Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo, Củ Chi gấp rút xây nhà 'cho mẹ nghỉ ngơi'

Thời sựChủ Nhật, 21/02/2016 08:46:00 +07:00

Chiều 20/2, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Tấn - Bí thư huyện ủy Củ Chi, về các vấn đề liên quan đến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đi

(VTC News) - Dự kiến, tuần tới chính quyền Củ Chi (TP.HCM) sẽ xây nhà, làm đường cho các mẹ Việt Nam anh hùng tại quê hương "đất thép thành đồng".

Chiều 20/2, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Tấn - Bí thư huyện ủy Củ Chi (TP.HCM), về các vấn đề liên quan đến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thời gian gần đây.
Bí thư Đinh La Thăng thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em
Bí thư Đinh La Thăng thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em 

Ông Tấn nói: "Cá nhân tôi đánh giá cao những ý kiến, hành động, việc làm cụ thể của Bí thư Đinh La Thăng. Bí thư Đinh La Thăng luôn quan tâm đến người dân, quan tâm đến những đối tượng chính sách ở Củ Chi (chiếm 80% toàn huyện), đặc biệt là mẹ Việt Nam anh hùng. Bí thư Thăng là người lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình, gần dân, sâu sát cơ sở, chỉ đạo quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, nói đi đôi với làm".
 Bí thư huyện ủy Củ Chi Lê Minh Tấn trong lần thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ hưu trí
- Thưa ông, sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu xây dựng, sửa đường, nhà cửa cho mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện Củ Chi đến nay tình hình như thế nào?

Phải nói rằng, huyện Củ Chi vinh dự đã được sự quan tâm của tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khi vừa nhậm chức. Qua buổi thăm hai mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Em và mẹ Lê Thị Kiều Oanh, theo đề nghị của Bí thư Thăng, chúng tôi đã cấp tốc huy động các nguồn vốn từ Qũy vì người nghèo của huyện, một phần từ doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ, anh em dân quân tự vệ xã, huyện đóng góp xây nhà, làm đường mới.

Dự kiến sáng thứ hai ngày 22/2/2016, chúng tôi sẽ tổ chức tiến hành khởi công xây dựng các hạng mục nói trên.

Cụ thể, con đường dẫn vào nhà mẹ Nguyễn Thị Em sẽ được làm với kinh phí 100 triệu đồng. Nguồn tiền này trích từ ngân sách huyện và khoản 70 triệu đồng sự đóng góp của các mạnh thường quân.

Con đường có bề ngang 2,7m, dài 60m bằng bêtông, nối thẳng từ nhà mẹ Nguyễn Thị Em ra đường giao thông chính của xã.

Với gia đình mẹ Lê Thị Kiều Oanh, theo tính toán sẽ xây dựng mới căn nhà 40m2 thay cho căn nhà tình nghĩa xây từ năm 1992 đã xuống cấp. Kinh phí để xây dựng nhà cho bà Oanh là 80 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện 60 triệu đồng và 20 triệu do Ban chỉ huy quân sự huyện Củ Chi đóng góp.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ rà soát lại những trường hợp khác về nhà ở, đời sống, thu nhập, việc làm... Hộ nào còn nghèo, khó khăn thì tiếp tục xem xét, giải quyết cho người dân có cuộc sống ổn định, tốt hơn.

- Còn khoảng bao nhiêu hộ chính sách cần sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương?

Đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi khá lớn, chiếm tới gần 36% toàn thành phố. Huyện Củ Chi là địa phương có rất nhiều hộ gia đình thương binh liệt sỹ, hưu trí có công cách mạng... nên về mặt nhà ở, đời sống, Củ Chi cũng đã được thành phố, Trung ương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ.

Qua đó, chính quyền địa phương cũng đã chăm sóc tốt các đối tượng chính sách.

Từ năm 1985 đến nay, Củ Chi được xây dựng trên 4.400 căn nhà tình nghĩa, điều đó cho thấy đã có sự quan tâm lớn các cấp ban ngành từ trung ương đến địa phương từ trước đến nay chứ không phải đến lúc Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo, chính quyền địa phương mới quan tâm đến họ.

Quá trình xây dựng nhà tình nghĩa cũng gần 30 năm nên trải qua thời gian cũng đã xuống cấp, hư hỏng, căn cứ tình hình cụ thể.

Chúng tôi sẽ tiếp tục gia cố, sửa chữa, nhà nào trước đây không đạt thì nhanh chóng làm lại cho chắc chắn, khang trang.
 Bí thư Đinh La Thăng trên con đường đất đến nhà mẹ Nguyễn Thị Em, đoạn đường này sắp được sửa chữa, mở rộng, tráng bêtông.
Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi Trẻ)
Riêng đối tượng mẹ Việt Nam anh hùng, Củ Chi có trên 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng tại quê hương. Hiện nay, 110 mẹ còn sống. Các mẹ đã và đang được chính quyền địa phương, huyện ủy, thành ủy TPHCM, trung ương, các doanh nghiệp... quan tâm, lo lắng giúp cho cuộc sống tốt.

Đường sá cũng được xây dựng rộng rãi theo chương trình "Xây dựng nông thôn mới", đa phần đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, cũng còn có những đoạn đường nhỏ hẹp, nham nhở cũng đang được địa phương tiếp tục hoàn thiện, giúp người dân di chuyển đi lại thuận lợi.

- Vấn đề thu mua sữa của những hộ nuôi bò sữa tại Củ Chi đến nay như thế nào, thưa ông?

Hiện tại, chúng tôi đang bàn giải pháp để Vinamilk tích cực thu mua sữa cho bà con, mua hết 100%. Tại Củ Chi còn 560 hộ chưa được bán sữa, với lượng sữa 2 tấn/ngày vẫn chưa được Vinamilk mua thì huyện tiếp tục làm việc để có giải pháp bảo đảm tiêu thụ hết lượng sữa cho bà con.

Chính những hộ nuôi bò sữa này góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

- Thời gian tới, lãnh đạo huyện sẽ hành động như thế nào để "đất thép" Củ Chi phát triển hơn nữa?

Chúng tôi định hướng phát triển kinh tế tại Củ Chi theo hướng nông nghiệp - đô thị xanh sạch, thân thiện, nhất là làm giống cây, trồng hoa lan, nuôi bò sữa, rau an toàn...

Củ Chi sẽ tập trung sản xuất quy mô lớn chứ không để manh mún như hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi hướng đến phát triển du lịch về nguồn gắn với địa danh lịch sử địa đạo Củ Chi mang tính giáo dục, nhân văn, đồng thời góp phần phát triển du lịch ven sông Sài Gòn.

Tổng hợp các nguồn lực từ địa phương, tranh thủ hỗ trợ, giúp đỡ từ TP, trung ương, phát huy các thế mạnh sẵn có nhằm phát triển kinh tế bền vững tại quê hương "đất thép thành đồng".

Xin cảm ơn ông!

Video: Bí thư Đinh La Thăng làm việc CATPHCM

Phan Cường (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn