Biệt danh 'siêu nhân' của thầy giáo có lời phê xì tin

Giáo dụcThứ Sáu, 08/11/2013 04:28:00 +07:00

Thầy Mai Thành Văn Nhân là một Bí thư đoàn năng động và được học sinh yêu quý dành tặng biệt danh “Super Nhân”.

Thầy Mai Thành Văn Nhân là một Bí thư đoàn năng động và được học sinh yêu quý dành tặng biệt danh “Super Nhân”.

Vừa qua, một bài kiểm tra Vật lý có lời phê “Nên mở cửa hàng thư pháp vào mùa xuân” kèm theo hình mặt cười đã khiến dân mạng rất thích thú. Chủ nhân của lời phê độc đáo này là một giáo viên Vật lý còn rất trẻ, thầy Mai Thành Văn Nhân (sinh năm 1987), trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu (Sa Đéc, Đồng Tháp).

Bài kiểm tra Vật lý có lời phê xì tin gây sốt dân mạng.
Bài kiểm tra Vật lý có lời phê xì tin gây sốt dân mạng. 
- Sau khi bài kiểm tra này được đăng tải lên mạng, các em học sinh có trao đổi lại với thầy?

- Lúc đầu các em chỉ thấy rằng tôi rất vui tính và muốn chia sẻ cho nhiều bạn khác biết nên đã đăng tải lên mạng. Nhưng sau khi nhận thấy dư luận trái chiều, các em học sinh cũng hơi lo lắng và trao đổi lại với tôi. Các em cũng điện thoai, nhắn tin xin lỗi vì lỡ đăng lên rồi, gỡ xuống không được. Một số khác thì băn khoăn liệu em và thầy có sao không? Là giáo viên, tôi không trách mắng mà động viên để các em yên tâm học tập.

- Đây có phải lần đầu tiên thầy sử dụng lời phê dí dỏm?

- Chuyện nhận xét này tôi đã làm nhiều lần, nhưng bình thường các bạn sẽ chỉ giữ lại làm kỷ niệm. Ví dụ, khi chấm bài một học sinh làm sai đơn vị, bên cạnh lời nhận xét tôi còn vẽ một hình mặt nhăn. Đó là cách tôi truyền tải thái độ đối với các em.

Khi áp dụng cách nhận xét này, tôi cảm thấy các em vừa cảm thấy thoải mái và chắc chắn sẽ nhớ lâu hơn. Bởi đối với tuổi trẻ, các em thường không thích những lời phê sáo rỗng hay theo khuôn khổ mà thích điều gì đó đặc biệt.

Thông thường, nếu học sinh bị điểm kém, tôi rất ít khi nhận xét. Nhưng tôi sẽ dành ra một ít phút trước khi dạy bài mới, kể một câu chuyện về hậu quả của việc không biết phấn đấu trong học tập. Nhiều lần, những câu chuyện của tôi khiến các em rơi nước mắt và đã sửa đổi.
Thầy Mai Thành Văn Nhân.
Thầy Mai Thành Văn Nhân. 
- Phương pháp dạy học của thầy là gì?

- Trong những giờ dạy bình thường, tôi nói chuyện tương đối gần gũi, thân thiện với các em. Tôi thường dùng ngôn ngữ của các em ở một mức độ vừa phải để giảng bài, nên học sinh dễ tiếp thu và phản hồi tích cực.

 
Do rất gần gũi với học trò, nên các em thường gọi tôi là “anh hai super” hoặc thầy Super Nhân
Thầy Mai Thành Văn Nhân
 
Tôi thường dạy học bằng cách dẫn dắt vấn đề vào những hiện tượng gần gũi với các em trong cuộc sống một cách hóm hỉnh. Chính điều đó đã khơi dậy sự tò mò cho các em và khiến giờ học luôn sôi nổi.


Chẳng hạn, một bài tập nói về lực hấp dẫn, trong đó có các hành tinh, ngôi sao chuyển động xung quanh mặt trời. Tôi liên hệ đến việc hình thành các cung hoàng đạo - một điều mà các em học sinh hiện nay rất thích, từ đó dẫn dắt vào bài học.

Mặc dù hài hước là bản tính, nhưng khi dạy học tôi cũng rất nghiêm túc. Học sinh vẫn nói rằng tôi rất khó tính nhưng tâm lý, gần gũi, học ra học, chơi ra chơi. Mỗi giờ kiểm tra của tôi là một giờ khủng khiếp đối với các em học sinh.

Để hiểu được tâm lý của học sinh, tôi cũng sử dụng mạng xã hội, tìm hiểu các em đang muốn gì, nói chuyện với nhau như thế nào.

Quan điểm dạy học của tôi hướng tới hai mục tiêu giúp học sinh nắm được kiến thức và dạy các em trở thành một thanh niên nghiêm túc theo nghĩa đen.

- Tại sao anh chọn nghề giáo để theo đuổi?

- Do truyền thống gia đình, ba và chú đều là giáo viên nên ngay từ nhỏ đã định hướng cho tôi đi theo con đường này. Hơn nữa, thời học sinh, tôi cũng được học một giáo viên rất dí dỏm, truyền đạt nhẹ nhàng, gần gũi. Từ đó, bản thân tôi cũng muốn được trở thành một người thầy giáo như vậy.

- Là một thầy giáo vui tính, chắc hẳn anh được học sinh rất yêu quý?

- Nói chung, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu rất năng động và dành nhiều tình cảm cho các thầy cô giáo.

Một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi đó là do đảm nhận công tác đoàn nên phải giảm lớp dạy. Khi biết được tin này, các em học sinh đã làm tiệc chia tay, thậm chí còn có cả MC dẫn chương trình. Hôm đó, các em đã khóc khiến tôi cảm thấy rất xúc động và hạnh phúc.

Đến nay, những em học sinh đầu tiên, các em dù đã ra trường nhưng vẫn thường xuyên trò chuyện với tôi và hỏi thăm về trường qua mạng xã hội.

Do rất gần gũi với học trò, nên các em thường gọi tôi là “anh hai super” hoặc thầy Super Nhân.
Học sinh đã dành tặng cho thầy giáo đặc biệt này biệt danh "Super Nhân".
Học sinh đã dành tặng cho thầy giáo đặc biệt này biệt danh "Super Nhân". 
- Một sự kiện quan trọng trong tháng 11 đó là hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình trong ngày này?

- Các món quà của học sinh không có giá trị vật chất mà chủ yếu là một bài hát, cành hoa nhưng điều đó luôn khiến tôi vui.

Tôi vẫn còn nhớ những món quà như một chai nước khoáng, bánh kéo, hay bó hoa mà các em tự làm để tặng mình. Thậm chí, một tập thể lớp đã đứng xếp hàng sẵn hai bên chờ Nhân vào và hát chúc mừng. Mỗi dịp 20/11 các em đều có những trò khiến tôi rất ngỡ ngàng.

- Ngoài công việc giảng dạy, anh còn đảm nhận vai trò gì?

- Tôi chưa có gia đình, ngoài công việc giảng dạy tôi còn đảm  nhận vai trò bí thư đoàn trường. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động cho học sinh gắn liền với chủ điểm tháng. Trong tháng 11 này, trường sẽ tổ chức cắm hoa, hội thi văn nghệ hoành tráng cho các em. Tiêu chí của trường đó là yêu cầu các em vừa phải học tập, vừa phải năng động.

Bên cạnh đó, tôi gần gũi  như anh trai của học sinh, nên các bạn cũng hay chia sẻ tâm sự những khó khăn trong cuộc sống. Từ chuyện làm thế nào để trị tính làm biếng, thậm chí đến chuyên gia đình, tình cảm các em cũng chia sẻ và hỏi ý kiến tôi.

Nhà trường cũng đã thành lập câu lạc bộ tư vấn tâm lý và sức khỏe sinh sản để giúp các em gỡ rối những vấn đề trong cuộc sống.




Theo An Hoàng/ Tri Thức
Bình luận
vtcnews.vn