Bí mật ít biết về kho dầu chiến lược của Mỹ

Kinh tếThứ Hai, 16/09/2019 16:50:00 +07:00

Chỉ có Tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này.

Sau vụ máy bay không người lái tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu nước này sụt giảm 50%, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ xả kho dầu mỏ trong trường hợp cần thiết để đảm bảo ổn định nguồn cung của thị trường dầu mỏ quốc tế.

Kho dầu mỏ chiến lược của Mỹ (viết tắt SPR) là kho dự trữ dầu mỏ khẩn cấp, được Bộ Năng lượng Mỹ xây dựng, duy trì tại nhiều khu vực dưới lòng đất ở bang Louisiana và Texas. SPR là nguồn cung ứng dầu mỏ khẩn cấp lớn nhất trên thế giới với khả năng tích trữ lên đến 727 triệu thùng dầu (115.600.000 m3).

dau_mo1

 Các khu vực tích trữ dầu mỏ của Mỹ. (Ảnh: Thebalance)

Từ năm 1975, Mỹ bắt đầu tích trữ dầu mỏ để tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng trong tương lai, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) ra lệnh cấm bán dầu cho Washington trong giai đoạn 1973-1974.

Các địa điểm tích trữ SPR hiện nay gồm 2 địa điểm ở Texas và 2 địa điểm ở Louisiana. Tính đến ngày 30/9/2018, kho dự trữ Bryan Mound (Taxas) nắm giữ 235,3 triệu thùng trong 20 hang động.

Big Hill (Winnie, Texas) có khả năng trữ 160 triệu thùng dầu trong 14 hang động. West Hackberry (Louisiana) dự trữ 199,5 triệu thùng trong 22 hang động. Bayou Choctaw (Louisiana) tích trữ 71,88 triệu thùng trong 6 hang động.

Khả năng rút dầu tối đa từ kho dự trữ dầu SPR là 4,4 triệu thùng (700.000 m3) một ngày. Như vậy, kho dự trữ có thể cung ứng dầu kéo dài đến trên 160 ngày.

Đáng chú ý, chỉ có Tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR). Từ khi xây dựng đến nay, Mỹ mới sử dụng SPR 3 lần, chưa kể lần thứ 4 là ông Trump mới ra lệnh.

Lần đầu tiên Mỹ sử dụng SPR là vào năm 1991 khi Mỹ tấn công Iraq với chiến dịch Bão táp sa mạc.

Lần thứ hai SPR được dùng năm 2005 sau khi siêu bão Katrina tàn phá cơ sở hạ tầng dầu khí của Mỹ nằm dọc vịnh Mexico.

Lần gần đây nhất là vào tháng 6/2011 khi bất ổn ở Libya ảnh hưởng xuất khẩu dầu toàn cầu.

Bằng Lăng
Bình luận
vtcnews.vn