Bi kịch của một thành phố khi kinh tế Trung Quốc chuyển mình

Kinh tếThứ Ba, 23/08/2016 07:05:00 +07:00

Du Lâm (Thiểm Tây, Trung Quốc) đang gặp bi kịch khi năm 2015, GDP của thành phố chỉ tăng 4,3% - thấp hơn nhiều mức đỉnh 23% năm 2008 dù kinh tế Trung Quốc đang chuyển mình.

Gao Jing - một hướng dẫn viên du lịch ở Du Lâm (Thiểm Tây, Trung Quốc) cho biết cô đã cố học tiếng Anh để đón khách quốc tế, khi thành phố này lên kế hoạch biến mình thành điểm du lịch, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển hướng phát triển. Du Lâm nổi tiếng về than đá, dầu mỏ và khí đốt.

Tuy nhiên, khách quốc tế giờ vẫn chẳng thấy đâu. Còn Gao cũng gần quên hết tiếng Anh rồi. Cô đã làm hướng dẫn viên ở đây 10 năm.

"Họ nói rất nhiều về việc phát triển ngành du lịch. Nhưng hiện thực hóa chúng lại là vấn đề khác", Gao cho biết, "Nếu đầu tư vào năng lượng, anh sẽ thấy kết quả ngay. Nhưng đầu tư vào du lịch thì phải 10 hoặc 100 năm nữa".

Một tòa nhà ở khu kinh tế mới thuộc Du Lâm. Ảnh: Reuters

Một tòa nhà ở khu kinh tế mới thuộc Du Lâm. Ảnh: Reuters

Kinh nghiệm của Du Lâm là bài học với nhiều thành phố Trung Quốc khác đang muốn chuyển hướng phát triển kinh tế. Tạo dựng ngành dịch vụ vững mạnh cần thời gian. Và trong lúc chờ đợi, anh không nên từ bỏ thế mạnh công nghiệp của mình.

Khi nền kinh tế bão hòa, Trung Quốc đang cố chuyển hướng từ xuất khẩu và sản xuất sang tiêu dùng và dịch vụ. Du Lâm từng được giới truyền thông coi là hình mẫu cho quá trình này.

Các bài báo liên tiếp ca ngợi thành công của họ trong việc đa dạng hóa nền kinh tế, không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện tại. Chính quyền thành phố này còn nổi tiếng với kế hoạch 27 bước, công bố năm 2013, nêu rõ quá trình chuyển đổi kinh tế sẽ diễn ra thế nào.

Nhưng kể từ đó, chưa điều gì diễn ra đúng kế hoạch cả. Nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp kéo tụt mọi ngành công nghiệp, cả du lịch và năng lượng tái tạo - những ngành được chọn làm lực đẩy cho kinh tế địa phương.

"Từ thời đỉnh cao của than đá, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện chuyển đổi kinh tế rồi. Nhưng vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi", Zhang Changqing - người phụ trách đầu tư tại Du Lâm cho biết.

Người dân ngồi bên ngoài một khu mua sắm tại đây. Ảnh: Reuters

Người dân ngồi bên ngoài một khu mua sắm tại đây. Ảnh: Reuters

Mục tiêu của Du Lâm là chuyển sang ngành dịch vụ, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, đồng thời sản xuất than đá, dầu mỏ và khí đốt có giá trị gia tăng cao hơn. Dịch vụ đóng góp 30% GDP Du Lâm năm 2015. Chính quyền thị trấn này đã đặt mục tiêu tăng con số này lên 40% năm 2020.

Dù vậy, với dân số chỉ 3,4 triệu người, Du Lâm là thành phố khá nhỏ tại Trung Quốc. Và tương lai bất ổn của Du Lâm là ví dụ điển hình cho khó khăn của các thành phố nhỏ tương tự.

Năm 2015, GDP Du Lâm chỉ tăng 4,3% - thấp hơn nhiều mức đỉnh 23% năm 2008. Nửa đầu năm nay, nguồn thu của họ giảm 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và năm 2015, đầu tư vào ngành dịch vụ cũng giảm 36,6%

Càng khó khăn hơn cho Du Lâm là các thành phố lân cận, như Ordos và Baotou ở Nội Mông, cũng đang cố thu hút đầu tư và phát triển các ngành như du lịch. "Chúng tôi khó làm du lịch lắm. Chúng tôi không có lịch sử như Tây An (Thiểm Tây)", một quan chức về hưu tại đây cho biết, "Anh có khi cả đời chỉ đến Du Lâm một lần, và đi dạo nửa ngày là hết".

Chính quyền thành phố đang cố thúc đẩy tiêu dùng, thông qua thương mại điện tử và các cửa hàng truyền thống. Tuy nhiên, người dân địa phương cũng ngần ngại chi tiêu trong thời kỳ khó khăn. Năm ngoái, Walmart đã phải rút khỏi Du Lâm.

Các dự án bất động sản cũng đang đình trệ, khiến công nhân ít việc làm hơn, và nhu cầu nguyên vật liệu cũng giảm sút. Trải khắp thành phố là các tòa nhà chưa hoàn thiện, hoặc chẳng có ai đến ở - khác xa ngày mà người dân còn lên kế hoạch tiêu tiền khi bất động sản bùng nổ.

Khi chính quyền lên kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời hay gió, họ lại nhận ra nhu cầu năng lượng đã co lại khi bất động sản hạ nhiệt.

Dù vậy, Du Lâm chưa từ bỏ hẳn các ngành công nghiệp đã giúp họ bùng nổ kinh tế. Trên thực tế, các nỗ lực tăng sức cạnh tranh cho ngành dầu mỏ, than đá của họ đã phát huy tác dụng.

Trung tâm Mua bán Than đá Du Lâm đã chuyển từ logistics và quản lý chất lượng sang cung cấp toàn bộ dịch vụ cho khách hàng, từ thu mua đến hỗ trợ tài chính. Khách hàng của họ rải khắp đất nước,.

"Không như các công ty nhỏ khác có thể đánh tráo than, chúng tôi đủ lớn để khiến khách hàng yên tâm về sản phẩm. Lợi thế của chúng tôi nằm ở chỗ sẽ không ôm tiền của khách để bỏ trốn", Luo Wenjie - một lãnh đạo công ty cho biết.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn