Bi hài chuyện cấm giáo viên 'kêu cứu' trên mạng xã hội ở Đắk Nông

Giáo dụcThứ Sáu, 29/09/2017 06:55:00 +07:00

Ngay sau khi đăng tải status “kêu cứu về việc luân chuyển cán bộ quản lý của sở” lên facebook cá nhân, một thầy Phó hiệu trưởng ở Đăk Nông bị Sở GD&ĐT Đắk Nông ra văn bản yêu cầu bài viết do có nội dung... không phù hợp.

Dựa vào đâu mà cấm?

 Ngay sau sự việc, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo Sở GD&ĐT Đăk Nông đã khá vô lý khi yêu cầu thầy giáo nói trên gỡ bài viết được đăng trên chính trang cá nhân của mình. 

Anh Trần Văn Thắng- kỹ sư công nghệ thông tin ở Giảng Võ (Q. Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đọc mà thấy buồn cười. Như thế nào là không phù hợp? Giờ tôi đăng bài trên trang cá nhân của tôi, có ai cấm tôi gỡ bài được không nếu tôi khẳng định rằng những thông tin tôi đăng là sự thật, tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về phát ngôn của mình?”- anh Thắng nêu vấn đề.

hinh-1-1506562176212

 Thông tin được thầy Thanh đăng tải kêu cứu gây chú ý dư luận

Bản thân nam kỹ sư là một người thường xuyên tương tác trên facebook, anh lướt facebook hàng ngày như một thói quen khó bỏ.

“Tôi đọc thông tin được mọi người chia sẻ, thấy quan tâm thì tôi kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau, còn không quan tâm tôi có thể bỏ qua. Đăng thông tin trên trang cá nhân là quyền của mỗi cá nhân chủ tài khoản. Chỉ khi nào người hoặc sự việc có liên quan trong nội dung được đăng tải cho rằng là bịa đặt, sai sự thật và chứng minh đó là sai, thì người đăng mới phải đính chính hoặc gỡ bài”- anh nói.

Cũng theo anh Thắng, nếu như những nội dung được đề cập trong phần đăng tải không sai, thì không lý do gì để những người liên quan lên tiếng.

Trong trường hợp thầy Thanh, nếu họ muốn chứng minh là họ đúng thì hãy giải đáp những thắc mắc của thầy thay vì đi cấm thầy một cách vô lý như thế! Làm thế chả khác gì tự nhận mình sai nên không muốn mọi người biết” - nam kỹ sư cho hay.

Liên quan đến quyền sử dụng facebook, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội - cho biết, facebook là mạng xã hội, đó là nơi mọi người được thể hiện suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc của mình.

Cán bộ, viên chức họ lên mạng xã hội bộc lộ tình cảm, cảm xúc, quan điểm của mình là việc của họ và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật là được.

“Nếu cấm thì phải trên cơ sở luật pháp chứ không phải muốn là cấm. Trong ngành giáo dục không có văn bản nào cấm cán bộ, viên chức không được “kêu cứu”. Việc phát ngôn là quyền của người ta, nhưng nó không vi phạm gì đến danh dự của trường và nó đúng sự thật thì không có gì phải cấm đoán cả” - ông nêu quan điểm.

“Kêu cứu” facebook cũng bị cấm

Trước đó, dư luận xôn xao vụ việc một thầy giáo ở huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông bị Sở GD&ĐT gián tiếp cấm đoán việc sử dụng mạng xã hội, kể cả trang cá nhân để… nói xấu chuyện nội bộ của ngành.

Theo đó, ngày 22/9, thầy Vũ Đại Thanh - Phó hiệu trưởng trường THPT Đào Duy Từ đăng dòng trạng thái kêu cứu về việc luân chuyển cán bộ của sở.

Theo thông tin thầy đăng trên trang cá nhân, ngày 22/9 Sở GD&ĐT Đắk Nông công bố quyết định bổ nhiệm lại, luân chuyển một số cán bộ quản lý trên địa bàn huyện Cư Jút. Thầy Thanh được chuyển từ phó hiệu trưởng trường THPT Phan Chu Trinh về làm Phó hiệu trưởng trường THPT Đào Duy Từ.

Về quyết định, thầy Thanh cho biết phải tuân thủ lệnh điều động của cấp trên và sẵn sàng đồng hành cùng với các thầy cô trường THPT Đào Duy Từ trong lúc đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình luân chuyển cán bộ quản lý (CBQL) có một số bất cập, bất hợp lý khiến thầy Thanh không đồng ý. Thầy kể, có Phó hiệu trưởng được bổ nhiệm từ năm 2009 (tức có 8 năm đảm nhận vị trí trên) thì không luân chuyển, trong khi đó thầy Thanh mới được bổ nhiệm lần đầu, tính đến nay mới được hơn 3 năm lại bị luân chuyển.

Thầy Thanh cũng kiến nghị chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông làm rõ việc: Trong khi trường THPT Đào Duy Từ đang gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ giải thể, thì lại luân chuyển toàn bộ CBQL của trường này đi nơi khác, đồng thời bổ nhiệm một hiệu trưởng gần về hưu và có nhiều khuyết điểm trong quản lý về làm.

Thông tin với báo chí, thầy Thanh cho biết, chính thầy đăng tải thông tin trên tại trang facebook cá nhân. Ngay sau dòng trạng thái được nhiều lượt like và chia sẻ rộng, Huyện ủy huyện Cư Jút mời thầy lên nói chuyện và đề nghị thầy gỡ bài viết xuống.

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng cho biết không đồng ý với đề nghị trên, cho đến khi nào cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của thầy một cách hợp lý.

Điều đáng nói là khi chuyện vẫn đang lùm xùm thì ngày 25/9, ông Trần Sỹ - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông đã ký văn bản số 1753/SGDĐT-TCCB yêu cầu quán triệt, chấn chỉnh việc đăng tải nội dung, ý kiến cá nhân không phù hợp lên mạng xã hội. Đồng thời yêu cầu thầy gỡ bỏ nội dung bài viết.

Video: Giáo viên dạy học 16 năm không được vào biên chế

Văn bản nêu rõ: “Việc ông Thanh đăng tải ý kiến cá nhân lên Facebook nhận được nhiều chia sẻ và bình luận không tốt về ngành, tập thể lãnh đạo sở. Điều này làm ảnh hưởng sự chỉ đạo, điều hành cũng như uy tín các lãnh đạo. Vì vậy, sở yêu cầu ông Thanh phải gỡ bỏ các bài viết liên quan vấn đề này vì vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm của người quản lý”.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt, yêu cầu cán bộ công chức, viên chức không được đăng tải lên mạng xã hội những ý kiến cá nhân liên quan những vấn đề mà pháp luật không cho phép, ảnh hưởng ngành giáo dục tỉnh.

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn