Bình ổn thị trường thực phẩm tươi sống

Kinh tếThứ Tư, 03/08/2011 10:12:00 +07:00

(VTC News)- Sau khi ra tay bình ổn thị trường thực phẩm tại Hà Nội, Bộ NN&PTNN có những biện pháp bình ổn giá thực phẩm tại TP.HCM.

(VTC News)- Sau khi ra tay bình ổn thị trường thực phẩm tại Hà Nội, Bộ NN&PTNN có những biện pháp bình ổn giá thực phẩm tại TP.HCM khi giá các mặt hàng này đang âm thầm tăng nhanh và cao.


Giá thực phẩm dâng cao mỗi ngày


Bước sang những ngày đầu tháng 8, giá các loại thực phẩm tươi sống tại  TP.HCM âm thầm tăng giá nhanh và cao so với tháng 7.

Tại TP. HCM, theo khảo sát PV VTC News tại các điểm chợ đầu mối như Bình Điền (Quận 8), Thủ Đức và Hóc Môn…., giá rau bắt đầu nhích giá từ 10- 15%. Cụ thể, tại chợ đầu mối Thủ Đức, giá rau củ, quả tại đây đã có sự điều chỉ như, cà rốt 17.000 -20.000 đồng/kg; tăng 5.000 đồng so với tháng 7 và 7.000 đồng so với tháng 6; cà chua 12.000 đồng/kg tăng từ 2.000- 3.000 đồng/kg so với tháng 7. Ngoài ra các loại củ như khoai tây, hành tây, su su,… đều có mức điều chỉnh từ 1.000- 2.000 đồng/kg.


Giá rau, củ, quả tại chợ đầu mối tăng 10%- 15%. Còn tại các chợ bán trong nội thành tăng 30% so với tháng 7 (hình ảnh tại chợ đầu mối Thủ Đức)

Các loại rau khác cũng có sự nhích giá đáng kể như cải thảo, cải bắp, lơ đều có mức từ 10.000- 12.000/kg tăng từ 2.000- 3.000 đồng/kg (tùy theo từng loại).

Tuy nhiên, mức tăng cho các loại rau, củ, quả tại các chợ bán lẻ trong nội thành có mức tăng cao từ 3.000- 5.000 đồng/kg so với chợ đầu mối.

Cụ thể tại chợ Bà Chiểu (Bà Chiểu), các loại rau củ, giá bầu, bí xanh hiện là 12.000 đồng/kg. Chị Thư Mai, chủ một quầy bán rau tại đây cho biết, tuần trước giá rau đứng ở mức ổn định ở mức cao. Tuy nhiên từ hôm qua đến nay các loại rau, củ,… đều ầm thầm tăng giá nhanh.

Chị cũng cho biết thêm, các bà nội trợ hai ngày nay không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc nhưng chúng tôi lấy nhập đã cao thì phải bán nhích hơn một chút. Hiện nay, nhiều người chuyển sang mua rau khác nhưng các loại rau khác cũng tăng giá, chị Mai nói thêm.

Không chỉ vậy, tại chợ Bà Chiểu và các chợ trên địa bàn quận Bình Thạnh, Quận 1, các loại thực phẩm khác như mướp đắng có giá từ 12.000- 14.000 đồng/kg, cà chua 13.000-15.000 đồng/kg, dưa chuột: 10.000-12.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt: 23.000- 25.000 đồng/kg, lơ xanh: 30.000 đồng…. tăng từ 3.000- 5.000 đồng/kg so với tuần trước và tăng 6.000- 8.000 nghìn đồng so với tháng 6.

Không chỉ có rau, củ,… âm thầm tăng giá mà các loại thực phẩm, thịt cá tăng giá nhanh và hiện vẫn chưa có sự điều chỉnh nào.

Thịt lợn cùng các loại thịt khác cũng có sự điều chỉnh nhẹ và ổn định ở mức cao so với tháng 7.

Tại chợ Cô Giang (Quận 1), các loại thịt tăng nhanh. Cụ thể như, thịt ba rọi có giá từ 100.000 - 115.000/kg, giá mông sấn có giá 125.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn có giá 140.000 đồng/kg; thịt nạc có giá từ 125.000- 130.000 đồng/kg…cá rô đồng 65.000 đồng/ kg, cá lóc nuôi 80.000 đồng/kg…thịt bò có giá 180.000-185.000 đồng/kg
.

Chị Thủy, tiểu thương tại chợ cho biết, giá thịt lợn chỉ có sự điều chỉnh nhẹ. Và mức giá hiện nay đã ổn định được 10 ngày nay.

Giá thịt lợn tăng là do các thương lái khu vực phía Nam gom hàng vận chuyển ra miền Bắc trong thời gian qua.


Bà Bùi Thị Vui, bán thịt heo ở chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) nói: “Lâu nay, chợ vắng vì nắng nóng, vì mưa, vì vật giá tăng cao, vì người mua tiết kiệm chi tiêu... Nếu bây giờ mà giá thịt tăng thêm 10.000 đồng/kg nữa, tôi lo không có người mua...”

Làm gì để bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi?

Trước tình hình tăng giá hiện nay của TP.HCM, ngày 2/8 Cục chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) đã có cuộc họp với các chủ trang trại, doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi phía Nam để bàn biện pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn những tháng cuối năm.

Tại cuộc họp các DN xác định nguyên nhân tăng giá tại thời điểm này tại TP.HCM do giá đầu vào tăng, việc cung cầu chưa hợp lý là nguyên nhân quan trọng khiến giá thịt, đặc biệt là thịt lợn tăng vọt trong thời gian qua và trong những ngày vừa qua.

Trong khi đó, khâu lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, phần lớn giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi do thương lái quyết định, dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá thu mua tại chuồng và giá bán đến người tiêu dùng và giá giữa các vùng miền cũng khác biệt lớn.

Đặc biệt, chi phí đầu vào thời gian qua tăng mạnh như giá ngoại tệ mạnh, giá xăng dầu… trên thị trường tăng cao làm cho giá đầu vào chăn nuôi cũng tăng cao (giá con giống, thức ăn, công lao động, thuốc thú y...), dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, tạo mặt bằng giá mới.

Các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần hạ giá, tung sản phẩm mạnh ra thị trường nhằm bình ổn giá trong giai đoạn hiện nay.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, giá sản phẩm chăn nuôi tăng cao và tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm nay là do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại một số thời điểm và một số vùng, tạo ra sự khan hiếm cục bộ và gây áp lực tăng giá cho cả nước nói chung và đặc biệt là các tỉnh phía Bắc nói riêng.


Không những thế, trong năm 2010 và đầu năm nay, do dịch bệnh tai xanh xảy ra trên diện rộng khiến đàn lợn nái và lợn thịt giảm (trong đó giảm nhiều nhất là đàn lợn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình, giảm 10-30%) so với cùng kỳ năm ngoái nên không đủ cung cấp cho thị trường vào các tháng Sáu và Bảy vừa qua.

Để thiết lập được mặt bằng bình ổn giá cho sản phẩm chăn nuôi, hầu hết các ý kiến các doanh nghiệp lớn đều khẳng định rằng để bình ổn được thị trường thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, việc cần thiết là tạo một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến tiêu thụ. Cần phát triển và ưu tiên chăn nuôi nhỏ lẻ bởi bởi thực tế hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 80% đàn đàn gia súc của cả nước.

Mặt khác, để bình ổn được thì nguồn nguyên liệu và thức ăn gia súc gia cầm cũng cần được bình ổn như vậy mới tránh được sự tăng giá đột biến.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng, cần có một chuỗi sản xuất an toàn khâu giống đến chăn nuôi, giết mổ để đến tay người tiêu dùng. Để làm tốt được vấn đề này cần đảm bảo trước hết là khâu giống thật tốt.

Để làm tốt được điều này, các chủ trang trại đề nghị  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn can thiệp. Trong năm nay, đề nghị Trung tâm Khuyến nông dồn số vốn này vào để tăng đàn lợn nái; đồng thời ở các địa phương cũng nên dành một phần vốn để hỗ trợ phát triển đàn lợn nái.

Hơn nữa, Bộ sẽ cần tăng cường giám sát chặt các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi để không tăng giá vô lý, cần tăng hạ giá theo đúng thực chất vấn đề nguyên liệu đầu vào.


Trước những bức xúc của doanh nghiệp và chủ trang trại chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để bình ổn thị trường sản phẩm từ lợn và gia cầm, trong đó có vấn đề con giống.

Cục Chăn nuôi cần đánh giá lại hiệu quả của các đơn vị này từ đó có thể hỗ trợ cho các cơ sở ngoài Nhà nước cung ứng con giống nếu họ làm hiệu quả… Bộ kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối hạ giá, tung sản phẩm mạnh ra nhằm bình ổn thị trường giai đoạn hiện nay.

Không chỉ vậy, Cục Chăn nuôi ngoài những biện pháp trước mắt còn đưa ra nhiều biện pháp dài hạn như tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng sản lượng thịt gia cầm, ổn định gia súc ăn cỏ và giảm tỷ trọng thịt lợn.

Thái Vy- Kiều My


Bình luận
vtcnews.vn