Bị hành vì nạn "xe nhồi, chặt chém" sau Tết

Kinh tếThứ Bảy, 20/02/2010 05:47:00 +07:00

(VTC News) – Theo phản ánh của một số hành khách đi xe, đã xuất hiện tình trạng nhồi nhét các “thượng đế”, nhất là các xe xuất phát từ các tỉnh miền Trung.

(VTC News) –  Vì lượng khách quá đông, mà số xe chỉ có giới hạn nhất định, nên theo phản ánh của một số hành khách đi xe, đã xuất hiện không ít tình trạng nhồi nhét các “thượng đế”, nhất là các xe xuất phát từ các tỉnh thuộc khu vực miền Trung.

Hà Nội: Tăng lượng xe gấp đôi, khách vẫn bị "nhồi"

Sáng 20/02, phóng viên VTC News đã có mặt tại các bến xe lớn trong nội thành Hà Nội để ghi nhận không khí quay trở lại Hà Nội làm việc của nhiều người từ khắp các tỉnh thành đổ về.

Tại bến xe Mỹ Đình, số lượng hành khách quay trở lại sau dịp Tết rất đông, trong bến xe cũng như các tuyến đường ngoài bến hành khách xuống xe đứng chật kín hai bên đường. Nhiều người “tay xách nách mang” nhiều đồ đạc và hành lý đợi taxi và xe ôm nhưng vì nhu cầu khách đi lại quá cao nên nhiều người phải chờ ... dài cổ. 

Rất đông người dân trở lại Hà Nội sau dịp Tết, ảnh tại bến xe Mỹ Đình. 

Khi được hỏi về tình trạng giá vé xe trong những ngày cao điểm này, nhiều hành khách cho biết, năm nay giá vé xe của các tuyến chạy từ ngoại tỉnh về Hà Nội không có tình trạng tự ý tăng giá vé như nhiều năm trước, các tuyến xe của các công ty vận tải khi thu tiền vé đều được thu tiền đúng giá niêm yết và nhận cuống vé đầy đủ từ chủ xe. Tuy nhiên, tình trạng “nhồi nhét” khách trên nhiều tuyến xe vẫn xảy ra.

Chị Nguyễn Thu Hằng, nhân viên công ty Bất động sản BDS Hà Nội đi tuyến Cao Bằng – Mỹ Đình cho biết: “Khi mới bắt đầu xuất bến, các lái xe vẫn chấp hành nghiêm chỉnh qui định của bến xe là xếp khách đủ chỗ ngồi, nhưng khi xe chạy trên đường thì họ vẫn tự nhiên đón thêm khách.

Nhiều hành khách phải ngồi chen chúc nhau trên xe rất khó chịu nhưng ai cũng muốn nhanh xuống Hà Nội sớm để nghỉ ngơi rồi kịp đi làm nên đành tặc lưỡi!”

Chị Hà Thị Linh, đi tuyến Cẩm Phả - Mỹ Đình cũng gặp phải tình trạng “nhồi nhét” khách bức xúc thuật lại: “ Nhiều người trên chuyến xe của mình còn phải đứng suốt cuộc hành trình rất mệt mỏi, hành khách kêu than thì lái xe chỉ bảo là mấy ngày Tết khách đông nên thông cảm. Đến là khổ!”
Người dân với rất nhiều đồ đạc chờ taxi hay xe ôm nhưng dịch vụ này cũng đang "cháy". 

Nhiều lái xe ở bến Mỹ Đình từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng “nhồi nhét” thêm khách và khẳng định là xe chỉ xếp đủ chỗ ngồi rồi đi thẳng tuyến về Hà Nội, mặc dù có rất nhiều hành khách vừa xuống xe phản ánh rằng xe này đã chở thêm người, vượt quá qui định (!?).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe khách Mỹ Đình Hà Nội cũng khẳng định: “Xác định đây là những dịp cao điểm người dân trở lại thủ đô làm việc sau dịp Tết nên bến xe chúng tôi đã kết hợp với nhiều đầu mối xe từ các tỉnh thành khác đẩy mạnh tăng cường thêm xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều xe vừa xuống đến Hà Nội đã phải quay đầu trở lại để đón khách.

Khắc phục tình trạng tự ý tăng giá vé xe vào những dịp cao điểm của nhiều năm trước, chúng tôi đã tăng mạnh thanh kiểm tra và tuyên bố sẽ xử lý kỷ luật nếu lái xe nào vi phạm, nên đã giảm đáng kể được vấn nạn này, đảm bảo cho hành khách được đi lại thoải mái và an toàn trong mỗi cuộc hành trình.”

Để giúp cho người dân được đi trên những chuyến xe đạt tiêu chuẩn, ông Tiến cũng đề nghị hành khách có bức xúc về giá vé xe hay chất lượng dịch vụ hãy điện thoại trực tiếp tới số điện thoại nóng: 04.37685547, để bến xe có thể xử lý tình trạng vi phạm một cách nhanh nhất.

Bến xe khách Lương Yên cũng tấp nập hành khách. 

Trái ngược với bến xe Mỹ Đình, tại bến xe khách Giáp Bát (Hoàng Mai) lượng hành khách đổ về Hà Nội không nhộn nhịp bằng, nhưng theo ông  Văn Song, trưởng ca trực tại bến xe này cho biết, ngày mai (21/2) mới là ngày cao điểm, người dân quay trở lại Hà Nội làm việc, vì vậy lượng hành khách sẽ có khả năng tăng đột biến.

Để tránh ùn tắc vào ngày 21/2, bến xe Giáp Bát sẽ phối hợp với Xí nghiệp xe Buýt Hà Nội tăng cường khoảng 400 chuyến xe để đưa đón người dân từ bến xe về nơi ở được thuận tiện nhất.

... và "chặt chém"

Theo phản ánh của một số hành khách xuống xe tại bến xe Giáp Bát, thì tình trạng "nhồi nhét" khách ở bến xe này tương đối ít, nhưng "đổi lại", hành khách đi trên một số tuyến ở đây lại bị "chặt chém" về giá vé cao hơn so với ngày thường.

Chị Nguyễn Thị Mai, sinh viên trường Trung cấp Kĩ thuật Tin học đi tuyến xe Bình Lục ( Hà Nam) lên Hà Nội đã ngả ngửa khi giá vé xe tăng lên gần gấp đôi so với ngày thường. Giá vé hàng ngày theo chị là 30.000 đồng/người nhưng hôm nay chị đi đã phải trả giá vé là 50.000 đồng/người.

Anh Trần Thanh Bình, Sinh viên Đại học Điện Lực cũng đi tuyến xe từ Hòa Hậu (Hà Nam) lên Hà Nội và cũng bị thu tiền giá vé cao hơn so với giá vé qui định 10.000 đồng/người. Theo anh Bình, đây cũng là tình trạng chung ngày Tết mà nhiều khi đi xe hành khách cũng "đều phải chấp nhận".

Hôm nay, lượng hành khách đổ về bến xe Giáp Bát vẫn còn thưa thớt. 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết: " Đối với những xe nào thu tiền vé xe của hành khách vượt so với giá vé qui định mà bị hành khách phản ánh trực tiếp với Ban quản lý bến xe, chúng tôi sẽ tiến hành từ chối phục vụ xe đó đón trả khách tại bến và sẽ có biện pháp xử phạt hành chính với chủ xe."

Ông Thành cũng cho biết thêm, mọi hành khách có phản ánh về tình trạng vé xe đều có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại nóng là: 04.38641467, yêu cầu hành khách nhớ rõ biển số của xe vi phạm và giữ lại cuống vé để Ban quản lý bến xe tiến hành xử phạt.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe khách Mỹ Đình Hà Nội: Hành khách có bức xúc về giá vé xe hay chất lượng dịch vụ các tuyến xe xuất phát hoặc cập bến Mỹ Đình (Hà Nội) hãy điện thoại trực tiếp tới số điện thoại nóng: 04.37685547, để bến xe có thể xử lý tình trạng vi phạm một cách nhanh nhất.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát: Hành khách có phản ánh về tình trạng vé xe đều có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại nóng là: 04.38641467, yêu cầu hành khách nhớ rõ biển số của xe vi phạm và giữ lại cuống vé để Ban quản lý bến xe tiến hành xử phạt



Tại nhiều bến xe khác như: Lương Yên, Kim Mã, lưu lượng hành khách xuống xe cũng đang kín dần. Tình trạng “phe vé” trên nhiều tuyến xe hầu như không có. Nhiều lái xe dự tính ngày mai sẽ là ngày cao điểm nhất người dân đổ về Hà Nội để đi làm nên sẽ khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc tại các bến xe và nhiều hành khách không nhanh chân có thể sẽ không có xe để kịp lên Hà Nội.

TP HCM: Không bị "hét" giá song khách vẫn bị "nhồi" chặt như nêm

Ghi nhận của pv VTC News tại 

Bến xe Miền Đông, từ 3h sáng ngày mùng 7 tết (20/2), lượng xe đổ dồn về bến bắt đầu dồn dập. Các xe nườm nượp nối đuôi nhau trung bình 5 – 10 phút/chuyến cập bến.


Từng chuyến xe chở những người dân từ các tỉnh, TP thuộc khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc và khu vực Nam Trung Bộ về với đất Sài Gòn sau thời gian nghỉ Tết tại quê nhà.

Theo Phó GĐ Bến xe Miền Đông, ông Thượng Thanh Hải, lượng khách từ các nơi “đổ” về TP.HCM bắt đầu đông từ ngày 18/2 vừa qua (mùng 5 Tết). Trung bình mỗi ngày, bến xe đón khoảng từ 30.000 – 40.000 người con về lại TP sau thời gian Tết.

“Thường thì khách sẽ thích đi xuất hành đầu xuân vào ngày chẵn hơn, do vậy lượng khách sẽ bị dồn lại, vì phong tục dân gian thường vẫn kiêng “xuất hành vào ngày lẻ”. Dự kiến, trong ít ngày tới, khách về Bến xe sẽ còn cao hơn nữa. Dự kiến lúc cao điểm nhất có thể lên đến 50.000 – 60.000 khách/ngày”.

Các xe tấp nập cập Bến xe Miền Đông vào trưa mùng 7 Tết Canh Dần. 

Tuy lượng khách trở lại TP sau tết là rất đông, nhưng nhìn chung, tình hình an ninh trật tự của bến xe vẫn được đảm bảo khá tốt. Các chuyến xe đưa khách vào bến và trả khách đúng nơi quy định, các hoạt động taxi và xe Honda ôm hoạt động có trật tự. Chưa ghi nhận tình trạng “hét” giá quá đáng đối với khách đi xe.

Phó GĐ Bến xe Miền Đông cho biết: Nhằm đảm bảo tốt trật tự an ninh cho người dân các tỉnh trở lại TP học tập, làm việc, Bến xe đã lên kế hoạch làm việc và trực 100% quân số đội bảo vệ bến xe. Ngoài ra, lực lượng công an quận và CSHS quận Bình Thạnh luôn tuần tra, kiểm soát khu vực bên trong Bến xe, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi móc túi, giật điện thoại di động…của hành khách.

Vì lượng khách quá đông, mà số xe chỉ có giới hạn nhất định, nên theo phản ánh của một số hành khách đi xe, đã xuất hiện không ít tình trạng nhồi nhét các “thượng đế”, nhất là các xe xuất phát từ các tỉnh thuộc khu vực miền Trung.

Vừa xuống xe, thở hổn hển, anh Nguyễn Nhật Minh (Phú Yên), một hành khách vừa hoàn thành chuyến đi từ TP Tuy Hòa cho chúng tôi biết: Xe đông kinh khủng. Số chỗ ngồi chỉ có 15 chỗ, nhưng họ nhét tới 20 người ngồi chung với nhau.

“May mà cuối cùng cũng tới nơi an toàn”, anh Minh hổn hển cho biết.

Trong khi đó, tại ga Sài Gòn, theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Trưởng ga thì ngay từ sáng ngày mùng 5 Tết, hệ thống đường sắt Việt Nam đã hoạt động bình thường trở lại với 18 chuyến tàu mỗi ngày về đến TP.HCM (13 chuyến tàu Bắc – Nam và 5 chuyến tàu địa phương) suốt từ 3h – 24h.

Mỗi ngày, có khoảng từ 7.000 – 10.000 hành khách từ các nơi dùng phương tiện tàu lửa để về đến TP.HCM.


Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa mùng 7 Tết, ở nhà ga đến quốc nội, bảng điện tử liên tục hiện thông tin chi tiết giờ hạ cánh của các chuyến bay đến từ khu vực Nam Trung Bộ và Miền Trung, Miền Bắc. Khoảng 15 – 20 phút lại có một chuyến bay hạ cánh an toàn.

Đại diện Cụm Cảng Hàng không Miền Nam cho biết, tương tự như thời gian trước  Tết, cả hai hãng VietNam Airlines và Jetstar Pacific Airlines đã phải tăng tần suất bay lên gần gấp đôi so với thường ngày để đáp ứng tốt yêu cầu trở lại TP.HCM dịp sau Tết.


Bài, ảnh:
Dương Lãng Hoàng - Việt Dũng

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này hay muốn phản ánh những bức xúc của bạn về tình trạng xe nhồi, chặt chém giá vé xe khách, máy bay... trong dịp Tết Canh Dần? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!


Bình luận
vtcnews.vn