BLV Quang Huy:Hãy cứ yêu và làm việc hết mình

Tổng hợpThứ Sáu, 01/03/2013 10:36:00 +07:00

"Hãy cứ yêu và làm việc hết mình rồi điều tốt đẹp sẽ đến” là câu nói được anh nhắc tới nhiều nhất trong suốt cuộc trò chuyện.

Gặp Vũ Quang Huy khi những ngày Tết đã cận kề, câu chuyện chỉ xoay quanh hai thứ: bóng đá và công việc. Bận rộn với lịch làm việc, nhưng hàng tuần, những khán giả yêu thích BLV Quang Huy vẫn thấy anh trên sóng, cuồng nhiệt cùng những trận cầu. Người tự nhận mình là tướng ngoài biên ải này chia sẻ: việc tường thuật các trận đấu giúp mình xả stress được rất nhiều, bởi có khi bình thường làm việc căng thẳng nhưng khi vào trận đấu rồi thì rất khác, nhẹ nhõm hơn nhiều.

Quang Huy chia sẻ năm vừa qua là một năm đặc biệt với anh. Lần đầu tiên sau 15 năm không đi nước ngoài lần nào mặc dù có nhiều cơ hội. Một trong những điểm đến khiến anh tiếc nuối nhất là Ukraine. Chưa từng đặt chân đến Ukraine nhưng anh lại bỏ lỡ chuyến đi xem trận chung kết Euro 2012 vừa qua. Mặc dù bà con họ hàng ở bên đó đã gửi vé về tận nơi, Quang Huy vẫn từ chối và quyết định ở nhà để làm việc bởi vì nhiều lý do, đây là lần đầu tiên anh có cơ hội tường thuật trực tiếp một trận chung kết Euro. Bù lại Quang Huy được đi khá nhiều nơi tại Việt Nam, có những nơi mà anh không nghĩ là mình có thế đến được. Việc không xuất ngoại cũng có mặt tích cực khi giúp anh có thêm thời gian tĩnh tại, nhịp sống chậm lại để suy nghĩ về những thứ mình có.

 
“Hãy cứ yêu và làm việc hết mình rồi điều tốt đẹp sẽ đến” là câu nói được anh nhắc tới nhiều nhất trong suốt cuộc trò chuyện. Anh coi đây là “slogan” và cũng là động lực cho bản thân mình và các anh em đồng nghiệp tại kênh VTC3 hướng tới để an tâm cống hiến hết mình cho công việc.

Tự tin đẳng cấp VTC

Trong năm 2012, cá nhân anh cảm thấy VTC3 có những bước phát triển nào so với năm trước?

Năm 2012 là năm khó khăn với nền kinh tế nói chung, những đơn vị truyền hình như VTC cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong năm qua, VTC đã phục vụ khán giả 3 chiến dịch thể thao lớn mà tôi rất hài lòng: Euro 2012, Olympic London, giải bóng đá Đông Nam Á 2012.

Các chương trình bình luận, tường thuật, đồng hành của VTC cũng được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, năm qua, vấn đề bản quyền truyền hình các giải thể thao tại Việt Nam vẫn tiếp tục có những việc không được như mong muốn. VTC sẽ chấp nhận việc kể cả các chương trình truyền hình mà khán giả cho là “hot” nhưng đắt tiền một cách phi lý thì sẽ không tham gia vào và đang chờ đợi những động thái can thiệp tích cực từ phía cơ quan quản lý. Tôi cũng hy vọng là thời gian tới, vấn đề bản quyền đỡ loạn hơn bây giờ, khi đó các Đài sẽ chỉ cạnh tranh nhau thuần túy về chất xám chứ không phải về tiền bạc.

 
Với tư cách là người chịu trách nhiệm, tôi muốn các anh em đồng nghiệp ở kênh VTC3 cũng giống như các cầu thủ bóng đá, luôn phát huy tinh thần một cách tốt nhất, vào trận là đá hết mình và chơi đúng với đẳng cấp của mình. Tôi hoàn toàn tự tin vào đẳng cấp mà VTC đã xác lập được.

Là người phụ trách thể thao của VTC, anh cảm thấy thế nào về những thay đổi của kênh VTC3 trong năm vừa qua?

Ngoài các giải đấu lớn như đã kể trên, hàng tuần, VTC vẫn phục vụ độc giả các giải bóng đá Anh, Hà Lan, Scotland, Nhật Bản, bên cạnh đó là những trận đấu mới nhất của các CLB như Barcelona, Real Madrid, Manchester City, Liverpool, Chelsea và Bayern Munich.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của VTC để tạo nên một bức tranh thể thao phong phú nhất. Năm vừa qua cũng đánh dấu việc lần đầu tiên giải bóng đá Nhật Bản được tường thuật trực tiếp tại Việt Nam, VTC là đơn vị đầu tiên thực hiện điều đó. Tôi cảm thấy rất mãn nguyện.

