Bị ‘nhấn chìm’, đại gia dầu khí mất hàng tỷ USD

Kinh tếThứ Bảy, 29/11/2014 07:28:00 +07:00

(VTC News) – Kinh doanh rất hiệu quả nhưng đại gia dầu khí bất ngờ bị “nhấn chìm” và “đánh rơi” hàng tỷ USD.

(VTC News) – Kinh doanh rất hiệu quả nhưng đại gia dầu khí bất ngờ bị “nhấn chìm” và “đánh rơi” hàng tỷ USD.

Đại gia dầu khí mất tỷ đô

Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) thường xuyên lọt vào danh sách các “đại gia” đạt lợi nhuận cao nhất và sở hữu lượng tiền mặt khủng nhất trên sàn chứng khoán Việt. Vì vậy, không ai có thể ngờ tới GAS có thể rơi vào chuỗi ngày giảm rất sâu như thời gian qua.

GAS “rơi tự do” chủ yếu là do giá dầu giảm mạnh. Đêm 27/11, niềm tin đặt vào cổ phiếu dầu khí tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn khi giá dầu lao dốc. Giá dầu “rơi tự do” trước quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC.

Suốt thời gian qua, giá dầu kéo giá GAS đi xuống. Trong tháng 11, GAS chỉ trải qua 3 phiên tăng nhẹ. Đa số các phiên còn lại GAS đều đi xuống. So với cuối tháng 10, GAS giảm 20.000 đồng/CP, tương ứng 18,87% xuống 86.000 đồng/CP.

gas
Giá dầu giảm sâu, GAS bị ảnh hưởng nặng nề nhất 

Vào đà giảm sâu, GAS trở thành cổ phiếu mất mát lớn nhất. Trong tháng 11, vốn hóa thị trường của GAS giảm 37.900 tỷ đồng (khoảng 1,78 tỷ USD).

Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) thậm chí có tỷ lệ mất mát vượt trội so với GAS. So với cuối tháng 10, PVD giảm 18.500 đồng/CP xuống 75.500 đồng/CP. PVD mất 19,68%. Vốn hóa thị trường của blue-chip này mất 5.606,86 tỷ đồng.

Là một trong những blue-chip có “sức nặng” lớn nhất trên sàn Hà Nội nhưng PVS cũng khó thoát khỏi được thăng trầm của họ dầu khí. Tính từ đầu tháng 11, PVS giảm 7.600 đồng/CP xuống 32.800 đồng/CP. Đà giảm này của PVS đã khiến vốn hóa thị trường PVS “bốc hơi” 3.394,92 tỷ đồng.

Như vậy, vốn hóa thị trường của chỉ riêng 4 đại gia dầu khí đã “bốc hơi” tới 46.901,78 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD).

Bao giờ ngừng giảm sâu?

“Giảm mạnh nên sẽ tăng mạnh” đó là những gì nhà đầu tư thường nghĩ về diễn biến giá của cổ phiếu. Vì vậy, GAS, PVD hay PVS có nhiều cơ hội tăng trở lại. Nhưng câu hỏi đặt ra là cổ phiếu của các đại gia dầu khí sẽ phục hồi ở thời điểm nào.

Giới đầu tư cho rằng khi giá dầu tăng hoặc kìm hãm được đà giảm, các đại gia chứng khoán có thể đảo chiều đi lên. Tuy nhiên, hiện tại, giá dầu không được nhiều chuyên gia đặt niềm tin. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng giá dầu thế giới có thể giảm sâu xuống “đáy” 70 USD/thùng.

Các chuyên gia phân tích của Barclays nhận xét: “Thị trường còn chưa tin mức giá dầu hiện tại đã đủ thấp để kéo sản lượng dầu của Mỹ tăng trưởng chậm lại. Bởi thế, trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ giảm dưới 70 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ còn giảm sâu hơn”.

Quyết định của OPEC khiến cổ phiếu của các công ty dầu lửa lớn tại thị trường châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch 27/11. Cổ phiếu của Royal Dutch Shell giảm 4,3%, cổ phiếu Total giảm 4,1%, và cổ phiếu BP giảm 2,7%.

Cổ phiếu dầu khí bị bán ra

Trong khi cổ phiếu dầu khí nói chung và đại gia dầu khí nói riêng bị “nhấn chìm”, nhiều cổ phiếu dầu khí bị bán ra mạnh tay bởi các cổ đông lớn.

Ngày 28/11, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đăng ký bán hết 5 triệu cổ phiếu PVA của CTCP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An mà PVX đang nắm giữ. Việc thoái vốn này được thực hiện theo mục đích tái cơ cấu lại các khoản mục đầu tư.

Trước đó không lâu, PVX đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu PVV của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex.

Trước đó, PVX cũng đăng ký thoái hết vốn tại hàng loạt công ty dầu khí như Công ty Cổ phần Trang trí Nội thất Dầu khí PID (2 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí PVL (7 triệu cổ phiếu), CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí – Idico PXL (13,2 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô PFL (18 triệu cổ phiếu) và 3 triệu cổ phiếu PVV của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn