Bị khủng bố, trù dập nhưng vẫn chống tham nhũng

Thời sựThứ Tư, 08/09/2010 07:59:00 +07:00

(VTC News) – “Tôi liên tục bị khủng bố tinh thần, trù dập. Dù gian nguy, tôi vẫn chống tham nhũng đến cùng”, chị Mỹ Anh nghẹn ngào kể lại.

(VTC News) – “Tôi liên tục bị khủng bố tinh thần, trù dập. Dù biết là tiêu cực nhưng tôi đã phải đấu tranh đến con đường cùng là dọa tự thiêu nếu cơ quan chức năng không có ý kiến. Dù gian nguy, tôi vẫn chống tham nhũng đến cùng”, chị Mỹ Anh, một cá nhân tiêu biểu trông công cuộc chống tham nhũng nghẹn ngào kể lại.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm hỏi ông Phùng Chí Công - một cá nhân chống tham nhũng tiêu biểu

Ngày 7/9, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị biểu dương các cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng. 88 đại biểu từ khắp các vùng miền, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã về dự Hội nghị.

Cuộc chiến chống quan tham

Một trong những câu chuyện thu hút nhiều nhất sự quan tâm của các đại biểu là chặng đường đi tìm chân lý của ông Nguyễn Kim Hợp xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Khoảng tháng 3/2005, ông Hợp phát hiện ra tình trạng tham nhũng đất đai của “quan” xã.

Sau một thời gian ấp ủ ý chí chống tham nhũng, ông quyết định đóng vai người đi mua đất để thu thập tài liệu chứng cứ. Để có tiền, người đàn ông này đã bán bò, vay ngân hàng hơn 20 triệu đồng để mua máy ảnh, máy ghi âm làm công cụ đấu tranh, chống tham nhũng.

Sau thời gian vất vả, ông đã phát hiện 22 “quan” xã tham nhũng đất đai. Số tiền bán đất lên tới hàng tỷ đồng không nhập về nhà nước mà số cán bộ này tự ý thu, chia chác nhau.

Tháng 5/2006, công an đã bắt 6 bị can trong đó có 5 cán bộ, đảng viên và 1 công chức thuộc các ban ngành của UBND huyện Hương Khê và lãnh đạo xã Phú Phong.  

Tâm sự cảm động nhất của hội nghị là của một nữ cựu chiến binh tại Hà Nội. Trong bộ quân phục đã bạc màu, nữ cựu binh Nguyễn Thị Hòa (quận Tây Hồ, Hà Nội) lau nước mắt khi đứng lên phát biểu. "Đến lúc này, khi đứng tại vị trí này đây, tôi không biết nên khóc hay nên cười. Sáng nay, trước khi bước chân ra khỏi nhà tôi lại nhận được lời hăm dọa sẽ cắt gân chân nếu tiếp tục chống tham nhũng".

Bà Hòa kể lại, từ khi tố cáo sai phạm trong quản lý đất đai tại khu vực hồ Tây, bà luôn bị quấy rối, khủng bố tinh thần. Rất nhiều đêm, đối tượng lạ mặt gọi điện thoại cho bà dọa giết, con cái bà khi đi đường bị chặn xe, đe dọa. Thậm chí vào ngày Tết, nhà bà bị đổ phân, ném chuột chết.... Và mới đây nhất, một quả mìn đã được "bỏ quên" trước cửa nhà.

Nhưng điều khiến cựu binh này đau xót nhất là sự vào cuộc chậm chạm của cơ quan chức năng. Thậm chí, theo bà Hòa, một số cán bộ liên quan còn được thăng chức!

Nhiều tấm gương khác cho thấy, công cuộc chống tham nhũng trải dài những chông gai và nước mắt.

Đọc tham luận trong nước mắt, chị Dương Thị Mỹ Anh, nhân viên kế hoạch đội Công trình đô thị quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho biết, do không chịu nổi cảnh công nhân cả năm chỉ dám chi dùng một đôi giày dởm, khi đi vào còn bị tóe máu còn lãnh đạo thì tiêu xài hoang phí, tham ô tài sản, đưa hối lộ, mua bán trái phép hóa đơn... Người phụ nữ này đã vào cuộc đấu tranh, đòi lại công bằng.

Hậu quả là 27 năm công tác chị không được phát triển Đảng, bị cắt lương, trù dập cô lập và cuối cùng là bị cho thôi việc. Nỗi thống khổ còn chưa hết.

Gia cảnh chị quá khó khăn khi chồng bị tật ở chân và lưng từ nhỏ, đi lại khó khăn, lại thêm cả bệnh viêm thận cấp tính và lao phổi. Hai cháu nhỏ thì một cháu bị bại não mất năm 12 tuổi còn cháu thứ hai đang theo học lớp 9. “Tôi liên tục bị đe dọa, trù dập. Dù biết là tiêu cực nhưng tôi đã phải đấu tranh đến con đường cùng là dọa tự thiêu nếu cơ quan chức năng không có ý kiến song đến lúc này, vẫn có cảm giác đơn độc”, chị Mỹ Anh nghẹn ngào kể lại.

Nhưng nước mắt không chỉ đến từ những phụ nữ tiêu biểu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng HĐND, UBND quận Ô Môn đã kể lại chuỗi ngày phát hiện tố cáo hàng loạt sai phạm trên địa bàn quận, những kẻ vi phạm đã phải trả giá nhưng bản thân ông và gia đình đã chịu quá nhiều đắng cay.

Năm 1997, sau khi ông phanh phui vụ việc các lãnh đạo địa phương bán tài sản nhà nước lấy tiền chia nhau, gia đình ông bị xã hội đen mang theo dao búa gậy gộc, bao vây nhà riêng hàng tháng trời. Mặc dù sự việc đã được báo lên cơ quan công an nhưng gia đình ông vẫn đơn độc.

Thậm chí, tại cơ quan, ông bị lãnh đạo huyện tỉnh mời lên mời xuống nhiều lần. “Con tôi tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng ra trường 2 năm vẫn không xin được việc làm, dù nhiều nơi thiếu người nhưng không ai dám nhận vì là con của người chống tham nhũng” ông Công kể lại.

Còn ông Hoàng Văn Khánh, Tổng GĐ Công ty Cổ phần Dệt may xuất khẩu Hải Phòng, người đưa nguyên Phó Tổng GĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN ra ánh sáng vì hành vi nhận hối lộ 1 tỷ đồng cũng ngậm ngùi vì sau khi tố cao tham nhũng, DN do ông đứng đầu từ làm ăn có hiệu quả, có số vốn hàng trăm tỷ đồng đã đứng bên bờ vực phá sản vì không thể huy động vốn ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào. 

Bảo vệ người chống tham nhũng

Lý giải về những bức xúc của người chống tham nhũng khi bị đe dọa, trù dập và trả thù, ông Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, thừa nhận, đặc thù của đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy, hình thức trả thù cũng rất tinh vi, không phải chỉ trong trước mắt mà còn lâu dài; không phải chỉ bằng bạo lực mà còn thông qua nhiều hình thức tinh vi khác. 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định, để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cần đặc biệt tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, công sở và tiếp tục nhân rộng các điển hình.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng BCĐ và Bộ Công an  sớm hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo các hành vi tham nhũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Nội vụ cũng cần hoàn chỉnh cơ chế khen thưởng người tố cáo tham nhũng.

Các cơ quan hữu quan cần có trách nhiệm đồng hành và quan tâm hơn nữa đến việc động viên, bù đắp mất mát của các cá nhân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. 

Bình Chi

 

Bình luận
vtcnews.vn