Bí thư Hà Nội: 'Gửi cái xe máy mất 200 nghìn, ô tô mất 500 nghìn, đau đớn lắm!'

Thời sựThứ Bảy, 09/03/2019 19:56:00 +07:00

“Các đồng chí nói về chỗ đỗ xe, giá trông giữ xe. Cái này là cái đau đớn lắm. Có khi gửi cái xe máy mất 200 nghìn. Gửi ô tô mất 500 nghìn”, Bí thư Hà Nội nói.

Đau đớn lắm

Sáng 9/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở GTVT Hà Nội. Ông Hải cho biết, thời gian qua, không nghe thấy phàn nàn về thủ tục hành chính của ngành giao thông, hoặc có nhưng chưa nghe thấy. “Cơ bản là không thấy có lời phàn nàn nào. Đấy là một nỗ lực”, ông Hải đánh giá.

Ông Hải cho biết, Hà Nội còn 33 điểm ùn tắc, trong khi thành phố mỗi năm có trên 2.000 sự kiện lớn, nhỏ. Vì thế, ngành giao thông phải thường xuyên vất vả xử lý các vấn đề giao thông, điểm ùn tắc, điểm đen, điểm nóng. Ông Hải đánh giá, trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, giao thông Hà Nội đã làm tốt, người dân có ý thức tốt.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết, vấn đề ùn tắc giao thông vẫn là “trăn trở của tất cả anh em giao thông”. Ai ra đường cũng thấy. Bản thân ông Hải từng nhận được nhiều điện thoại của người dân phàn nàn về việc đi đường vành đai mà 3 – 5 tiếng mới về đến nhà.

hn9-3

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Hải nhấn mạnh, hiện nay, Hà Nội đã có trên 6,5 triệu phương tiện, ngoài ra có thêm 2 triệu phương tiện từ bên ngoài vào, chưa kể lượng phương tiện của lực lượng quân đội...

Trong khi xu thế còn tăng lên do kinh tế phát triển, thu nhập người dân cải thiện, các phương tiện giảm giá do hội nhập, ngày càng đe dọa đến hạ tầng giao thông.

Ông Hải cũng lưu ý, dù an toàn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn còn nhiều vụ tai nạn, nhiều người thương vong, cần phải tiếp tục giảm xuống.

“Quản lý các xe taxi, xe hợp đồng vẫn còn rất lộn xộn. Hay là các đồng chí nói về chỗ đỗ xe, giá trông giữ xe. Cái này là cái đau đớn lắm. Các đồng chí đều biết rồi. Có khi gửi cái xe máy mất 200 nghìn. Gửi ô tô mất 500 nghìn.

Có ý kiến là 5 lần thì mới cấm nhưng cứ 3 lần là các đồng chí hoàn toàn có thể rút giấy phép, mà rút giấy phép vĩnh viễn. Bởi vì làm thế là anh đã vi phạm đạo đức kinh doanh.

Dứt khoát các đồng chí phải làm cái việc này. Tình trạng này chúng ta làm mấy năm nay rồi. Cứ có đoàn đi thì phát hiện nhưng sau lại đâu vẫn hoàn đấy. Đây là việc mà kiên quyết giải quyết”, ông Hải nhấn mạnh.

Tiếp xúc với dân phải đạt chuẩn

Ông Hải cũng nêu về vấn đề phân lại luồng tuyến, đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động đối thoại, trao đổi, hướng tới lợi ích chung.

“Trước hết là phải được người dân ủng hộ, các doanh nghiệp vận tải ủng hộ, thấy cách làm của chúng ta hợp lý. Có thể một số Cty, đơn vị có phản ứng, nhưng vì lợi ích chung thì phải như vậy”, ông Hải nói, đồng thời cho biết, ở một thành phố 10 triệu dân mà không vì mục tiêu, lợi ích chung thì không đạt được sự đồng thuận.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu kinh nghiệm, phải quan tâm hơn đến những đối tượng bị tác động bởi chủ trương, chính sách của thành phố.

“Khi anh đã phải đương đầu với dư luận, với báo chí, phải đương đầu với xã hội rồi thì lúc đó anh thấy tôn trọng lợi ích của các đối tượng liên quan hơn.

Không có chuyện chỉ viết văn bản cho nó sướng tay, mà mình phải đặt mình vào vị trí bị tác động. À như thế hợp lý không? Cái gì lợi ích cho người dân? Lợi ích người dân ở đâu? Có khó đến mức đó không? Có thực hiện được không?”, ông Hải nêu.

Ông Hải cho rằng, một trong những nhiệm vụ của Sở GTVT là phải hình thành được nét văn hóa giao thông của Hà Nội.

“Người dân chưa hiểu, làm chưa đúng, còn những hành vi vi phạm thì lỗi của mình trước. Đó là do công tác tuyên truyền còn chưa được, còn mang tính hình thức, còn khó nghe, nghe không vào, hoặc là lúc mình tuyên truyền thì người ta không ở nhà”, ông Hải nói, đồng thời hy vọng thời gian tới sẽ làm tốt hơn nữa.

Ông Hải yêu cầu phát huy đoàn kết nội bộ, phát huy vai trò, năng lực người đứng đầu, đồng thời triển khai tốt hai bộ quy tắc ứng xử.

“Xây dựng nét văn hóa giao thông  thì đầu tiên phải là cán bộ ngành giao thông chúng ta. Phải chứng minh được cho xã hội thấy là nét văn hóa của chúng ta như thế nào. Bước ra đường làm nhiệm vụ cán bộ ngành giao thông thì như thế nào, đặc biệt là thanh tra giao thông.

Cảnh sát giao thông giúp đỡ người đi đường thì người dân người ta đánh giá tốt, nhìn thấy anh đứng phơi nắng ngoài đường như thế người ta chia sẻ lắm, nhưng chỉ một cái hành động xấu thì cả ngành xấu”, ông Hải nói, đồng thời phân tích, trong các ngành dịch vụ công, khi cử người ra tiếp xúc với dân thì phải được đào tạo và đạt chuẩn, nếu không thì không được tiếp xúc với dân, vì làm hỏng hình ảnh của cả ngành.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn