Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar

Thời sự quốc tếThứ Ba, 02/03/2021 07:19:56 +07:00
(VTC News) -

Khi phong trào bất tuân dân sự bước sang tháng thứ hai, các nhà cầm quyền quân sự thêm cáo buộc chống lại Cố vấn Aung San Suu Kyi.

Đó là một cái chết đột ngột. Bà mẹ đơn thân, Ma Daisy Kyaw Win, đi mua đồ ăn nhẹ cho cậu con trai 6 tuổi ở Mandalay, và dừng lại nhìn khi những người biểu tình chống quân đội chạy trốn khỏi cảnh sát.

Khi cô đứng đó, một viên đạn găm vào đầu, và cô chết tại chỗ. Daisy Kyaw Win, một người dọn dẹp khách sạn 32 tuổi, đã được chôn cất vào 1/3, theo truyền thống đạo Hồi.

Cô là một trong số ít nhất 19 người bị lực lượng an ninh bắn chết hôm 28/2 trong đợt phản ứng khắc nghiệt nhất của chế độ quân sự đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, kể từ khi lực lượng này giành quyền kiểm soát đất nước trong cuộc đảo chính ngày 1/2.

“Cô ấy chỉ là một người ngoài cuộc khi bị bắn", chị của cô, Ma Kay Thi Kyaw Win, nói. "Đất nước của chúng tôi không có pháp luật kể từ cuộc đảo chính vì quân đội và cảnh sát".

Một phong trào bất tuân dân sự bao gồm ngừng làm việc và biểu tình lan hàng ngày trên khắp đất nước, hiện đã bước sang tháng thứ hai, thách thức tính hợp pháp của các nhà cầm quyền quân sự và sự lãnh đạo của họ.

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 1

Giáo viên biểu tình ở Mandalay ngày 28/2. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 2

Người biểu tình chặn đường ở Mandalay. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 3

Lực lượng an ninh vài phút trước khi bắn vào đám đông ở Mandalay. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 4

Người biểu tình chạy trốn hơi cay. (Ảnh: NYT)

Lực lượng an ninh bắt giữ hơn 1.100 người kể từ cuộc đảo chính, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị. Trong số đó có hai nhà lãnh đạo dân sự hàng đầu của đất nước, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.

Cả hai đều phải đối mặt với những cáo buộc hình sự dường như ít nghiêm trọng nhưng có thể khiến họ phải ngồi tù trong nhiều năm. Trong một phiên tòa hôm 1/3, các công tố viên đã đưa ra những cáo buộc mới chống lại họ.

Bà Aung San Suu Kyi, người trước đó bị cáo buộc vi phạm các hạn chế nhập khẩu do sở hữu bộ đàm (được tìm thấy tại nhà của bà), đã bị cáo buộc thêm vi phạm hành vi viễn thông khi sử dụng chúng. Người bào chữa cho bà nói rằng bộ đàm thuộc về các nhân viên an ninh được giao nhiệm vụ bảo vệ bà. Các nhân viên này do Bộ Nội vụ phân công, một trong ba bộ do Tổng tư lệnh quân đội kiểm soát và không có giám sát dân sự.

Bà Aung San Suu Kyi cũng bị cáo buộc vi phạm một điều luật chống lại việc đưa ra tuyên bố có thể gây báo động với công chúng và xúi giục ai đó hành động chống lại nhà nước. Để làm bằng chứng, các công tố viên trích dẫn các tuyên bố được đưa ra kể từ cuộc đảo chính của một nhóm các thành viên Quốc hội. Nhóm này bao gồm nhiều người thuộc đảng của bà, những người chưa bị bắt và đang tìm kiếm sự công nhận của quốc tế để có thể là các nhà lãnh đạo hợp pháp của Myanmar.

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 5

Người dân giúp đỡ một người đàn ông bị bắn ở chân hôm 28/2. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 6

Nhân viên y tế tình nguyện đến giúp những người bị thương. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 7

Thurein, 21 tuổi, bị bắn bằng đạn cao su ít nhất 3 lần vào ngực và đầu hôm 26/2. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 8

Họ hàng của U Yarzar Aung, 26 tuổi, một công nhân xây dựng bị lực lượng an ninh bắn, trong lễ tưởng niệm anh. (Ảnh: NYT)

Trong 5 năm Aung San Suu Kyi làm lãnh đạo dân sự, bà đã liên tục kêu gọi chính phủ hủy bỏ luật đó nhưng bị từ chối. Ông Win Myint bị cáo buộc vi phạm luật tương tự. Cả hai đều bị cáo buộc vi phạm các quy tắc hạn chế COVID-19 vào tháng trước, khi tương tác với công chúng.

Aung San Suu Kyi, người đã bị quản thúc 15 năm trong thời kỳ quân đội trước đây, hiện phải đối mặt với tổng cộng 9 năm tù giam. Ông Win Myint phải đối mặt với bản án 5 năm.

Đây là lần xuất hiện thứ hai tại tòa của họ. Các phiên tòa hình sự chỉ được tiến hành hai tuần một lần ở Myanmar và thường theo các phiên họp ngắn, có nghĩa là quá trình tố tụng có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Thẩm phán xét xử các vụ kiện của họ đã từ chối cho luật sư tham gia. U Khin Maung Zaw, luật sư của bà Aung San Suu Kyi, cho biết ông cố gắng tham dự phiên tòa nhưng bị chặn không cho vào.

“Chúng tôi đã lắng nghe nó từ cách đó hơn 3 mét”, ông nói.  “Tôi có thể nghe thấy giọng của Aung San Suu Kyi. Từ giọng nói đó thì bà ấy có vẻ khỏe mạnh. Tôi nghe nói bà đã yêu cầu được gặp luật sư của mình”.

Các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự đã liên tục diễn ra trong tháng qua. Vào ban ngày, hàng nghìn người diễu hành qua các đường phố, dù bị cấm tụ tập hơn 4 người, và vào ban đêm, họ đập nồi chảo vào nhau để phản đối.

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 9

Các ni cô tuần hành phản đối hôm 26/2. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 10

Sinh viên y, bác sĩ và kĩ sư biểu tình tại Mandalay hôm 26/2. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 11

Quân đội và cảnh sát bắt giữ một gia đình hôm 26/2. (Ảnh: NYT)

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 12

Người biểu tình bị thương được điều trị tại một trung tâm xã hội ở Mandalay hôm 26/2. (Ảnh: NYT)

Các lực lượng an ninh tiếp tục trấn áp những người biểu tình vào 1/3, nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Đối với những người thân của Daisy Kyaw Win, cái chết của cô không phải là một tuyên bố chính trị mà là một bi kịch cá nhân.

Chị gái Kay Thị Kyaw Win, cho biết con trai cô, Myat Thaw Maung, luôn đợi mẹ về nhà.

“Thật đau lòng khi thấy cháu trai tôi hỏi khi nào mẹ nó sẽ về và ngủ với nó một lần nữa”, cô nói.

Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar - 13

Người dân chặn đường và đối đầu với lực lượng cảnh sát. (Ảnh: NYT)

Phương Anh(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp