Bí thư huyện đào hầm xuyên núi để làm gì?

Thời sựThứ Tư, 23/03/2016 05:25:00 +07:00

Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã đào một căn hầm xuyên núi.

Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã đào một căn hầm xuyên núi.

Sáng 23/3, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ cử người đi kiểm tra căn hầm của ông Bríu Liếc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).

Theo vị lãnh đạo này, việc đào hầm xuyên núi như báo chí đưa tin cần phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp chưa được chấp thuận nhưng vị Bí thư Huyện ủy tự ý đào hầm là việc làm sai phạm.

Địa đạo của vị Bí thư Huyện ủy nhìn từ phía trong ra ngoài
"Địa đạo" của vị Bí thư Huyện ủy nhìn từ phía trong ra ngoài 

Theo người dân, việc đào hầm đã được ngưng cách đây ít tháng, vào thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và khi có đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lên làm việc với huyện.

Do tình trạng khai thác vàng trái phép đang xảy ra ồ ạt ở địa phương này nên một số người dân cho rằng đường hầm được đào nhằm mục đích tìm kiếm vàng.

Tuy nhiên, ông Bríu Liếc phủ nhận việc đào núi để khai thác vàng mà cho rằng việc đào hầm này là để chứa rượu khi ông về hưu. Ông Liếc thừa nhận ông đào căn hầm từ năm 2009, đến nay vẫn chưa xong. Ông Liếc cũng khẳng định rằng khu vực đất này là đất của ông và việc đào hầm xuyên núi không hề vi phạm.
Căn hầm có nhiều ngóc ngách
Căn hầm có nhiều ngóc ngách 
Bóng đèn điện được kéo vào bên trong
Bóng đèn điện được kéo vào bên trong 

Trong khi đó, ông Zơ Râm Buôn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang, lại nói ông chưa hề biết thông tin gì về việc đào hầm của ông Liếc. Điều này chứng tỏ ông Liếc chưa hề xin phép cơ quan chức năng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, căn hầm của ông Liếc đào ở ngay ngọn đồi phía sau nhà. Do nằm sát con đường nhựa nên được ông Bríu Liếc dùng bạt che lại. Căn hầm này đã được thông nên khi đứng ở miệng hầm gần con đường nhựa vẫn cảm nhận được có gió thổi từ phía bên kia miệng hầm sang.

Di chuyển vào trong, căn hầm chẳng khác gì một địa đạo. Chiều cao căn hầm chừng 2m, rộng khoảng 1,5 m, đủ sức để chứa cả hàng trăm người. Phía bên trong hầm được đào thành nhiều ngõ ngách khác nhau. Một dây điện và một bóng đèn được kéo vào trong hầm để thắp sáng. Trong hầm vẫn còn một chiếc xe rùa dùng để chuyển đất đá và một số vật dụng khác. Theo quan sát, căn hầm này có nhiều chỗ mọc rêu xanh, chứng tỏ đã được đào từ khá lâu.

Nguồn: Người lao động
Bình luận
vtcnews.vn