Biến hội chọi trâu thành 'chợ' kinh doanh vé, giấy mời?

Thời sựChủ Nhật, 15/09/2013 11:35:00 +07:00

(VTC News) - Ngoài việc kinh doanh vé xem chọi trâu, các "phe vé" còn kiêm luôn việc bán giấy mời của Ban tổ chức với giá dao động từ 200-300.000 đồng/tờ.

(VTC News) - Ngoài việc kinh doanh vé xem chọi trâu, các "phe vé" còn kiêm luôn việc bán giấy mời của Ban tổ chức với giá dao động từ 200-300.000 đồng/tờ.  

Sáng 13/9, vòng chung kết Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2013 được tổ chức tại Sân vận động quận Đồ Sơn, với sự tham gia của 16 "ông trâu" giành chiến thắng tại vòng loại năm 2013.

Đây là lễ hội chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, vào cuối năm 2012 vừa qua.

Tuy nhiên, tại vòng chung kết năm nay, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bị biến thành "chợ" kinh doanh giấy mời và vé, khán giả mất tiền mua nhưng lại chỉ được xem... người.  

Giấy mời của quận được "tuồn" ra bán?  

Ngay từ các điểm gửi xe, hay trên đường dẫn vào cổng Sân vận động quận Đồ Sơn nhóm phóng viên thấy xuất hiện những "phe vé", cầm hàng chục chiếc vé trên tay. Những loại vé này theo "giá nhà nước" in trên vé chỉ 100.000 đồng, tuy nhiên, qua tay họ đã hét lên đến 150.000 đồng - 200.000 đồng/vé.


hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, 'ông trâu', 'phe vé'
Giấy mời của quận cũng được các "phe vé" mang ra bán - Ảnh Minh Khang 

Điều đặc biệt, không chỉ có vé xem chọi trâu, các "phe vé" còn mang cả giấy mời của Ban tổ chức ra để bán, với lý do "họ được mời nhưng không đi xem" nên mới đem đi bán, với giá giao động từ 200.000 - 300.000 đồng tùy theo vị trí ngồi. Trong đó, có cả giấy mời để trống tên người được mời.
hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, 'ông trâu', 'phe vé'
Tấm giấy mời để trống tên người được mời, do ông Hoàng Trung Hiếu - PCT UBND quận Đồ Sơn ký - Ảnh Minh Khang  

Khi chúng tôi hỏi lý do, các "phe vé" cho biết, họ mời nhiều nên đến ai thì người đó tự ghi vào thôi, rằng "người ta mời đông quá, người ta chỉ đề kính gửi thôi". Thấy chúng tôi băn khoăn xem vé thật hay giả, một "phe vé" khác nói: "Giấy mời chính hãng, ngồi ở khán đài A3 đấy. Yên tâm đi bác ơi, có mỗi một đôi vé người ta thừa không đi được nên để lại cho em".

Để ý một số "phe vé" chào mời rất "chuyên nghiệp", nếu đi một người thì họ nói em có 1 vé, nếu đi 2-3 người thì xòe ra 2-3 vé và nói "em chỉ có 2, 3 vé thôi".  

Mua vé, mua giấy mời chỉ để xem... người

Một cán bộ quận Đồ Sơn cho biết, Sân vận động Đồ Sơn hiện tại có sức chứa khoảng 2 vạn người, được thiết kế xây dựng bởi các bậc xi măng để khán giả ngồi hàng dài xem chứ không có ghế riêng biệt.

Theo quan sát của chúng tôi, tại vòng chung kết năm nay, toàn bộ các khán đài đều chật kín người, thậm chí không có chỗ ngồi mà hầu hết là đứng xem. Phía dưới là hành lang dành cho các phóng viên tác nghiệp, Ban tổ chức và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, được ngăn bằng hàng rào sắt giữa sân thi đấu với người xem.

Tuy nhiên, nơi đây hàng nghìn khán giả đã tràn đứng chen lấn ngay sát hàng rào sắt trước sự bất lực của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ sân.
hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, 'ông trâu', 'phe vé'
Ông Hoàng Trung Hiếu - PCT UBND quận Đồ Sơn cũng phải "ra tay" làm thay lực lượng chức năng để đảm bảo trật tự nhưng vẫn không xuể- Ảnh Minh Khang 

Ở những năm trước, các "ông trâu" đuổi nhau phi qua cả hàng rào sắt ra ngoài hành lang. Rất may, trong trận chung kết này đã không xảy ra tình trạng tương tự, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.
hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, 'ông trâu', 'phe vé'
 Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các "ông trâu" vượt rào sắt phi ra ngoài hành lang như năm 2012? - Ảnh Minh Khang

Những khán giả vào sớm, được ngồi hoặc đứng trên các hàng ghế ở khán đài còn có thể quan sát xuyên suốt trận đấu. Tuy nhiên, hàng nghìn người vào sau và nhất là đứng ở dưới hành lang của sân chỉ còn biết đứng xem... người với người chứ không thể xem được các "ông trâu" giao tranh.

Như vậy, đồng nghĩa với việc hàng ngàn khán giả đã mất tiền mua vé, thậm chí mua cả giấy mời do các "phe vé" bán lại với giá "cắt cổ" nhưng chỉ được xem người. Một người dân bức xúc nói: "Chưa năm nào xem chán như năm nay".
hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, 'ông trâu', 'phe vé'
Nhiều khán giả không đủ sức chen chân vào sát rào sắt xem - Ảnh Minh Khang 

Theo quan sát của chúng tôi, mới khoảng hơn 9 giờ sáng (khi mới diễn ra 4-5 kháp đấu), hàng đoàn người đã lũ lượt ra về với vẻ mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại và thất vọng.

Ông Phạm Văn Hoàn, 59 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, ông xuống Đồ Sơn từ chiều hôm trước, mua ngoài "chợ giời" một tấm vé với giá 150.000 đồng. Tuy nhiên, ông xem được 4 kháp đấu xong phải tìm cách ra về bởi không có chỗ đứng xem, trời thì nóng, người xem chen lấn nhau không thể chịu nổi để có thể xem tiếp 11 kháp đấu nữa.

Theo nhận xét của ông Hoàn, khâu tổ chức cho khán giả vào sân quá kém, tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau diễn ra phổ biến; mạnh ai nấy làm. Nhiều người nhảy qua cả hàng rào bảo vệ ngay trước mặt cảnh sát nhưng Ban tổ chức không có động thái nào.
hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, 'ông trâu', 'phe vé'
Nếu các 'ông trâu' phi ra ngoài hàng rào, khán giả sẽ chạy đi đâu? - Ảnh Minh Khang 

Để xảy ra tình trạng này, một câu hỏi được đặt ra là liệu Ban tổ chức có phát hành vé và giấy mời vượt quá sức chứa của sân hay không? Nếu có, mục đích chính là để người dân được thưởng thức một lễ hội chọi trâu tầm cỡ quốc gia hay mở ra để kinh doanh vé, giấy mời?

Việc hàng nghìn khán giả chen lấn tại các vị trí không an toàn, thậm chí chen lấn, giẫm đạp nhau do sân vận động vượt quá sức chứa liệu có vi phạm các quy định trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao?

Chiều cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo quận Đồ Sơn để tìm hiểu thông tin để rộng đường dư luận nhưng bất thành vì lãnh đạo cáo bận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả khi có câu trả lời từ lãnh đạo quận Đồ Sơn.  

Minh Khang

Bình luận
vtcnews.vn