Biểu tình ở Thái Lan ‘nóng’ trở lại sau biểu tình Myanmar?

Thời sự quốc tếThứ Hai, 01/03/2021 17:02:40 +07:00
(VTC News) -

Các cơ quan cứu hộ cho biết ít nhất 33 người bị thương trong các cuộc biểu tình gần dinh thự của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha.

Cảnh sát Thái Lan bắn đạn cao su và sử dụng vòi rồng, hơi cay giải tán đám đông biểu tình bên ngoài một doanh trại quân đội ở Bangkok hôm 28/2, nơi có dinh thự của Thủ tướng Prayut-Chan-o-Cha. Trong khi đó, người biểu tình ném chai vào cảnh sát và tuần hành đến hàng container được dùng chắn ở lối vào.

Ít nhất 33 người đã bị thương, bao gồm 23 cảnh sát và 10 người biểu tình, theo cơ quan cấp cứu Erawan. Cảnh sát cho biết một sĩ quan 41 tuổi đã chết sau sự việc. Theo truyền thông địa phương, người này chết vì đau tim.

Biểu tình ở Thái Lan ‘nóng’ trở lại sau biểu tình Myanmar? - 1

Người biểu tình tại Thái Lan hôm 28/2. (Ảnh: Reuters)

Theo Al Jazeera, phong trào biểu tình do giới trẻ Thái Lan dẫn đầu nhen nhóm vào năm ngoái nhằm yêu cầu Thủ tướng Thái Lan từ chức và hoàng gia cải cách. Các yêu cầu cải cách liên quan đến hoàng gia được đánh giá là gây tranh cãi nhất vì đây từ trước vốn là chủ đề “cấm kị” tại Thái Lan.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tạm gián đoạn vào tháng 12 và tháng 1 khi Thái Lan phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19.

Việc 4 người dẫn đầu nổi tiếng của các cuộc biểu tình bị bắt giữ gần đây dường như làm phong trào nóng trở lại. 4 người này nằm trong số 58 người biểu tình sẽ phải đối mặt với các cáo buộc tội nghiêm trọng, có khả năng tương ứng với bản án lên đến 15 năm tù cho mỗi tội danh, nếu bị kết tội xúc phạm chế độ quân chủ.

Ủng hộ biểu tình Myanmar

Khoảng 2.000 người biểu tình đã tuần hành ở Bangkok ngày 28/2, theo Al Jazeera. Họ dự định tiếp cận nhà của Thủ tướng Prayuth nhưng không thành công, và đã từ bỏ kế hoạch sau vài giờ và sau khi mở một cuộc khảo sát trực tuyến.

Những người biểu tình thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar. Họ chỉ trích Thủ tướng Thái Lan Prayuth hôm 24/2 đã gặp Bộ trưởng ngoại giao Myanmar mới do các nhà lãnh đạo quân sự bổ nhiệm.

Cuộc biểu tình hôm 28/2 cũng được cho là có liên quan đến “liên minh Trà sữa” không chính thức của những người ủng hộ dân chủ từ Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, khi trước đó nhóm này đã kêu gọi mọi người ủng hộ cho những người biểu tình ở Myanmar.

Tranh cãi về ảnh hưởng của quân đội và hoàng gia

Thủ tướng Prayut từng lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 và đặt Thái Lan dưới sự kiểm soát của quân đội trong 5 năm. Dưới chính quyền quân sự, hiến pháp mới đã được soạn thảo trước cuộc bầu cử năm 2019.

Bản hiến pháp thiết lập một thượng viện 250 thành viên, hoặc bao gồm quân nhân hoặc những người được quân đội bổ nhiệm. Thượng viện có thể ngăn chặn luật pháp được hạ viện thông qua, bỏ phiếu cùng với hạ viện (500 ghế) bầu thủ tướng, điều được xem là có lợi cho quân đội. Ngoài ra, hiến pháp mới buộc các chính phủ tương lai phải tuân thủ kế hoạch phát triển 20 năm, có hiệu lực vào năm 2018, bao gồm lĩnh vực an ninh quốc gia.

Những người ủng hộ nói rằng kế hoạch này sẽ ngăn chặn tham nhũng và thúc đẩy sự ổn định. Các nhà phê bình cho rằng nó tiếp tục củng cố chế độ quân sự.

Biểu tình ở Thái Lan ‘nóng’ trở lại sau biểu tình Myanmar? - 2

Làn sóng biểu tình mới nhất ở Thái Lan nhen nhóm từ năm ngoái. (Ảnh: AP)

Người biểu tình phản đối bản hiến pháp này. Một số nhóm muốn hiến pháp cùng với các điều luật bầu cử được viết lại, dân chủ hơn và giảm vai trò của quân đội. Họ cũng muốn chính phủ từ chức sau đó và một cuộc bỏ phiếu mới sẽ được tổ chức.

Người biểu tình cũng yêu cầu bãi bỏ luật phỉ báng, quy định khắc nghiệt nhằm ngăn hoàng gia bị chỉ trích.

Các phong trào biểu tình ở Thái Lan cũng yêu cầu xem xét lại ảnh hưởng của hoàng gia. Họ đưa ra danh sách 10 yêu cầu bao gồm sự tách biệt rõ ràng giữa tài sản của quốc vương và tài sản thuộc Cục Tài sản Hoàng gia, một cơ quan quản lý tài sản cho cung điện bất kể ai đang ở trên ngai vàng. Ngoài ra còn có lời kêu gọi “giảm ngân sách quốc gia cấp cho nhà vua để phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước", vốn đang bị suy thoái do COVID-19. Những thay đổi được đề xuất khác muốn ngăn nhà vua bày tỏ quan điểm chính trị, ngăn nhà vua ủng hộ các cuộc đảo chính và thu hồi các đạo luật hình sự hóa việc xúc phạm nhà vua và các thành viên thân cận trong gia đình.

Chính phủ Thái Lan trước đó cho biết họ sẵn sàng thực hiện một số thay đổi đối với hiến pháp, nhưng quá trình này đã bị đình trệ tại quốc hội. Ông Prayuth ngoài ra đặt câu hỏi về nguồn tài trợ và tính hợp pháp của phong trào, nhưng cho biết cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha và 9 bộ trưởng chính phủ đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội trong ngày 20/2.

Phương Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp