Bị phản ánh thu phí đường bộ bất hợp lý, Bộ trưởng Thăng khẳng định đúng quy trình

Thời sựThứ Sáu, 22/05/2015 08:15:00 +07:00

Bộ GTVT khẳng định việc lập các trạm thu phí là đúng quy trình và được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

(VTC News) - Bộ GTVT khẳng định việc lập các trạm thu phí là đúng quy trình. được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và không có chuyện phí chồng phí.

Liên quan đến một số ý kiến phản ánh tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chính thức có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ về các trạm thu phí dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trên hệ thống quốc lộ trong phạm vi cả nước.

Trước đó ngày 19/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo chí phản ánh tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT).

 Mộ trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: Minh Chiến)

Cụ thể, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do Ủy ban Nhân dân các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay ngành GTVT đã và đang triển khai thực hiện 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn. Nhiều dự án hạ tầng giao thông khác không sử dụng ngân sách Nhà nước đã được các doanh nghiệp tự đầu tư như cảng biển, đường cao tốc, sân bay.

Video: Xe tải đâm nát trạm thu phí trên đường

Các dự án quan trọng được đầu tư theo các hình thức này đã bước đầu áp dụng thành công trong lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt với hiệu quả đầu tư cao.

Cụ thể, bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, trong đó có khoảng 700 km đường cao tốc (như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây...), các cầu quy mô lớn (như cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu, cầu Việt Trì, cầu Yên Lệnh...), các cảng hàng không T2 Nội Bài, Phú Quốc, Vinh…

Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã mang lại nhiều lợi ích do rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện; lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải đóng

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, hiện việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo hai phương thức: thu theo đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, quy định thu phí như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí vì phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT do nhà đầu tư dự án BOT thu dùng để hoàn vốn đầu tư và chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hình thành từ các dự án BOT; phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thu dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường quốc lộ và đường địa phương do Nhà nước đầu tư (không bao gồm các dự án BOT đường bộ và không dùng để hoàn vốn đầu tư).

Ngoài ra, trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đều có văn bản thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được các đơn vị có liên quan thỏa thuận bằng văn bản.

Khi dự án hoàn thành, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT để nhà đầu tư tổ chức thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc thành lập các trạm thu phí BOT đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.

Bộ GTVT khẳng định, những tuyến đường được đầu tư, nâng cấp, mở rộng mang lại lợi ích rất lớn cho người sử dụng. Cụ thể, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; đối với Quốc lộ 14 (đoạn từ Pleiku-Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm.

Đối với Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm...). Trong đó, chưa kể đến các lợi ích mang lại không định lượng được bằng tiền như giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian đi lại (dự án cầu Cổ Chiên giúp rút ngắn 70km từ Trà Vinh đi Thành phố Hồ Chí Minh)...

M.Chiến
Bình luận
vtcnews.vn