Bí quyết làm giàu của các tỷ phú làng Mẹo

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 21/02/2011 08:30:00 +07:00

(VTC News) - Người làng Mẹo còn có đặc tính rất liều lĩnh, sẵn sàng "được làm vua, thua làm giặc" trong tính toán làm ăn kinh tế.

(VTC News) - Sau nhiều ngày tìm hiểu, tiếp xúc, tôi mới hiểu được phần nào tính cách, tài năng của người Phương La. Phó Chủ tịch xã Bùi Văn Hà nhận xét: Người Phương La có đặc tính rất cần cù, chịu khó, tỉ mẩn. Từ nhiều năm trước họ phải sống cảnh nay đây mai đó đi buôn bán sản phẩm nên va chạm nhiều, hiểu biết xã hội nhiều, nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên khi mở cửa thị trường họ biết cách tận dụng cơ hội triệt để. Chính đặc điểm công việc đã tạo nên những con người biết tính toán, nhìn xa trông rộng, biết giao tiếp xã hội...


Nói về khả năng tiếp thị, đặc biệt là tiếp thị ra thị trường quốc tế thì kể cả những người có trình độ đại học chuyên ngành cũng khó bằng người làng Mẹo. Trông bề ngoài họ hiền khô, thậm chí hình thức rất nông dân, một tiếng ngoại ngữ bẻ đôi cũng không biết, thế nhưng, họ lại đi nước ngoài như đi chợ, làm việc với người nước ngoài đâu ra đấy, rất khoa học. Bằng chứng là phần lớn sản phẩm, đặc biệt là khăn dệt của làng Mẹo đều xuất ra nước ngoài và khó có làng nghề, doanh nghiệp nơi khác cạnh tranh được.

Một góc làng Mẹo. 

Cái tên làng Mẹo cũng có nhiều cách lý giải. Một số người giải thích rằng, do những người làng Ứng Mão có mưu mẹo rất giỏi trong làm ăn, buôn bán nên gọi là làng Mẹo. Vì ngày xưa người ta coi thường những người làm nghề buôn bán nên gọi bằng từ có tính miệt thị như thế. Một số người già trong làng lại cho rằng xưa kia làng có tên Ứng Mão, có nghĩa là ứng với ông sao Mão, sau này gọi gọn lại là làng Mão, rồi chệch đi thành làng Mẹo. Cũng theo các cụ, cái tên làng Ứng Mão chính là tiên báo cho sự trù phú về sau!

Người làng Mẹo có phong cách rất tư bản, tuy giàu có song chi tiêu cái gì cũng hết sức tính toán, chặt chẽ. Người làng Mẹo luôn tôn trọng truyền thống giữ bí quyết nghề nghiệp và không tiết lộ trong bất cứ hoàn cảnh, cho bất cứ đối tượng nào. Thậm chí, anh em cũng không tiết lộ cho nhau, vợ chồng cũng nhất định không nói. Có những bí quyết chỉ truyền lại cho con gái, song có bí quyết lại chỉ truyền cho con trai. Tổ tiên, cha mẹ không bao giờ truyền hết nghề cho một người con, mà truyền cho mỗi người một nghề, vậy nên có chuyện trong một gia đình mà anh cả chỉ biết nghề dệt, em trai chỉ biết phân sợi, rồi người lại chỉ biết đánh ống, tẩy, nhuộm, dệt đơn, dệt kép, chỉnh máy, thêu ren... Chính vì cách truyền nghề này mà người ngoài làng, ngoài họ không thể học lén hết được. Trong làng ai có thế mạnh thì phát huy, rồi tự cạnh tranh nhau, dựa vào nhau mà phát triển, mà đi lên. Kể cả với anh em trong nhà, họ đối xử với nhau trên thương trường cũng như trên chiến trường vậy.

Khung dệt của làng Mẹo xưa. 

Ông Bùi Đức Năng, Trưởng phòng Công thương huyện Hưng Hà kể rằng, đã nhiều lần thử bỏ công tìm hiểu tính cách người làng Mẹo bằng cách mời một anh giám đốc đi nhậu. Nhậu ngà ngà say rồi, ông gợi ý chuyện trên trời dưới bể gì anh chàng nọ cũng nói, tuy nhiên, khi "vô tình" nhắc đến chuyện nghề nghiệp, anh ta liền tỉnh như sáo, nạy răng cũng không nói một lời. Bí quyết nghề nghiệp chính là sự sống còn của họ trong cuộc cạnh tranh, nên họ giữ như bảo bối.

Ông Năng nhiều lần đi tham quan hệ thống máy dệt, thấy người ta nhấc hòn gạch ra, cả hệ thống máy dệt dừng hoạt động, đặt hòn gạch vào vị trí nào đó, cả hệ thống lại vận hành. Những chiếc khăn cứ cuồn cuộn cuốn vào đầu này máy, ra đầu kia đã thấy hoa văn sặc sỡ. Ông Năng đã nghiền ngẫm, tìm hiểu rất kỳ công, song cũng không khám phá ra được quy trình vận hành của những chiếc máy in, thêu này. Các kỹ sư, thậm chí giáo sư tiến sĩ chuyên ngành máy móc, nhìn hệ thống máy dệt do người làng Mẹo sáng chế cũng phải phục sát đất. Ông Năng cho rằng, người làng Mẹo thực sự là những kỳ nhân, tài năng rất khác thường.

Chiếc máy dệt do người làng Mẹo chế tạo vô cùng tinh xảo.  

Về đặc tính cần cù, ham học hỏi và ý chí thì người nơi khác khó có thể sánh bằng. Trước đây, người làng Mẹo tuy dệt giỏi, song nhuộm lại không bằng người làng Vạn Phúc (Hà Tây cũ), nơi nổi tiếng với nghề dệt lụa. Để học được bí quyết nhuộm của người Vạn Phúc, hai anh em nhà nọ gom góp tiền bạc lên tận Vạn Phúc xin làm thuê ở một xưởng nhuộm, song chủ xưởng không nhận người ngoài, sợ lộ bí quyết nghề nghiệp. Không chịu đầu hàng, anh em nhà nọ hóa trang thành người buôn đồng nát nghèo khổ, rách rưới rồi ngày ngày đi qua xưởng nhuộm của nhà đó nhòm ngó, tìm hiểu. Kiên trì như vậy suốt một năm trời, họ đã học được bí quyết nhuộm của người Vạn Phúc về áp dụng ở làng.

Nghệ nhân Trần Văn Sen cũng là một con người vượt qua bao nhiêu thăng trầm để học hỏi, làm giàu. Người dân trong làng còn kể mãi chuyện hồi năm 1998, nhiều lần ông đi xe Simson sang nhà máy dệt Nam Định "nhòm trộm" chiếc máy dệt và cách nhuộm vải để về áp dụng cho mình. Với lòng kiên trì học hỏi, ông đã vực được công ty vượt qua thời kỳ tưởng như phá sản, thân bại danh liệt trong tù vì nợ ngân hàng cả trăm tỷ đồng, để giàu có như ngày hôm nay. Ông Sen vẫn thường nói vui rằng, cuộc đời ông không phải "ba chìm, bảy nổi chín lênh đênh" mà là "nhiều chìm, nhiều nổi, lắm lênh đênh". Từ một người coi như đã đứng một chân trong song sắt, ông đã vượt lên thành đại tỷ phú, đưa doanh nghiệp lọt vào top 500 của Việt Nam, rồi thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ông Trần Văn Sen - người con làng Mẹo có nghị lực phi thường. 

Hầu hết những người thành đạt ở làng Mẹo đều trải qua những năm tháng dựng nghiệp đầy thăng trầm. Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng nêu cao lòng quyết tâm với 6 chữ mà họ vẫn gọi là "6 chữ vàng", đó là: "Khát vọng lớn" và "biết ganh đua". Tất cả những người lớn lên ở làng Mẹo đều khao khát làm giàu, tất cả tâm trí của họ chỉ để dành cho việc làm thế nào để thành triệu phú, tỷ phú mà thôi.

Người làng Mẹo còn có đặc tính rất liều lĩnh, sẵn sàng "được làm vua, thua làm giặc" trong tính toán làm ăn kinh tế. Chính vì thế, mỗi câu chuyện của một tỷ phú làng Mẹo đều là những pho tiểu thuyết sống về ý chí quật cường. Kể cả những thế hệ trẻ, họ vẫn kế thừa ý chí lập nghiệp của cha ông. Tiêu biểu nhất cho thế hệ trẻ làng Mẹo là anh Đinh Văn Ba, Giám đốc công ty CBA.

Nói về ý chí lập nghiệp của người con làng Mẹo này thì quả là khủng khiếp. Anh từng làm dệt cùng gia đình, nhưng thời kỳ châu Âu khủng hoảng, cả làng thất nghiệp, hàng hóa ế ẩm, mất hết cả vốn liếng, nợ nần chồng chất. Không có việc làm, anh bỏ lên thành phố bốc vác mướn, đi phu hồ rồi đi học ngành điện và trở thành thợ sửa chữa điện. Làm thợ điện khó giàu, anh chuyển sang nuôi ong. Bao nhiêu năm trời Đinh Văn Ba mang theo lồng ong mật đi khắp các tỉnh miền Đông Bắc, Tây Bắc, thậm chí vào cả Tây Nguyên. Mật ông rớt giá lại chuyển sang trồng nấm rơm, rồi vừa trồng nấm vừa đi buôn sợi. Khi có vốn và đất nước mở cửa, anh quyết chí khôi phục nghề dệt, lập doanh nghiệp chuyên tẩy nhuộm và trở thành tỷ phú với số vốn trong tay hàng chục tỷ đồng chỉ trong 2 năm trời.

Có nhiều tỷ phú nên những công trình công cộng ở làng Mẹo ngày càng khang trang hơn. 

Nói về ưu điểm của người làng Mẹo thì rất nhiều, rất đặc biệt, song chính cái kiểu làm ăn đặc sệt tư bản, coi lợi nhuận, tiền bạc là trên hết nên một số người làng Mẹo đôi khi không coi trọng tình cảm. Theo ông Năng, trong làng có nhiều trường hợp vì cạnh tranh trong làm ăn mà anh em, bố con coi nhau như kẻ thù, thậm chí tìm cách diệt nhau để kiếm lợi nhuận nhiều hơn.

Việc coi trọng đồng tiền, chặt chẽ quá mức (trừ những trường hợp giàu lòng hảo tâm như ông Vũ Quang Huy, Trần Văn Sen…) đã tạo nên một số con người có tính ích kỷ, chỉ biết làm lợi cho bản thân. Một số người chỉ chăm chăm làm giàu cho mình, bóc lột sức lao động nhân công, luôn tìm cách trốn đóng bảo hiểm xã hội, không quan tâm đến chuyện bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng địa phương…

Dù sao, xét về tổng thể thì những tỷ phú làng Mẹo thật đáng quý, đáng trân trọng, họ không những làm giàu cho bản thân mà còn góp sức làm giàu cho đất nước. Giá như ở nước ta có thật nhiều những ngôi làng, những con người có tài kinh doanh như làng Mẹo thì thật tuyệt vời, đất nước chẳng mấy mà thành cường quốc.

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn