Blackberry: Sự trỗi dậy và sụp đổ của một huyền thoại

Sản phẩmThứ Ba, 22/02/2022 16:39:46 +07:00

BlackBerry được cho là đặt nền móng cho sự ra đời smartphone, nhưng cuối cùng lại không thể tồn tại trong cuộc đua này.

Vào ngày 18/2, OnwardMobility chính thức thông báo hủy kế hoạch ra mắt BlackBerry 5G vốn đã bị trì hoãn nhiều lần vào năm 2021, dập tắt hy vọng “dâu đen” sẽ được hồi sinh. 

Với thiết kế đặc trưng của một thiết bị cầm tay kích thước nhỏ (PDA), bàn phím không cảm ứng, thiếu các bản cập nhật cho các mẫu máy mới hơn, BlackBerry không thể đáp ứng tiêu chuẩn của một chiếc điện thoại thông minh thời nay. Nhiều người coi Blackberry đã “chết” kể từ khi iPhone và các dòng smartphone Android ra mắt. Đây thực sự là cái kết đắng cho một huyền thoại.

Blackberry: Sự trỗi dậy và sụp đổ của một huyền thoại - 1

Blackberry: Sự trỗi dậy và sụp đổ của một huyền thoại

Những thành công dồn dập

Research In Motion (RIM) ra mắt thiết bị nhắn tin hai chiều BlackBerry năm 1996 theo hợp đồng với công ty viễn thông Canada Rogers. Nó được thiết kế để gửi email và các tin nhắn qua mạng không dây, một sự đổi mới vào thời điểm đó.

Năm 2002, BlackBerry đã phát triển từ máy nhắn tin thành điện thoại di động, có thêm bàn phím. Trong vài năm tiếp theo, RIM dần dần bổ sung thêm nhiều tính năng để cạnh tranh với đối thủ, chẳng hạn màn hình màu, Wi-Fi và camera tích hợp, giúp Blackberry trở thành biểu tượng sang trọng cho những người giàu có và thậm chí là quyền lực như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đến năm 2007, BlackBerry đã mở rộng phạm vi tiếp cận của mình đến phân khúc bình dân hơn, điển hình là học sinh trung học, mang đến các tính năng được ưa chuộng như email và lướt Internet. Ngoài MySpace và Facebook, mạng xã hội vẫn chưa phổ biến vào thời điểm đó, nhưng mọi người đã rất hứng thú với ý tưởng được kết nối 24/7 thông qua BlackBerry, đặc biệt là với tính năng nhắn tin tức thì (BlackBerry Messenger).

Sự thích thú của người dùng đã khiến lợi nhuận của BlackBerry tăng vọt, mang về cho RIM hơn 3 tỷ USD doanh thu với thu nhập ròng hơn 631 triệu USD. Theo The Guardian, vào cuối thập niên 2000, RIM thống trị 43% thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ, 20% toàn cầu và bán được hơn 50 triệu chiếc BlackBerry mỗi năm.

Khi Apple ra mắt iPhone, RIM bắt đầu có đối thủ. Mặc dù các doanh nhân vẫn trung thành với điện thoại có bàn phím, BlackBerry không thể giữ vững phong độ trong cuộc chiến này.

Những thất bại liên tiếp

Vào năm 2008, để bắt kịp sự thay đổi của ngành công nghiệp di động, RIM đã cho ra mắt chiếc điện thoại màn hình cảm ứng đầu tiên có tên là BlackBerry Storm. Ban đầu, Storm bán rất chạy vì thương hiệu BlackBerry lúc đó vẫn còn danh tiếng và nhà mạng Verizon đã phát triển một chiến dịch marketing mạnh mẽ để chống lại iPhone - khách hàng độc ​​quyền của AT&T.

Nhưng niềm vui chỉ kéo dài cho đến khi mọi người bắt đầu sử dụng sản phẩm. John Stratton, khi đó là Giám đốc tiếp thị của Verizon, nói với Jim Balsillie, Giám đốc điều hành khi đó của RIM rằng, cứ một triệu điện thoại Storm được bán ra thì có một chiếc phải đổi trả, tuy nhiên vừa thay thế xong thì sản phẩm lại vẫn tiếp tục có lỗi. Storm hóa ra lại là một “thảm họa” vì hiệu suất chậm chạp và đầy sai sót, đến nỗi Stratton muốn RIM trả cho Verizon gần 500 triệu USD để bù đắp cho khoản lỗ.

Ba năm sau, RIM đã phát triển chiếc máy tính bảng mini đầu tiên của mình, được gọi là BlackBerry Playbook. Tuy nhiên, do thiếu ứng dụng email, nó hoàn toàn vô dụng với những người làm kinh doanh.

Vào năm 2013, sau khi RIM đổi tên thành BlackBerry, hãng phát hành chiếc BlackBerry 10 cảm ứng hoàn toàn. Thật không may, nó xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất có thể. iPhone và smartphone Android lúc đó đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường điện thoại thông minh khiến thị phần toàn cầu của BlackBerry giảm mạnh xuống còn dưới 1% vào năm 2017.

Chậm nhưng không chắc

Nỗ lực của OnwardMobility để đưa BlackBerry từ cõi chết trở về là một hành động đẹp để cứu vãn một huyền thoại nhưng trên thực tế nó hoàn toàn vô ích.

BlackBerry có thể là vua của ngành công nghiệp điện thoại thông minh trong những năm đầu thế kỷ trước, nhưng giờ đây vị trí đó đã bị thay thế bằng Apple và Android. BlackBerry 10 loại bỏ bàn phím vật lý để theo kịp thị trường nhưng đã quá muộn.

“Chậm mà chắc” không phải lúc nào cũng là chân lý, Blackberry chính là một minh chứng sống cho điều đó.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp