Bi kịch nữ sinh lớp 8 giết người

Pháp luậtThứ Bảy, 19/01/2013 08:06:00 +07:00

Trước vành móng ngựa, thói ngang tàn hung hăng của thiếu nữ 14 tuổi lúc gây án tan biến từ lúc nào, để lại một bờ vai mỏng manh run rẩy.

Trước vành móng ngựa, thói ngang tàn hung hăng của thiếu nữ 14 tuổi lúc gây án tan biến từ lúc nào, để lại một bờ vai mỏng manh run rẩy.

Tuổi thơ không trọn vẹn

Ba bị cáo có số phận khác nhau nhưng chúng đều là những đứa trẻ sớm chịu thiệt thòi, không được sống trong một gia đình trọn vẹn.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Ngân (16 tuổi, ngụ Cần Giờ, TP.HCM) được xác định là đối tượng giữ vai trò chính trong vụ giết người nhưng Ngân lại là bị cáo nhỏ tuổi nhất, dáng người nhỏ thó so, gương mặt non bợt so với hai bị cáo còn lại. Ngân sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Bị cáo Ngân được dẫn giải sau phiên tòa 

Từ nhỏ, cha bỏ đi để lại Ngân và chị cho người mẹ nuôi dưỡng. Không học hành, không nghề nghiệp, người mẹ trẻ quanh năm làm thuê làm mướn để lo tiền thuê nhà, trang trải cuộc sống. Ngân là con nhỏ, sớm chịu thiệt thòi nên dù nhà nghèo nhưng vẫn có phần được cưng chiều, ương ngạnh. Ngoài giờ đi học, cô bé thường rong chơi với bạn bè.

Trong số các bạn của Ngân, người Ngân thân nhất có lẽ là Lê Thị Huỳnh Xương (20 tuổi) – một đàn chị học chung thời tiểu học, ở gần nhà trọ. Nói là đàn chị nhưng nhìn Xương từ mái tóc, dáng đi, cách ăn mặc cho đến giọng nói…tất cả đều giống con trai.

Khoác một chiếc áo khoác và chiếc quần jean kiểu con trai, mái tóc ngắn củn để chìa hai tai khiến Xương trở thành người gây chú ý. Xương cũng là đứa sớm mồ côi cha.

Ngồi ở hàng ghế dự khán, một người quen của Xương thở dài cho biết: “Con bé từ nhỏ đã thế rồi. Từ đầu tóc, ăn mặc đều giống hệt con trai. Gia đình có la rầy nó, nó cũng vậy nên chẳng biết làm thế nào. Thấy con bé Ngân cũng hiền lành, ở nhà chơi với con bé Xương suốt mà không hiểu sao lại xảy ra cơ sự…”.

Đứng cạnh Xương, Lê Thị Hồng Thảo (23 tuổi) là bị cáo còn lại trong vụ án. Dáng dấp mảnh khảnh, mái tóc duỗi thẳng, nhuộm vàng nhìn Thảo nữ tính như một tiểu thư nhà giàu. Thế nhưng thực ra Thảo cũng là một cô gái mồ côi cha, không biết chữ, làm nghề bán vé số dạo để phụ giúp gia đình. Từ ngày xảy ra vụ án, mẹ chết, Thảo trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Bi kịch

Khi vị đại diện Viện kiểm sát kết thúc phần công bố cáo trạng, Hội đồng xét xử bước vào phần thẩm vấn. Ngân được gọi lên đứng vào vành móng ngựa, từng bước chân ngập ngừng, nặng trĩu.

Theo nội dung vụ án, trưa ngày 23/6/2011, nhóm bạn của Ngân gồm Nguyễn Phương Mai cùng ba người trong nhóm đến quán internet Thanh Huy trên đường Rừng Sác tại ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ để chơi game và chat với Lê Thị Hồng Thảo.

Tại đây, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn trên mạng. Khi biết Thảo là người đang chơi cùng ở tiệm internet, Mai lấy xe đạp về gọi Ngân đến để đánh Thảo.

Biết sự việc, gia đình Thảo ập đến. Sợ hãi, cả nhóm Mai bỏ chạy, chỉ còn Ngân đứng lại một mình. Lúc này, chị gái Thảo túm tóc Ngân lôi ra định đánh nhưng nghe Ngân cho biết mình không đánh Thảo nên buông ra.

Chiều hôm ấy, về nhà Ngân lấy con dao bấm trong cặp bỏ vào túi quần đến nhà Lê Thị Huỳnh Xương kể lại sự việc, rủ Xương đến tận nhà Thảo để làm cho ra lẽ. Sau hồi cự cãi, Xương và Thảo kéo nhau ra con hẻm gần nhà để phân thắng bại.

Một lúc sau, phát hiện sự việc nên mẹ, chị gái, em trai, anh rể Thảo lại kéo đến. Người lớn đã không khuyên răn con trẻ dừng lại mà tất cả ùa vào “cuộc chiến”.

Kết thúc cuộc chiến không cân sức, Ngân rút dao đâm mẹ Thảo nhiều nhát dẫn đến tử vong. Thảo trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngân trở thành hung thủ giết người khi mới 14 tuổi 4 tháng. Thảo và Xương cũng bị khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Líu ríu nhận tội trước vành móng ngựa, thói ngang tàn hung hăng của thiếu nữ 14 tuổi lúc gây án tan biến từ lúc nào, để lại một bờ vai mỏng manh run rẩy.

 

Giá như, trước mâu thuẫn trẻ con vụn vặt, gia đình có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn thì nạn nhân đã không phải chết, Ngân không phải vào tù và chính Thảo cũng không phải ra trước vành móng ngựa.


 
“Tại sao bị cáo cầm dao đâm nạn nhân?” – “Dạ, tại lúc đó con bị đánh nhiều quá nên mới cầm dao quơ đại không ngờ…”. “Bị cáo nói là quơ nhưng nạn nhân bị vết thương đâm thủng tim với lực rất mạnh. Lời khai của bị cáo Tòa sẽ xem xét nhưng bị cáo nghĩ sao khi tuổi còn rất nhỏ, người cũng rất nhỏ mà cầm dao đến nhà nạn nhân? Giờ ở tù bị cáo nghĩ sao?” – “Dạ, con biết con sai rồi…”, Ngân run rẩy, vừa khóc vừa trả lời, từng tiếng nấc bật ra từ cổ họng.


Được mời lên thẩm vấn, chị gái Thảo với tư cách đại diện gia đình bị hại cho biết gia đình vô cùng đau đớn trước cái chết của mẹ mình. Cha đã mất sớm nên giờ đây với họ nỗi đau mất mẹ không gì bù đắp nổi. Thế nhưng, từ ngày xảy ra vụ án, mẹ Ngân không lui tới hỏi han nửa lời. Sau những phút phân trần của chị, vị chủ tọa phân tích nguyên nhân của kết cục đau lòng trên có phần xuất phát từ chính lối hành xử thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn của người lớn trong gia đình chị.

Giá như, trước mâu thuẫn trẻ con vụn vặt, gia đình có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn thì nạn nhân đã không phải chết, Ngân không phải vào tù và chính Thảo - em gái chị cũng không phải ra trước vành móng ngựa. Nghe vậy, chị gái Thảo khẽ gật đầu. Chị chỉ yêu cầu bồi thường tiền mai táng phí là 104 triệu đồng.

Trước lời trình bày của gia đình bị hại, mẹ Ngân bần thần. Chị cho biết từ ngày con gây chuyện tày trời, chị rất sợ nên không dám lui tới nhà nạn nhân. Giờ tòa buộc bồi thường, chị không biết phải làm sao để xoay sở khoản tiền này.

Cuối cùng, Tòa tuyên phạt Ngân mức án 8 năm tù về tội “giết người’, Lê Thị Huỳnh Xương 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Lê Thị Hồng Thảo 6 tháng tù cùng về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Nhìn con bị áp giải lên xe về trại, gương mặt người mẹ trẻ dại đi. Giá như, người lớn biết quan tâm, giáo dục đến con trẻ nhiều hơn thì đâu đến nỗi gia đình tan tác, đau buồn đến vậy?

Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn