Bí mật rừng chè cổ thụ ngàn năm chưa từng biết đến ở VN

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 14/02/2010 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Rừng chè cổ thụ ngàn tuổi nằm tràn từ phía Đông sang phía Tây của ngọn núi Fansipan, trải rộng trên độ cao từ 1.800 đến 2.500m.

(VTC News) - Rừng chè cổ thụ ngàn tuổi nằm tràn từ phía Đông sang phía Tây của ngọn núi Fansipan, trải rộng trên độ cao từ 1.800 đến 2.500m.

Ông Trần Ngọc Lâm bên một cây chè trong vườn chè cổ thụ chưa từng được biết đến trong rừng Hoàng Liên sơn. 

Những ngày lang thang trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, cùng ông Trần Ngọc Lâm đi tìm bãi đá cổ có hình khắc, đêm nằm trên những tảng đá lạnh lẽo giữa đại ngàn, tôi được ông Lâm kể cho nghe rất nhiều câu chuyện kỳ bí và lãng mạn liên quan đến Hoàng Liên Sơn.

Những loài sâm, đặc biệt là thiết trúc nhân sâm nhiều trăm năm tuổi vẫn ẩn chứa đâu đó trong kẽ đá giữa đại ngàn. Những cây thuốc quý chữa ung thư, mà giá trị của nó lên đến nhiều triệu đồng một kg lá tươi. Những cây nấm phục linh quý hơn vàng, có tuổi cả trăm năm, mọc ra từ vết thương rỉ nhựa của những loài cây thuộc họ thông ngàn tuổi. Cánh rừng vân sam, với những đại cổ thụ vân sam cao đến 80m, tán rộng như một quả núi, chưa được phát hiện đã có nguy cơ biến mất do đã quá già cỗi, mà không tái sinh được.

Điều tôi chú ý nhất trong những câu chuyện miên man về đại ngàn Hoàng Liên Sơn là một khu rừng chè, mà theo ông Lâm, nó rộng đến mức, ông đã có cả chục năm đi xuyên ngang, cắt dọc mà vẫn chưa hết.

Rừng chè này nằm tràn từ phía Đông sang phía Tây của ngọn núi Fansipan, trải rộng trên độ cao từ 1.800 đến 2.500m.
Tác giả và ông Trần Ngọc Lâm trên đường đi tìm vườn chè khổng lồ. 

Là người từng đi nhiều nơi, từng nghe kể nhiều về các loại trà, nên ông Lâm cũng có chút vốn hiểu biết về trà. Theo ông Lâm, nhiều chuyên gia trà thế giới hay nhắc đến những cây chè ở Assam, thuộc Ấn Độ. Cả bang Assam là một vườn chè cổ thụ, khổng lồ, bát ngát. Những cây chè nằm trên độ cao từ 1.200m đến 1.600m so với mặt nước biển là loại chè đặc biệt nhất.

Những ngày lái xe thuê xuyên Á, từ Trung Quốc qua Tây Tạng, Ấn Độ, Trung Đông, sang tận Châu Âu, ông Lâm đã từng nhiều lần đi qua vùng Assam. Nơi đó, có rất nhiều huyền thoại liên quan đến trà. Khách du lịch, các chuyên gia về trà khắp thế giới thường tìm đến đây quỳ lạy dưới những gốc chè để tỏ lòng ngưỡng mộ. Những cây chè ở xứ này đều to cả người ôm và có tuổi cả ngàn, được coi là chè tổ của các loài chè trên thế giới.
Đường đi vô cùng gian nan, vất vả. Không có đường, nên phải vạch rừng để đi. 

Tuy nhiên, khi phát hiện rừng chè bạt ngàn, mọc tự nhiên trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, thì ông Lâm khẳng định rằng, chè ở Hoàng Liên Sơn mới là cụ tổ của chè Assam, ở xứ sở Ấn Độ xa xôi.

Nghe ông Lâm kể về vườn chè, tôi đã không kìm được cảm xúc. Thế là, chúng tôi quyết định khăn gói, túi ngủ, bạt che, cơm nắm, thịt hộp lên đường, sau khi đã chinh phục thành công bãi đá cổ có hình khắc giữa đại ngàn.

Trong chuyến đi tìm rừng chè khổng lồ này, chúng tôi được anh Phạm Văn Đăng, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên ủng hộ nhiệt tình. Sau khi làm xong thủ tục vào rừng, anh Đăng đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí ở Trạm kiểm lâm Trạm Tôn tạo mọi điều kiện nếu chúng tôi yêu cầu.

Chúng tôi lên Trạm Tôn từ chiều hôm trước và ngủ thật sớm. Mới 3h sáng, ông Lâm đã đánh thức tôi dậy. Đồng chí kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn cũng đã nai nịt gọn gàng, chỉ chờ chúng tôi xỏ giày xong là lên đường.
Rừng chè cổ thụ lúc nào cũng chìm trong mây mù. 

Mọi thứ trước mắt vẫn là bóng đêm mù mịt. Đèn pin bật lên chỉ thấy mờ mờ, bởi ánh sáng không xuyên qua nổi lớp mây mù dày đặc, nhưng chúng tôi vẫn vạch rừng mà đi.

Chúng tôi cứ cuốc bộ như vậy từ sáng sớm đến gần trưa thì đến lán một, trên độ cao 2.200m, nằm trên đường đi Fansipan. Tại lán này, có một số người đang ngồi bóp chân, bóp tay, hoặc lang thang ngắm cảnh. Họ là những khách du lịch leo Fan, nhưng đi cả ngày chỉ lên được đến lán một, nên đành dừng lại, lỗi hẹn với Fan, đợi những người leo khỏe trở về thì cùng xuống núi.

Sau khi ăn vội bữa trưa, chúng tôi tiếp tục lên đường. Trèo đến độ cao 2.500m, ông Trần Ngọc Lâm bảo dừng lại nghỉ ngơi. Đứng trên mỏm núi, nhìn ra tứ phía, chỉ thấy mây mù bao phủ, trùm kín thung lũng. Đột ngột, những cơn gió lớn thổi đám mây vọt từ thung lũng qua dãy núi, để lại một khoảng không sáng rực. Ông Lâm chỉ tay qua khoảng không trong vắt ấy và bảo sẽ đi hướng đó.

Nhìn xuyên qua khoảng không, thấy một thung lũng xám xịt, với những thân cây cháy đen tua tủa. Đứng từ xa nhìn lại, những thân cây khổng lồ cháy đen nhỏ như những cọng tăm cắm vào núi. Ông Trần Ngọc Lâm gọi đó là “thung lũng chết”. Lát sau, những đám mây khác lại tràn đến, phủ kín “thung lũng chết”.

Từ độ cao này, chúng tôi vạch rừng rẽ trái để đi. Từ đây, không có đường mòn, mà phải bám vào vách đá, dây leo để tụt xuống, rồi lại bám vào thân trúc mà bò lên. Thú thực, trong mỗi chuyến đi rừng, thứ tôi hãi nhất là vắt và rắn độc. Những con vắt chui vào chân, bò vào người, hút máu ễnh bụng mới chịu nhả ra ám ảnh cả trong giấc mơ trong những đêm ngủ giữa đại ngàn. Rất may, trên độ cao này, trong cái lạnh đến mức đóng băng, vắt không sống được, mà rắn thì vào hang ngủ đông cả, nên dù có gặp chúng, trông chúng cũng chẳng khác gì khúc củi, cứng queo như bị đông lạnh.

Cứ hết lên dốc lại thả dốc, đến nhập nhoạng tối thì chúng tôi đặt chân đến “thung lũng chết”, cái tên đầy sự đau đớn, u tối mà ông Lâm tự đặt ra. Tôi lang thang khắp thung lũng, chụp ảnh những thân cây cháy đen vẫn đứng sừng sững giữa trời. Ông Trần Ngọc Lâm và đồng chí kiểm lâm dựng lều, đốt lửa sưởi ấm, xua thú dữ.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn