Biển Hoa Đông lại dậy sóng

Thời sự quốc tếThứ Năm, 23/09/2010 07:16:00 +07:00

(VTC News) - Không chỉ quan hệ Trung - Nhật trở nên căng thẳng mà ngay cả hiệp định năm 2008 cũng bắt đầu đi chệch quỹ đạo.

(VTC News) – Nếu Tokyo không nhanh chóng thả Chiêm Kỳ Hùng theo yêu cầu của Bắc Kinh, kỳ nghỉ quốc khánh Trung Quốc trong 2 tuần tới sẽ là thời điểm dễ xảy ra các cuộc biểu tình quy mô lớn chống Nhật Bản…

2 năm trước, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc dường như “tan băng” sau những nỗ lực của cả hai phía. Trong chuyến thăm Nhật Bản của ông Hồ Cẩm Đào – Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 5/2008 hai bên đã ký kết một hiệp định nhằm xây dựng biển Hoa Đông thành vùng biển hòa bình và hữu nghị.

Tàu cá Trung Quốc bị hai tàu tuần tra của Nhật Bản khống chế, bắt giữ. 

Tuy nhiên, trên thực tế, suốt hai năm qua Hoa Đông dường như không mấy khi trời yên bể lặng như những gì người Nhật Bản và Trung Quốc trông đợi.

Vùng biển Hoa Đông có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản rất giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều đã thống nhất gác lại tranh chấp, cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở đây.

Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, những mong muốn đó mới chỉ dừng lại ở trên giấy, thay vì trở thành vùng biển hòa bình và hữu nghị, biển Hoa Đông lại đang dậy sóng.

Đúng lúc Tokyo đang lo lắng trước động thái của Bắc Kinh tăng cường khai thác dầu khí thềm lục địa vùng biển tranh chấp, sự kiện tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản theo cáo buộc của Tokyo như giọt nước tràn ly.

Không chỉ quan hệ Trung -  Nhật trở nên căng thẳng mà ngay cả hiệp định năm 2008 cũng bắt đầu đi chệch quỹ đạo.

Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo trong buổi gặp Hoa kiều tại Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc đã lớn tiếng cảnh báo, nếu Tokyo không lập tức thả thuyền trưởng Trung Quốc vô điều kiện thì Bắc Kinh sẽ sử dụng biện pháp mạnh và Nhật Bản sẽ phải trả giá.

Trước đó, giới chức Bắc Kinh đã năm lần bảy lượt triệu Đại sứ Nhật Bản đến yêu cầu thả thuyền trưởng và tàu cá Trung Quốc vô điều kiện, người Nhật lắng nghe, còn việc xử lý thế nào họ đang có những tính toán của riêng họ. Giới quan sát quốc tế cũng không có thông tin gì hơn ngoài việc chờ đợi phản ứng của Tokyo.

Trên thực tế, căng thẳng Trung – Nhật xung quanh sự kiện này nói riêng, tranh chấp chủ quyền lãnh hải nói chung mới chỉ dừng ở “khẩu chiến”. Giới chức Bắc Kinh hẳn còn nhớ năm 2005 nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc nổ ra hoạt động biểu tình chống Nhật Bản và họ đã phải đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát tình hình.

Cuối tuần qua, xung quanh Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã được lực lượng cảnh sát Trung Quốc bảo vệ nghiêm ngặt đề phòng hoạt động biểu tình quy mô nhỏ có thể bùng phát thành những cao trào.

Tuy nhiên, nếu Tokyo không nhanh chóng thả Chiêm Kỳ Hùng theo yêu cầu của Bắc Kinh, kỳ nghỉ quốc khánh Trung Quốc trong 2 tuần tới sẽ là thời điểm dễ xảy ra các cuộc biểu tình quy mô lớn chống Nhật Bản.

Thuyền trưởng ngư thuyền Trung Quốc vẫn bị phía Nhật Bản bắt giữ, có thể khởi tố. 

Nhà chức trách Trung Quốc không muốn những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trong suốt 3 năm qua tan thành mây khói trong chốc lát, nhưng họ cũng không thể né tránh sự chỉ trích của dư luận trong nước về thái độ nhân nhượng quá mức đối với Nhật Bản.

Rõ ràng những tuyên bố nghe có vẻ cứng rắn của Bắc Kinh không “dọa” nổi Tokyo, nhưng một điều dễ nhận thấy là sự tranh chấp chủ quyền ở vùng biển chồng lấn trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với quan hệ song phương.

Không phải tới khi xảy ra vụ đụng tàu biển Hoa Đông mới dậy sóng. Còn nhớ tháng 4 năm nay một chiếc trực thăng quân sự Trung Quốc áp sát một chiếc khu trục hạm của Nhật Bản với khoảng cách chỉ tầm 90 mét đã dấy lên những chỉ trích ngoại giao từ cả hai phía.

Năm 2010, 2 lần người Nhật Bản cảm thấy bất an khi chiến hạm Trung Quốc vượt qua eo biển Nhật Bản ra Thái Bình Dương khi hải quân nước này triển khai tập trận tác chiến biển xa.

Tokyo chỉ trích Chiêm Kỳ Hùng đã cố tình cho tàu cá của mình đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản và đang tính tới một khả năng khởi tố bị can đối với thuyền trưởng Trung Quốc. Lần này, người Nhật đã chụp lại toàn bộ quá trình xảy ra vụ việc và có vẻ như họ tin vào chứng cứ của mình thay vì tỏ ra bối rối và sau đó phải xin lỗi trong vụ đâm chìm tàu cá Liên Hợp của Đài Loan năm 2008.

Một quan chức ngoại giao Nhật Bản nhận định, Bắc Kinh đang cân nhắc tình hình xem có thể “ép” Tokyo nhanh chóng đưa ra một giải pháp mang tính chính trị hay không. Sự cân nhắc ấy xuất phát từ mối lo lắng sự kiện này nếu không xử lý khéo có thể dẫn đến những phản ứng gay gắt từ phía người dân Trung Quốc.

“Họ (chỉ chính phủ Trung Quốc) đã học được rất nhiều từ sự kiện biểu tình chống Nhật Bản năm 2005…, đặc biệt là những nguy cơ và rủi ro từ phản ứng của dân chúng.” – quan chức này nhận định.

Như vậy, có thể thấy việc phóng thích thuyền trưởng Trung Quốc sẽ là sự kết thúc của cao trào căng thẳng, nhưng chắc chắn sự kiện này sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Hoa Đông của hai phía. Trong một tương lai gần, biển Hoa Đông khó tìm thấy bình yên.

Hồng Vũ (Theo báo Liên Hợp – Singapore, Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn