BIDV có Tổng Giám đốc mới sau hơn 2 năm

Đầu TưThứ Bảy, 13/03/2021 07:31:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Lê Ngọc Lâm, phó tổng giám đốc, người gắn bó với BIDV 23 năm, vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc sau hai năm vị trí này để trống.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) vừa công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong ban Tổng Giám đốc ngân hàng từ ngày 12/3.

Theo đó, ông Lê Ngọc Lâm được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra cùng ngày, ông Lâm cũng được bầu tham gia Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.

Ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ, trên cương vị mới sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Hội đồng quản trị và Ban Điều hành BIDV lãnh đạo, điều hành hoạt động của BIDV bảo đảm an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

BIDV có Tổng Giám đốc mới sau hơn 2 năm - 1

Ông Lê Ngọc Lâm được bổ nhiệm Tổng giám đốc BIDV.

Theo giới thiệu từ ngân hàng BIDV, ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975 và đã có hơn 23 năm gắn bó với hoạt động của BIDV.

Cụ thể, ông gia nhập BIDV từ năm 1997, công tác tại trụ sở chính ngân hàng. Đến tháng 3/2009, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Ban quản lý rủi ro tín dụng. Từ tháng 10/2010, ông là Phó Giám đốc Sở Giao dịch 1 ngân hàng BIDV và đến tháng 4/2012, được bổ nhiệm là Giám đốc Ban quản lý rủi ro tín dụng.

Tháng 4/2013, ông là Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc BIDV từ ngày 15/1/2015.

Tháng 11/2018, sau khi ông Phan Đức Tú được miễn nhiệm vị trí Tổng Giám đốc BIDV để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Lâm cũng được bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành ngân hàng.

Như vậy, sau hơn 2 năm kể từ khi đảm nhiệm vai trò phụ trách ban điều hành, ông Lâm đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc BIDV. Sự kiện này cũng kết thúc chuỗi thời gian hơn 2 năm BIDV khuyết danh Tổng Giám đốc.

BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ hai hệ thống tính đến cuối năm 2020 với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là gần 81%. Cổ đông lớn tiếp theo là KEB Hana Bank với tỷ lệ sở hữu 15%. Nhà băng này dự kiến phát hành thêm 8,5% cổ phần bằng cách chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ, bên cạnh phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng 12-15%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bảo đảm tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, tăng 10-12%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỉ đồng, phù hợp với diễn biến của thị trường, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid. Tỉ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020...

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn