Bí mật động trời vụ 'chuyển giới' khiến FIFA méo mặt

Thể thaoThứ Sáu, 28/09/2012 04:47:00 +07:00

Người ta thường gọi giải thưởng dành cho cầu thủ hay nhất trận đấu là "Man of the match". Nhưng trong đội tuyển American Samoa,đồng đội lại gọi Saelua là… chị.

Muốn định nghĩa cầu thủ Jonny Saelua là nam thì chỉ có một cách duy nhất: chờ câu trả lời của khoa học. Nói vậy có nghĩa, người ta phải phân tích gien xem đấy là trường hợp XX hay XY, chứ không thể dựa vào những hình ảnh bên ngoài của môn giải phẫu học để phán xét.

Cầu thủ "Chuyển giới" đầu tiên trong lịch sử World Cup

Ngoài kết quả XY thuần túy trên giấy tờ, tất cả những gì còn lại liên quan đến Saelua đều nói lên rằng đấy là một… cô gái. Và cô gái Saelua đã tỏa sáng, đem về cho đội tuyển American Samoa một chiến thắng lịch sử tại vòng loại World Cup 2014.

Bạn sẽ vào trang Wikipedia để tìm hiểu đôi điều về đội tuyển American Samoa? Nếu vậy, xin được nói luôn: chỉ có 2 điều đáng kể, được giới thiệu ngay trong đoạn đầu tiên. Thứ nhất, đấy là đội tuyển xếp chót trong bảng xếp hạng của FIFA, tính đến tháng 11/2011 - tức là tính đến cái cột mốc đáng nhớ mà chúng tôi sẽ nói ở phần dưới.

 Jonny Saelua (đi đầu, bên phải) - người chị đáng mến trong đội tuyển nam American Samoa

Thứ hai, đấy là đội tuyển đang giữ một "kỷ lục" trong làng cầu thế giới. Ngày 11/4/2001, American Samoa thua Úc với tỷ số 0-31 tại vòng loại World Cup 2002. Vâng, đấy là tỷ số đậm nhất từng xuất hiện trong bóng đá quốc tế. Tiện thể, xin được nói thêm: American Samoa là lãnh thổ cực nam của Mỹ, nằm trong quần đảo Samoa ngay giữa Thái Bình Dương. Lãnh thổ này rộng khoảng 200 km vuông, với dân số khoảng 68.000 người.


Làm nên lịch sử


Gia nhập FIFA cách đây khoảng 13 năm, American Samoa đã có kinh nghiệm thi đấu quốc tế 30 lần, tính đến ngày 23/11/2011. Cả 30 trận ấy, American Samoa đều thua, với "tổng tỷ số" là 12-229. Trận thua Úc với tỷ số kỷ lục 0-31 tại vòng loại World Cup 2002 dĩ nhiên cũng nằm trong mạch thua nêu trên.

Thế rồi, điều gì cũng phải có lần đầu tiên. Tại vòng loại World Cup 2014, trong cái ngày 23/11 vừa nêu, American Samoa không chỉ chấm dứt chuỗi 30 trận thua liên tiếp, mà còn giành được trận thắng lịch sử: 2-1 trước Tonga ở vòng sơ loại của khu vực châu Đại Dương.


 

Do đều là các đội bóng vào loại yếu nhất thế giới, 4 đội trong bảng của American Samoa phải đá vòng tròn với nhau chỉ để chọn ra 1 đội, cùng với 7 đội mạnh hơn trong khu vực châu Đại Dương chia làm 2 bảng thi đấu ở giai đoạn 2. Rồi 2 đội đứng đầu mỗi bảng vào giai đoạn 3, cứ thế cho đến khi xác định được đội mạnh nhất ở khu vực châu Đại Dương. Đội ấy sẽ được… đá play-off với một đội bóng thuộc khu vực CONCACAF (tức khu vực Bắc, Trung Mỹ và vùng Caribbe) để tranh suất dự VCK World Cup 2014.

Điều này có nghĩa là American Samoa - đội tuyển yếu nhất thế giới, phải lần lượt vượt qua 11 đội bóng với cấp độ tăng dần về mặt đẳng cấp thì mới lọt được vào VCK World Cup 2014. Tất nhiên, đấy chỉ là hành trình trong mơ. Còn trên thực tế, hành trình của họ chấm dứt sau trận thứ 3: thua sát nút 0-1 trước đội Samoa, nhường luôn suất đi tiếp cho đối phương.

Với American Samoa, đấy đã là cả một chương mới của lịch sử. Thi đấu 3 trận: thắng 1, hòa 1, thua 1, hiệu số bàn thắng bại là 0. Quá vĩ đại so với thành tích đá 30 trận trước đó: thắng 0, hòa 0, thua 30, hiệu số bàn thắng bại là -217!

FIFA cũng phải bó tay

Cầu thủ hay nhất trong trận thắng lịch sử của American Samoa (2-1 trước Tonga) là Jonny Saelua, với thành tích góp 1 đường chuyền thành bàn và có một pha cứu bóng ngay trên vạch vôi, khi thủ môn đã bị hạ, vào đúng phút chót.

Nhưng ngay từ đầu, đã xuất hiện chi tiết trớ trêu về Saelua. Người ta thường gọi giải thưởng dành cho cầu thủ hay nhất trận đấu là "Man of the match" (man có nghĩa là người đàn ông). Nhưng trong đội tuyển American Samoa, đồng đội lại gọi Saelua là… chị. "Man of the match" thế nào được?!


Những người được gọi là “giới tính thứ ba” trong cộng đồng fa’afafine được thừa nhận rộng rãi ở American Samoa

Vâng, ngay trong chiến thắng lịch sử của American Samoa, lại có một chi tiết lịch sử khác, cực kỳ thú vị: người hùng Saelua trở thành cầu thủ "chuyển giới" (hay fa'afafine theo cách gọi của người Samoa) đầu tiên trong lịch sử thi đấu trong một trận vòng loại World Cup.

Về mặt sinh học, người ta chỉ có thể định nghĩa những người như người như thế là nam hay nữ bằng cách phân tích gien, trên cơ sở phân biệt XX hay XY. Còn về mặt lối sống, Saelua là nữ chính hiệu, được nuôi nấng và chăm sóc từ bé theo cách chăm sóc một cô bé, biểu hiện bên ngoài cũng là nữ, có "đối tác" là nam trong đời sống tình dục.


Đành rằng Saelua luôn tự ý thức mình là nữ, nhưng những người xung quanh cũng chẳng bao giờ phản đối điều ấy. Thế mới có chuyện, các đồng đội gọi Saelua là chị, một cách trìu mến. Một mặt, "ca" này quá mới, đội tuyển American Samoa cũng quá bé bỏng, để FIFA có thể kịp thời bày tỏ quan điểm. Mà cho dù FIFA có muốn lên tiếng, họ sẽ nói gì khi Saelua là… nam, theo phân tích sinh học thuần túy?

Tóm lại, trong xã hội Polynesia của mình, những người như Saelua có thể làm bất cứ điều gì dành cho nữ giới, đồng thời cũng có thể làm bất cứ điều gì dành cho nam giới. Khoác áo đội tuyển bóng đá nam chẳng hạn.

Khi ghế HLV trưởng đội tuyển American Samoa được trao cho Thomas Rongen (từng 3 lần dẫn dắt đội Mỹ tại các giải U-20 thế giới và vô địch giải MLS với CLB D.C United), ông lập tức gọi Saelua vào đội tuyển. Và Saelua đã không làm HLV Rongen thất vọng. Ở tuổi 23, Saelua thực sự là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất đội. Thủ môn Nicky Salapu nói: "Chúng tôi xem Saelua như một người anh, hoặc một người chị".


Có một cầu thủ thuộc "giới tính thứ ba" trong đội đôi khi cũng dẫn đến những tình huống trớ trêu. Thiên hạ đàm tiếu hoặc soi mói chẳng hạn. Nhưng Saelua chưa bao giờ phàn nàn về thái độ của đồng đội. "Chị" nói: "Chúng tôi là một gia đình. Tôi rất hài lòng khi mọi người đều xem tôi là một thành viên trong đội. Không ai có sự phân biệt đối xử nào. Tôi cũng không thể làm cho mọi người thất vọng".

"Chuyển giới tính" (transgender) chỉ là một cách nói đơn giản để dễ hình dung. Thật ra, Saelua là một trường hợp cực kỳ phức tạp của nhóm người gọi là "giới tính thứ ba", hay còn gọi là fa'afafine mà ở ta hay gọi là “đồng cô”, được thừa nhận rộng rãi trong văn hóa Polynesia.

Fa'afafine có nghĩa là "trở thành đàn bà" là một khái niệm mang tính tâm linh và văn hóa. Để trở thành một fa'afafine, điều kiện đầu tiên phải là người Samoa, phải là đàn ông nhưng luôn coi mình là đàn bà, phải biết hấp dẫn đàn ông bằng sự gợi cảm tính dục. Cộng đồng fa'afafine ở American Samoa và Samoa gồm khoảng 1.500 người.


Theo BĐ

Bình luận
vtcnews.vn