Bí thư xã và lời thề 'trời tru đất diệt'

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 06/02/2014 11:24:00 +07:00

(VTC News) - "Ai đụng đến Quỹ hưu nông dân một cách bất chính, dù chỉ một đồng thì trời tru, đất diệt”.

Ông Quang Văn Thỉnh – người 27 năm liên tiếp làm Bí thư xã Thanh Văn. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Thanh Văn, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội là xã đầu tiên và duy nhất trong cả nước trả lương hưu cho nông dân, với mức hiện nay 400.000 đồng/người/tháng. Bí thư xã Quang Văn Thỉnh – người giữ kỷ lục 27 năm liên tiếp làm bí thư xã – tự hào cho biết, từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân xã giờ đã lên tới 46,7 tỷ đồng.
Ông cũng là người cùng tập thể lãnh đạo xã, đứng trước bàn dân thiên hạ, dõng dạc tuyên thề: “Chúng tôi xin thề: Ai đụng đến Quỹ hưu nông dân một cách bất chính, dù chỉ một đồng thì trời tru, đất diệt”.
    Lời thề Thanh Văn
    Hội trường hôm ấy bỗng lặng đi sau lời thề, bởi qua thời gian, người dân đã hoàn toàn tin vào ban lãnh đạo xã. Còn với lãnh đạo Thanh Văn, đồng tiền dễ khiến con người nảy lòng tham, nên ngoài việc quản lý chặt chẽ, đã quyết định “soạn” lời thề độc đó.
    Một không khí trầm hùng như cảnh người xưa dõng dạc tuyên thề trước quần hùng, dân chúng và trời đất. Chẳng cần cam đoan, cam kết bằng giấy trắng mực đen làm, những lời nói tưởng như “gió thoảng, mây trôi” như thế lại có sức mạnh vô cùng, bởi được đưa ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đông đảo nhân dân và giữa trời đất.
    Năm nay là năm thứ 3 hội thề ấy diễn ra trang trọng tại hội trường xã Thanh Văn, vào ngày 1.1 dương lịch hàng năm. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Quỹ.
    46,7 tỉ đồng chứ có ít đâu, đó là tiền bạc và công sức gây dựng của nhân dân xã Thanh Văn suốt cả chục năm qua, với biết bao khó khăn thách thức. Hơn nữa, số tiền của Quỹ sẽ còn tăng lên nhiều nữa, bởi khởi đầu Quỹ chỉ có vài tỉ, mà lòng tham của con người thì vô đáy.
    Từ mức lương hưu ban đầu 100.000 đồng/người/tháng, rồi tăng dần và đến nay lên 400.000 đồng/người/tháng là một sự phấn đấu, tính toán không biết mệt mỏi của lãnh đạo và người dân xã Thanh Văn – xã một thời từng thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Hà Tây cũ.
    Niềm vui của những người nông dân được nhận lương hưu. (Ảnh: Phạm Hùng)
    Với mức đóng 20.000 đồng/người/tháng, và đóng đủ số năm nhất định, mỗi tháng, người 60 tuổi trở lên được hưởng mức lương hưu trên, theo một bậc cao niên trong xã, cũng là rất “ấm” ở làng quê.
    Ngày lĩnh lương, cả xã rộn ràng bởi tiếng loa thông báo và từng tốp người hồ hởi ra UBND xã nhận những đồng lương hưu mà cả đời họ chưa bao giờ nghĩ tới.
    “Bây giờ đi ăn giỗ, ăn cưới, nhiều cụ chúng tôi không phải xin tiền của con cái nữa. Thậm chí, còn có tiền cho các cháu mua quà bánh” – cụ Phạm Thị Nhật chia sẻ.
    Hiện, cả Thanh Văn có khoảng 600 nông dân được hưởng lương hưu từ Quỹ trên. Ngoài ra, còn có trên 1.000 nông dân khác tham gia đóng quỹ để đủ tuổi được hưởng lương hưu.
    Với những người chưa đến tuổi nhận lương hưu thì hàng năm được Quỹ tài trợ chuyến đi du lịch dài ngày; hoặc ngoài quà, còn được “lì xì” 500.000 đồng/người vào dịp tết.
    Tết dương lịch 2014, cả xã Thanh Văn như ngày hội khi bà con cùng nhau mổ 4 tấn lợn để chia cho khoảng 7.000 nhân khẩu trong xã. Tiền mua số thịt lợn đó được trích từ Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã. Ở ngoài hội trường UBND xã, lời thề độc “không được tơ hào đến cắc bạc của dân” lại vang lên, trước sự chứng kiến của các bậc cao niên, của đông đảo người dân.
    Người giữ kỷ lục làm bí thư xã
    Tóc bạc trắng, năm nay 74 tuổi, ông Quang Văn Thỉnh có lẽ là thuộc diện người làm bí thư cấp xã lâu nhất trong cả nước, với 27 năm liên tiếp tính đến thời điểm này.
    Ở rất nhiều kỳ đại hội đảng bộ xã trước đây, ông xin rút, nhưng người dân không đồng ý. Đôi ba lần về Thanh Văn, tôi đã “lén” đi xác thực điều này và biết đó là sự thật, bởi chữ tín của ông trong dân còn rất cao.
    Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã Thanh Văn, hay còn gọi một cách dân dã, dễ hiểu “Quỹ lương hưu nông dân”, là “con đẻ”, được ông “thai nghén” từ hàng chục năm nay, dù ban đầu đã thất bại…
    Ông là người bộc trực, thẳng thắn đến độ làm mất lòng nhiều người, kể cả cấp trên, tất cả đều vì lợi ích chung. Ông có thể ngồi hàng giờ trò chuyện với người, dù chỉ là thứ dân, nhưng “hợp cạ”, và khéo léo từ chối họp hành, gặp gỡ với cả lãnh đạo cấp trên chỉ vì không cùng quan điểm.
    Ông chẳng giấu diếm với thiên hạ rằng mình rất giàu: có xe hơi, có nhà to, trong có cả bể bơi, có hàng tỉ đồng gửi ngân hàng…, bởi người dân biết ông có tài kinh doanh, buôn bán từ thời thanh niên.
    Ông kể với tôi đủ chuyện, từ chuyện ngày thanh niên lóc cóc xe đạp lên tận Đại Từ, Thái Nguyên để buôn chè về quê bán, rồi chuyển sang sửa chữa xe máy, đến chuyện thầu xây dựng…Tiền và kinh nghiệm làm ăn kinh tế ông tích lũy được từ những ngày tháng ấy. Ông bảo ông không khoe tài sản, mà chỉ là công khai để dân biết, và biết đâu khích lệ thêm ý chí làm giàu của dân.
    Có lẽ, ông cũng là lãnh đạo xã đầu tiên mà tôi gặp dõng dạc nói “Không” với công nghiệp. Ông tuyên bố thẳng thừng: “Thanh Văn không làm công nghiệp, nếu có thì chỉ công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp”.
    Thời điểm bất động sản còn có giá, nhiều nhà đầu tư về xin đất để chia lô, bán nền đều bị ông từ chối, với lý lẽ “Cứ hỏi dân, nếu dân gật đầu thì lãnh đạo đồng ý”. “Tôi còn bảo, nếu muốn xin đất đầu tư bất động sản thì cho dân tôi góp cổ phần bằng đất. Nói thế, họ chạy “mất dép”, vì cho dân góp cổ phần thì còn lời lãi gì” – ông cười.
    Nhiều doanh nghiệp xin đất đầu tư phân xưởng, nhà máy sản xuất cũng bị ông từ chối, vì “Công nghiệp mà chỉ sản xuất ra mấy cái que kem, mấy cái kẹo mút thì chỉ tổ ô nhiễm, mà chẳng thay đổi được cục diện chất lượng cơ cấu kinh tế, trong khi dân lại mất đất”.
    Bài học nhãn tiền từ các xã lân cận và các tỉnh, thành trong cả nước cho đã cho ông thấy điều đó. Vì thế, ông bảo, Thanh Văn không ham làm công nghiệp kiểu đó. “Nâng tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của xã mà lợi bất cập hại thì làm làm gì” – Bí thư Quang Văn Thỉnh thẳng thắn nói – “Tuy nhiên, chúng tôi luôn chào mời, sẵn sàng tạo điều kiện hết mức đối với các dự án công nghệ xanh, sạch.”
    Điều đó lý giải vì sao, đến giờ Thanh Văn vẫn không có một nhà máy, một KCN nào, dù rằng vị trí không cách xa quốc lộ 1 và các tuyến tỉnh lộ khác bao xa.
    Trái lại, Thanh Văn đang đi theo hướng công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp. Xã đã mạn dạn đầu tư hiện đại hóa toàn bộ giao thông nông thôn, trong đó có các tuyến đường ra các cánh đồng, cùng với việc kéo điện 3 pha ra tận ruộng. Theo ông Thỉnh, tổng số vốn đầu tư cho chủ trương này lên tới cả ngàn tỉ đồng, nhưng do người dân tự đầu tư, xây dựng, giám sát, kiểm tra…nên chi phí giảm, chất lượng tăng.

    Hỏi, nếu dân vẫn tín nhiệm, ông có ở lại làm bí thư xã thêm một nhiệm kỳ nữa không, ông khẳng định “Không”. Vậy không có ông, liệu lời thề độc trên có còn…độc? Ông tin rằng, với nền tảng hiện nay: cả lòng dân và đội ngũ lãnh đạo đương thời cũng như lớp kế cận, Thanh Văn vẫn sẽ tiếp bước con đường đã chọn. 

    Bình luận
    vtcnews.vn