Anh có thể chia sẻ thêm về sự kiện đưa bóng đá Nhật lên sóng trực tiếp tại Việt Nam?

Ý tưởng thực hiện tường thuật giải bóng đá Nhật Bản đã được tôi ấp ủ từ mấy năm trước vì tôi đã từng có dịp sang Nhật Bản xem họ đá và thấy được không khí rất tốt và cảm thấy đây là môi trường mà Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều, không phải chỉ cách đá mà còn là khả năng tổ chức lôi kéo khán giả đến sân.

Các hoạt động để nâng tầm câu lạc bộ lên về mặt thương hiệu, người Nhật làm rất tốt việc này. Thực tế là ngay cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng phải sang học hỏi rất nhiều. VTC cũng rất vui khi là nhịp cầu để kết nối điều đó.


Trong quá trình làm việc tại Nhật Bản, anh thấy có điểm gì nổi bật ở bóng đá Nhật Bản mà Việt Nam đáng phải học tập?

Đó là sự cầu tiến và luôn luôn có tự trọng. Có thể gần đây Nhật Bản gặp động đất, kinh tế khủng hoảng… nhưng mà nhờ có hai yếu tố đó mà bóng đá Nhật Bản vẫn phát triển ổn định.

Cùng là hai quốc gia châu Á nhưng bóng đá Việt Nam vẫn còn cách biệt khá xa so với Nhật Bản. Theo anh thì nguyên nhân vì sao?

Tôi nghĩ vẫn xoay quanh hai khái niệm cầu tiến và tự trọng. Khi mình tuân thủ hai điều này một cách triệt để thì sẽ thực hiện được mọi thứ mình muốn. Việt Nam mấy năm trước khi kinh tế còn thuận lợi thì rất nhiều người máu me đầu tư nhưng gần như chỉ là “nổ”, muốn gây tiếng vang cho mình nhiều hơn.

Bóng đá bị ảnh hưởng rất nhiều bởi kinh tế. Nó cũng là hệ quả của việc một số ông bầu coi bóng đá là thứ tiêu khiển chứ không phải là thú đam mê thực sự và muốn đóng góp cho bóng đá nước nhà.

Theo ý anh, nghĩa là muốn bóng đá Việt Nam thay đổi thì cần phải thay đổi cả cách đầu tư trong bóng đá nữa?

Tôi nghĩ là như vậy. Chúng ta nên làm bài bản vì lâu nay vẫn làm theo kiểu ngắt ngọn. Ở một góc độ nào đó, tôi có sự liên tưởng giữa V-League với sự phát triển thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Các ông bầu có tiền thì vung ra để lôi kéo người về. Nhưng như thế chỉ được một thời gian thôi rồi lại như bong bóng xì hơi.

Tuy nhiên, có những đội như Sông Lam Nghệ An, họ vẫn là đội bóng duy nhất chưa bao giờ bị xuống hạng mặc dù rất nghèo. Họ có nguồn cầu thủ tự đào tạo.

Điều này cũng rất giống với cách quản lý kênh của tôi: tin vào đẳng cấp của VTC và vào con người, điều này sẽ mãi bền vững với thời gian. Không có đẳng cấp sẽ không thể đào tạo tốt.

Muốn có một cuộc chơi sòng phẳng về bản quyền truyền hình thể thao

Đầu năm 2012, VTC bị kéo vào vụ lùm xùm tranh chấp bản quyền V-League. Anh có ngại việc va chạm với vấn đề bản quyền sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của bản thân và VTC không?

Tôi nghĩ là không. Tôi không ngại. Bản thân tôi ở góc độ một người đã hoạt động thể thao nhiều năm, tôi có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề bản quyền. Tôi luôn muốn mang đến cho khán giả những điều tốt đẹp nhất. Thời gian vừa qua vấn đề bản quyền trở nên bát nháo, chộp giật, bản thân tôi rất muốn vấn đề này trật tự trở lại.

 
Tất nhiên làm việc này sẽ rất mất thời gian nhưng sẽ phải cố gắng thôi để đến một ngày nào đó, những người làm thể thao chỉ phải tập trung cho vấn đề chuyên môn.

Thời gian vừa qua, anh rất gắt gao khi động đến vấn đề bản quyền. Điều này có phải xuất phát từ mong muốn sẽ làm một điều gì đó khiến vấn đề này tại Việt Nam trở nên tốt hơn?

Tôi mong muốn có một sự công bằng đối với các đài truyền hình, một cuộc chơi sòng phẳng về bản quyền. Tôi rất căm ghét chuyện ngoại tệ chảy ra nước ngoài, khi gần như tiền thuê bao của các đơn vị truyền hình là cống nạp hết cho nước ngoài. Như vậy là vô lý.

Đây cũng giống như một hành động nhằm bảo vệ lợi ích nhóm cho những người làm thể thao. Vì nếu như cứ được đầu tư rồi để lỗ thì sẽ mãi mãi bị mang danh là những ông “ăn hại”.

Theo anh thì có lối thoát nào không cho vấn đề bản quyền?

Đầu tiên là ý thức của các Đài. Tiếp nữa, vai trò của cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng, phải có định hướng và nếu cần thì phải có sự áp đặt. Một số nước như Singapore cũng đã từng phải có những hành động mang tính áp đặt về chuyện này. Nếu có cảm giác là không thể tự giác được thì phải áp đặt. Quan điểm của tôi là như thế!

Với tư cách là người phụ trách thể thao của VTC, trong năm tới, anh sẽ làm gì để đấu tranh cho bản quyền?

Tôi sẽ cố gắng để các nhà quản lý có thể hiểu hơn về vấn đề bản quyền và “hiến kế” một số giải pháp giải quyết việc này. Tôi nghĩ rằng có thể làm được, tuy nhiên phải làm từng bước và có thời gian.

Muốn vậy, bản thân VTC sẽ phải chấp nhận hi sinh, có những giải đấu được coi là “hot” nhưng sẽ không lao vào. Nếu cần, VTC sẽ “đằm” xuống một thời gian.

 

VTC vẫn sẽ làm gắt chuyện này chứ?

Vẫn gắt gao nhưng theo tinh thần chung của Tổng Công ty là hợp tác, chia sẻ, không có gì độc quyền cả. Tôi căm ghét sự độc quyền.

“Những người tâm huyết nhất vẫn ở lại với tôi”

Anh nghĩ sao về những cống hiến của các anh em đồng nghiệp trong kênh VTC3 trong suốt một năm qua?

Tôi nghĩ rằng hiện nay mình đang có một lực lượng tốt, anh em trẻ, rất nhiệt tình trong công việc và cầu tiến. Đặc biệt là họ có một tư tưởng rất giống tôi: Hãy cứ yêu và cống hiến hết mình rồi những điều tốt đẹp sẽ đến. Cũng giống như các cầu thủ chuyên nghiệp, cứ ra sân là cống hiến hết mình cho khán giả.

Trong mọi việc, nhân sự luôn là yếu tố quan trọng. Anh dự định sẽ làm gì để góp phần phát triển nguồn tiềm năng con người của kênh?

Tôi thấy rằng tiềm năng của giới trẻ bây giờ là rất lớn vì họ rất sẵn phương tiện, ngoại ngữ tốt, có nhiều cách để tìm hiểu về lĩnh vực họ yêu thích. Tất nhiên, sản phẩm cuối cùng là như thế nào cũng còn tùy vào công tác đào tạo nữa.

Tôi thấy VTC3 cũng có phần giống với CLB Sông Lam Nghệ An. Xứ Nghệ có thể nghèo khó nhưng kể cả khi không có “nguồn sữa” từ các ông bầu thì vẫn cứ trụ tốt với nội lực của mình.

Nếu như thế, có những lúc khó khăn, anh có sợ sẽ xảy ra việc “chảy máu chất xám” tại VTC3?

Tôi không sợ. Tôi có thể khẳng định là đến bây giờ, những người tâm huyết nhất, tốt nhất, đúng với tinh thần của VTC3 nhất vẫn ở lại với tôi.


Trong năm qua, VTC3 đã cống hiến cho khán giả nhiều giải đấu lớn, trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn gì không, thưa anh?

Ở đâu và trong bất kỳ công việc gì cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, khi đã thực sự tâm huyết với công việc thì ngay cả lúc khó khăn nhất, người ta vẫn có thể nảy ra rất nhiều ý tưởng.

Anh nghĩ rằng 2012 là một bước lùi hay bước tiến của kênh VTC3?

Bước tiến chứ. Vì năm 2011 có nhiều tác động như lôi kéo người của nhau, bản quyền… Năm 2012, những vấn đề này đã có sự cải thiện tốt hơn. Hơn nữa cũng đã có những tấm gương tày liếp về những “ông lớn” thua lỗ và đang đứng trên bờ vực phá sản vì thiếu nền tảng vững chắc. Trong năm qua, anh em ở Kênh VTC3 không chỉ tiến bộ về nghề nghiệp mà còn trưởng thành rất nhiều về nhận thức, đó là điều tôi rất mừng.

Sự đổi mới về nội dung của kênh trong năm qua cũng tốt hơn chứ, thưa anh?

