Bị khởi tố khung hình phạt cao nhất, Chủ tịch Tân Hiệp Phát đối diện mức án nào?

Bản tin 113Thứ Ba, 11/04/2023 06:01:00 +07:00
(VTC News) -

Theo luật sư, cơ quan điều tra đã khởi tố Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng con gái ở khung hình phạt cao nhất của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định, hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với quyết định khởi tố bị can về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự thì ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát và con gái sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.

Bị khởi tố khung hình phạt cao nhất, Chủ tịch Tân Hiệp Phát đối diện mức án nào? - 1

Bị can Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. (Ảnh: Bộ Công an).

Theo luật sư Đặng Văn Cường, tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Theo đó, người thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là đã nhận được tài sản của tổ chức, cá nhân thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp (có thể là vay mượn, thuê, hợp tác đầu tư..).

Sau đó, người này nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản nên đã gian dối hoặc bỏ trốn nhầm chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại, hoặc có nghĩa vụ trả lại tài sản theo quy định của pháp luật nhưng cố tình không trả lại tài sản, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản.

Tài sản trị giá từ 4.000.000 đồng trở lên thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều 175 bộ luật hình sự.

Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ xác định trong số những người tố cáo các bị can thì ai là người bị hại, giao dịch dân sự được diễn ra khi nào, số tiền chuyển giao cho các bị can là bao nhiêu, chứng cứ nào để chứng minh có việc chuyển tiền. Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thủ đoạn chiếm đoạt tài sản ở đây là gì... Từ đó, làm căn cứ xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều 175 Bộ luật Hình sự.

"Hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can ở khung hình phạt cao nhất của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (với hình phạt tới 20 năm tù) cho thấy quan điểm của cơ quan điều tra cho rằng tài sản mà các bị can chiếm đoạt có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Bị khởi tố khung hình phạt cao nhất, Chủ tịch Tân Hiệp Phát đối diện mức án nào? - 2

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, với nhiều người có đơn thư, vụ việc phức tạp kéo dài có liên quan đến doanh nghiệp lớn, doanh nhân có uy tín trong thương trường.

Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ tình tiết của vụ án, xác định làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ các giao dịch dân sự mà các bên đã thiết lập và thực hiện trước đó, xác định các yếu tố để cho thấy có hành vi chiếm đoạt tài sản và giá trị tài sản chiếm đoạt để làm căn cứ chứng minh tội phạm, làm cơ sở để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, nhiều người có đơn thư, các bên có nhiều giao dịch chuyển giao tài sản trước đó. Vì thế, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các giao dịch dân sự, các hành vi chuyển giao tài sản để xác định ngoài hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đã khởi tố thì các giao dịch khác chuyển giao tài sản có hành vi nào có yếu tố gian dối trước khi nhận tài sản hay không, để khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy có nhiều quan hệ dân sự trước đó và nhiều lần thực hiện hành vi gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ xác định các bị can có hành vi phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định trong số các giao dịch giữa các bên thì giao dịch nào là hợp pháp, không có yếu tố chiếm đoạt, giao dịch nào có yếu tố chiếm đoạt tài sản để xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn