Bí mật của Chelsea: Cascadeur không cần phải diễn

Thể thaoThứ Tư, 25/04/2012 05:46:00 +07:00

(VTC News) - Phải dùng phận cascadeur mới có thể hiểu được những kẻ đóng thế nghĩ gì. Avram Grant và Roberto Di Matteo đã thành công khi trải nghiệm như thế

(VTC News) - Phải dùng phận cascadeur mới có thể hiểu được những kẻ đóng thế nghĩ gì. Avram Grant và Roberto Di Matteo có thể thua đồng nghiệp về tài năng, nhưng họ lại làm được điều mà không phải ai cũng làm được: khích lệ tinh thần chiến đấu của các học trò...

1. Cascadeur – diễn viên đóng thế - là một khái niệm không mới ở Stamford Bridge. Nó bắt đầu hình thành từ đầu mùa giải 2005-2006, khi đội bóng của tỷ phú Roman Abramovich có đủ cầu thủ để bố trí hai đội hình có sức mạnh gần tương đương nhau. Trong đó đáng kể nhất chính là bốn cầu thủ chạy cánh có sức công phá khủng khiếp gồm: Arjen Robben, Joe Cole, Damien Duff và Shaun Wright-Phillips.

Mục đích của Jose Mourinho khi đó là xóa bỏ triệt để tư tưởng “cầu thủ không thể thay thế”. Nó giúp đội bóng không bị quá lệ thuộc vào một cá nhân nào đó, đồng thời giúp “Người đặc biệt” dễ dàng siết chặt được kỷ luật mỗi khi cần thiết.

Về sau, khái niệm “cascadeur” được ông chủ Roman Abramovich mở rộng sang cả huấn luyện viên. Mourinho năm 2007, Scolari năm 2008, và mới đây nhất là Villas-Boas đều bị Abramovich thẳng tay “chém” khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và càng đáng ngạc nhiên hơn là cả ba diễn viên đóng thế: Avram Grant, Guus Hiddink lẫn Roberto Di Matteo đều làm quá tốt công việc dở dang của người đi trước.

Đó có thể là một nghịch lý nếu đem so danh tiếng của Avram Grant với Jose Mourinho, Roberto Di Matteo với Andre Villas-Boas. Nhưng bóng đá là như vậy, hợp lý ngay cả trong những thứ bất hợp lý nhất. Từ trong mớ hỗn độn mà người tiền nhiệm bỏ lại, “những cascadeur” vẫn biết cách tìm ra chất kết dính và sắp xếp lại thành một thể thống nhất.

Bí mật thành công của Chelsea phải chăng là từ những diễn viên đóng thế như Roberto Di Matteo? 

2. 8 năm 9 tháng và 26 ngày, đó là quãng thời gian đủ lâu để Roman Abramovich cho ra cái “chất Chelsea”: cứng rắn, lì lợm, và không bao giờ màu mè. Núi vẫn thắm, nước vẫn xanh và cái triết lý bóng đá được gây dựng từ thời Ranieri đến giờ vẫn chưa hề thay đổi.

Những ai mơ mộng về một “Làn sóng xanh” quyến rũ đều đã bị nó nhấn chìm một cách không thương tiếc (Scolari, Villas-Boas). Bởi quanh đi quẩn lại vẫn là những con người ấy: một Terry dại dột giơ đầu ra cản bóng, một Lampard sẵn sàng chạy hơn 12km/trận và một Drogba lúc nào cũng ở thế liều mạng khi tranh chấp bóng.

Họ, những con người đã cùng đội bóng áo xanh trải qua một thập kỷ chìm nổi, giờ vẫn còn vẹn nguyên một giấc mơ đăng quang tại Champions League. Những cậu bé mới ra ngõ đã chạm tới thành công như Messi, Ronaldo có lẽ chưa bao giờ hiểu nổi khát khao trong những trái tim của Terry, của Lampard hay của Drogba lớn đến mức nào.

Tuổi tác không cho phép họ có thể cống hiến đều đặn cho đội bóng. Và như một lẽ thường tình, Lampard và Drogba chấp nhận làm những cascadeur, những kẻ đóng thế bất đắc dĩ, những vị trí hoàn toàn xa lạ nếu đem so với quyết tâm họ vẫn thường mang vào mỗi trận đấu.

 

3. “Chất Chelsea” vẫn vậy, người Chelsea vẫn thế từ cả thập kỷ nay. Và cũng giống như Messi, Ronaldo, những chiến lược gia quen với phận chiếu trên như Scolari hay Villas-Boas chẳng bao giờ hiểu nỗi lòng của Lampard hay Drogba, những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để nhuộm thắm lá cờ tung bay trên cổng Stamford Bridge.

Phải dùng phận cascadeur mới có thể hiểu được những kẻ đóng thế nghĩ gì. Avram Grant và Roberto Di Matteo có thể thua đồng nghiệp về tài năng, nhưng họ lại làm được điều mà không phải ai cũng làm được: khích lệ tinh thần chiến đấu của các học trò. Thành công và danh hiệu không phải là thứ đồ xa xỉ chỉ thuộc về những ai có điều kiện. Nó vẫn dành một lối nhỏ cho những ai biết ước mơ và quyết tâm thực hiện.

Sếp sòng của Chelsea từng nói thế này: “Mục tiêu là chiến thắng. Không phải để kiếm tiền. Tôi có nhiều cách kiếm tiền ít mạo hiểm hơn việc đó. Tôi không muốn ném tiền qua cửa sổ, nhưng nó thật sự mang lại cảm giác và điều đó có nghĩa là thành công và chiến thắng.”

Nghề cascadeur cũng vô cùng mạo hiểm. Những ai dũng cảm dám dấn thân vào đều xác định lúc nào cũng có thể “bay”.

Nhưng điều đó thì có hề chi. Thành công luôn chỉ có một và nhiệm vụ của cascadeur là chỉ cần đóng chứ không phải diễn.

Quân Hào

Bình luận
vtcnews.vn