Binh lính Trung Quốc dày đặc ở đảo Phú Lâm

Thế giớiThứ Tư, 02/03/2016 08:45:00 +07:00

Lính Trung Quốc chiếm đến 3/4 trong số những người đang ở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Lính Trung Quốc chiếm đến 3/4 trong số những người đang ở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng, báo South China Morning Post ngày 1/3 dẫn lại nhật báo quân đội Trung Quốc.

Sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, Trung Quốc đưa quân đến chiếm giữ, đồng thời kêu gọi người dân đến lập nghiệp và sinh sống lâu dài để hợp thức hóa cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc trên lãnh thổ này của Việt Nam.
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng - Ảnh: AFP
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng - Ảnh: AFP 
Tờ báo quân đội Trung Quốc không tiết lộ Bắc Kinh đã huy động bao nhiêu lính đến đảo Phú Lâm cũng như số dân đang sinh sống trên đó. Tuy nhiên, South China Morning Post dẫn các nguồn báo cáo trước đó từ Trung Quốc cho hay dân số của cái gọi là thành phố Tam Sa, bao gồm cả đảo Phú Lâm, có khoảng 1.000 người hồi năm 2013. Ba năm qua, con số này đã tăng đáng kể.

Tam Sa Thị (thành phố Tam Sa) là tên ngụy xưng Trung Quốc dùng để gọi đơn vị hành chính nước này thành lập phi pháp năm 2012 trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên cái gọi là Tam Sa Thị này, Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và hành chính.

Hiện nay, trên đảo Phú Lâm có tòa nhà  hành chính, bệnh viện, trạm truyền hình vệ tinh, hệ thống điện nước. Trung Quốc còn mở cả ngân hàng, siêu thị trên đảo này; nhiều công trình khác đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, theo nhật báo quân đội Trung Quốc. 

Video: Chiến tranh biên giới 1979 và kế sách ‘kết xa, đánh gần’ của Trung Quốc 

Thường kỳ còn có tàu du lịch hạng sang chạy từ đảo Hải Nam đến một vài đảo ở Hoàng Sa.

Cùng với binh lính, Trung Quốc còn tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không, radar và chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm.

“Trung Quốc đang thay đổi chiến lược ‘hành động thay cho lời nói’ và đang công khai hóa sự hiện diện của mình ở Hoàng Sa”, Xue Li, nhà nghiên cứu của Học viện xã hội học Trung Quốc phát biểu. Chiến lược này sẽ dần dần được thực hiện ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp ít nhất 7 đảo nhân tạo.

Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ chứng cứ chứng minh chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và mọi hoạt động của các bên thuộc khu vực hai quần đảo này và trên Biển Đông đều không có giá trị pháp lý.

Nguồn: Thanh Niê
n
Bình luận
vtcnews.vn