách phải "chinh phục" những người cao hơn mình ít nhất cái... đầu. May thay, các con ông tuy trời "trói" đôi chân nhưng lại cho thứ khác. Lùn, nhưng các anh đều có khuôn mặt sáng sủa, tính tình chất phác, nên kiên trì, các anh đều tìm được người như ý.

Căn nhà cấp 4 theo thời gian nay đã mục nát trống trước hụt sau và mưa dột tứ bề. Mấy tháng gần đây mưa gió ào ào, nước sông Thu dâng lên làm cả căn nhà tràn ngập nước, mọi người đều ướt sũng vì không còn nơi nào trú ẩn.

Đã không ít lần bà Điển muốn tiết kiệm, chắt chiu ít tiền kiếm được để mua thêm mấy tấm tôn lợp tạm bợ nhưng không thể thực hiện. Một bữa cơm đủ no và một đêm ngủ đủ ấm trong mùa mưa gió bây giờ đang là niềm mơ ước bình dị mà cháy bỏng của gia đình người lùn tội nghiệp nơi đây...

Bùi Hữu Cường - ĐSPL


Bình luận
vtcnews.vn