Mặc dù không thể đầu tư về bản quyền quá nhiều được nhưng trong năm vừa qua, VTC vẫn cung cấp đầy đủ các giải thể thao lớn, dù trực tiếp hay phát lại cho khán giả thưởng thức. Khán giả không bị bỏ sót các giải đấu lớn khi theo dõi hai kênh VTC3 và VTC3 HD. Đây cũng là một thành công khi “liệu cơm gắp mắm” được trong giai đoạn khó khăn này.

Trong năm 2013, VTC3 sẽ có sự đổi mới nào lớn không?

Trong năm tới, lượng tạp chí thể thao trên kênh VTC3 tăng lên. Cùng rất nhiều những format chương trình mới như: Yêu và Ghét, Đa sắc sân cỏ, Vòng quay bóng đá Việt Nam, Xe và Thể thao, Thể thao và Cuộc sống, Phim tài liệu Thể thao…

Đối với mảng bản tin, bắt đầu từ ngày 1.1.2013, Bản tin Thể thao 24H đã được phát sóng trên 2 kênh VTC3 và VTC3 HD, Bản tin Thể thao trưa sẽ đến với khán giả vào lúc 11h30 cũng trên 2 kênh sóng này. Bên cạnh đó, hàng ngày sẽ có bản tin Thể thao cập nhật 10 phút phát sóng lúc 22h00 trên VTC1 và VTC HD1. Hiện nay, kênh đang có một đội ngũ vững vàng để triển khai các ý tưởng của lãnh đạo Kênh.

Ngoài bóng đá, VTC3 có tập trung phát triển thêm vào môn thể thao nào khác nữa không?

Tất cả những môn thể thao gần gũi với khán giả, VTC vẫn luôn theo sát những môn cơ bản như Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông, Bóng bàn… vẫn sẽ có đầy đủ để người xem thưởng thức. Sau Tết âm lịch, chúng tôi sẽ gửi đến khán giả Tạp chí chuyên đề về các môn Cờ, đặc biệt là Cờ tướng.

Anh có thể cho biết về con đường phát triển chung của VTC3 và VTC3 HD trong năm tới?

Mục đích là cả hai kênh vẫn phải có nội dung ngày càng phong phú và tiến tới “HD hóa”. Với sự phát triển của công nghệ thì cố gắng tiến tới những chương trình nào VTC3 có thì HD cũng phải có.

Khi ra mắt kênh VTC HD, anh có nói rằng khán giả nay đã ăn ngon hơn và mặc đẹp hơn. Năm 2013, anh vẫn sẽ tiếp tục làm theo tiêu chí đó chứ?

Vâng, vẫn sẽ là như thế. Nội dung của cả hai vẫn san sẻ đều cho nhau. Đương nhiên sẽ không quên những khán giả xem SD, vì thế tôi đảm bảo là những gì HD có thì SD cũng sẽ không thiếu. Còn tất nhiên, phiên bản HD xem thích mắt và ấn tượng hơn.

Trong năm tới, VTC3 sẽ có những kế hoạch lớn gì, thưa anh?

Trong năm 2013, chiến dịch lớn nhất là SEA Games 27 ở Myanmar. Chúng tôi sẽ sớm có kế hoạch tiền trạm tại đây. Từ khi thể thao Việt Nam hội nhập trở lại thì chưa có khi nào SEA Games được tổ chức ở Myanmar cả.

Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị với một đất nước đang có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ Myanmar là một “chất liệu” hết sức thú vị cho những chương trình đồng hành cùng SEA Games.

Anh có tự tin rằng năm tới VTC3 vẫn sẽ làm hài lòng khán giả?

Chắc chắn, năm tới VTC3 vẫn sẽ làm hài lòng khán giả yêu thể thao. Còn nếu có gì chưa hài lòng thì chỉ bởi những bản quyền điên rồ mà chắc chắn chúng tôi sẽ không chạy đua theo. Đó là điều mà chúng tôi mong khán giả hết sức thông cảm.

Năm mới sắp đến, anh có điều gì muốn nhắn nhủ tới khán giả xem truyền hình không?

Theo như tôi biết thì năm 2013 vẫn là một năm vô cùng khó khăn. Tôi muốn nhắn nhủ tới mọi người một điều, giống như vẫn chia sẻ với anh em rằng hãy luôn biết trân trọng và yêu quý những gì mình đang có. Kể cả khi tuổi vẫn còn trẻ nhưng nhiều lúc phải biết cách sống chậm để tích lũy theo nghĩa rộng của từ này.

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc tất cả khán giả có một năm mới vui vẻ, mạnh khỏe và vạn sự như ý, đối với những thứ chưa hài lòng thì hãy hành xử như những cầu thủ chuyên nghiệp: ra sân và đá hết mình, mọi người chắc chắn sẽ ghi nhận!

Xin cảm ơn!

Thu Hương thực hiện

Bình luận
vtcnews.vn